Hội Gióng hết tranh cướp
Ngay từ mùa lễ hội năm ngoái những người tổ chức Hội Gióng phải tìm ra kịch bản phát lộc thay cho cướp lộc. Phương án tối ưu là để giò hoa tre và trầu cau-hai lễ vật bị tranh cướp ác liệt nhất tại hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) những năm qua- trong hậu cung sau đó mới tán lộc. Sáng khai hội Mùng 6 tháng Giêng, nghi lễ dâng tám lễ vật: Giò hoa tre, ngựa, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng, cầu húc tuần tự diễn ra trang nghiêm tại sân đền Thượng.
Hai lễ vật giò hoa tre và trầu cau sau khi dâng lễ được đưa vào hậu cung, năm nay BTC đóng cửa luôn với báo giới. Cửa hậu cung đóng chặt cho tới khi phát lộc. Gần ba tiếng sau nghi lễ khai hội, lộc hoa tre từ giò hoa tre thôn Vệ Linh dâng lễ được tán lộc khá nhanh chóng, không ồn ào.
Gần 12h trưa, BTC tiếp tục phát lộc trầu cau tại hậu cung đền Thượng. Người dân và du khách thập phương tuần tự xếp hàng nhận lộc, lui ra không ồn ào chen lấn. Hình ảnh này khác hẳn năm 2017- hoa tre và trầu cau bị cướp sạch trong gang tấc, nhiều người bị xô ngã dúi dụi, lư hương để ở sân đền mẫu vỡ tan.
Năm ngoái là năm đầu tiên BTC tổ chức phát lộc vì thế cũng có cảnh chen nhau nhận lộc, có chút lộn xộn. Năm nay mọi thứ diễn ra trong tầm kiểm soát, nữ tướng 12 tuổi (một học sinh ưu tú được lựa chọn) cũng được bảo vệ an toàn, không chịu cảnh bị bao vây như mọi năm.
Một cụ ở thôn Vệ Linh cho biết dân trong thôn giờ không còn lăn tăn về phương án thay cướp lộc bằng phát lộc nữa. Ban đầu có chút nghi ngại sợ sự thay đổi ảnh hưởng tâm linh, tuy nhiên năm qua bà con trong thôn vẫn bình an vô sự, làm ăn thuận lợi. Xét cho cùng nghi thức cũng do con người nghĩ ra, duy trì và trao truyền qua nhiều đời. Đức tin dù ở thời đại nào cũng nên hướng tới cái thiện. Nếu tranh cướp để được lộc, hóa ra thành trái với đạo lý. Các cụ lấy điều đó làm lẽ răn đe lớp trẻ, để họ dự hội với tâm thành kính tưởng nhớ công ơn tổ tiên, không chỉ chăm chăm cướp được chút lộc thánh về tay.
Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sóc Sơn mừng ra mặt sau một mùa khai hội bình yên. Ông nhớ lại thời điểm hai năm trước chính quyền huyện, xã và BQL di tích đền Sóc “cân não” thuyết phục các cụ và nhân dân thay đổi tư duy trong cách tất lộc hoa tre và trầu cau ở Hội Gióng.
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng BTC hội Gióng cho rằng việc thay đổi này không ảnh hưởng gì tới niềm tin tâm linh của người dân đến Hội Gióng, mà góp phần đưa hội chuyển biến theo hướng văn minh lành mạnh hơn. Không chỉ hướng người dân vào phần nghi lễ sáng Mùng 6, BTC chú trọng đưa thêm phần hội như cờ tướng, thi nấu cơm để tăng tính truyền thống và dân gian cho lễ hội.
Chùa hươnng bớt chen lấn
Không ngoài dự tính, lượng khách đổ về chùa Hương ngày khai hội lên tới 5 vạn. Trong 5 ngày đầu năm, BQL khu di tích, danh thắng chùa Hương thống kê được khoảng 124 nghìn lượt người về chùa Hương trước ngày khai hội. Riêng mùng 5 Tết, khoảng 48 nghìn người có mặt ở chùa Hương để chiêm bái. Lễ hội kéo ba tháng, lượng khách ước khoảng gần 1,5 triệu cả mùa nhưng riêng những ngày đầu năm chịu áp lực đón khách rất lớn.
Nửa đêm và rạng sáng khai hội, hàng nghìn du khách ngồi đò sớm vào động Hương Tích hành lễ sớm, cho nên trong buổi sáng Mùng 6 không thấy cảnh ách tắc, chen lấn xô đẩy. Tuy nhiên, càng về trưa và chiều lượng khách đổ về tăng cao gây ùn ứ ở đường vào động Hương Tích. Tại khu vực cáp treo, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiều du khách phải mệt mỏi xếp hàng nhiều giờ đồng hồ mới tới lượt đi cáp treo. Đây cũng là điều khó tránh khỏi khi hàng vạn người cùng đổ về Hương Sơn những ngày đầu năm.
Khách trẩy hội cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực về công tác tổ chức tại chùa Hương: Bố trí lại hàng quán dịch vụ gọn gàng hơn, rác thải giảm hẳn trên suối Yến, tổ chức phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự tốt hơn. Hai bên bờ suối Yến có những đoạn được lắp đèn cao áp hai bên bờ, đảm bảo cho khách di chuyển trong đêm. Những đoạn còn lại khách và chủ đò dùng đèn pin rọi để tránh va chạm trên suối Yến.
Cần vui, lành mạnh hơn
Đại diện BTC lễ hội Gióng đền Sóc khá hài lòng với diễn trình khai hội an toàn, tuy thế vẫn còn đó ưu tư.
“Chúng tôi nghiên cứu để năm sau nâng tầm lễ hội lên mức cao hơn. Đơn cử việc yêu cầu các cụ tham gia tế lễ cần quần là áo lượt hơn nữa”, vị này nói. Đi hầu khắp các lễ hội dân gian từ nhỏ tới lớn, từ di sản phi vật thể UNESCO công nhận tới cấp quốc gia hoặc cấp thôn xã, dễ nhận thấy điểm chung là sự xuề xòa bao năm nay chưa dễ thay đổi. Trang phục tế lễ còn nguyên nếp gấp, nhăn nhúm nhưng nhiều người vẫn thản nhiên vận vào người thực hành nghi lễ thiêng. Áo dài khăn xếp đấy nhưng bên dưới lại đi giày thể thao hoặc dép lê, cọc cạch.
Hội Gióng 2019 nhìn chung khá an toàn và lành mạnh, nhưng lại nảy sinh những chi tiết chưa đẹp. Sau khi dâng lễ giò hoa tre vào hậu cung, người dân thôn Vệ Linh có riêng một mâm hoa tre trùm vải đỏ đem về làng chia lộc. Tuy nhiên, thay vì đội trên đầu thành kính hay chọn một hình thức khác, đám thanh niên trai tráng vội vàng nhét số lộc thánh ấy vào bao tải và chạy vội ra cổng đền bởi nỗi sợ đám đông lại nhảy vào cướp. Góp ý với BTC thì nhận được lời phân trần rằng trong cuộc họp với các cụ có nhắc tới việc đóng vào thùng các tông rồi đấy chứ. Chỉ một hình ảnh không đẹp này khiến hội bớt phần linh thiêng, trang trọng.
Hội chùa Hương, nơi đông nhất trong những ngày đầu năm nên không tránh khỏi những lúc “thất thủ”, tuy nhiên một loạt hạt sạn khác hoàn toàn có thể khắc phục. Chuyện chèo kéo khách, hàng quán bói toán ven đường, lừa bán thuốc nam ở khu vực chùa Hương tồn tại bao năm nhưng chưa được giải quyết triệt để. Riêng câu chuyện treo thịt thú rừng, thịt động vật tươi sống được nêu nhiều năm nay dù có chuyển biến nhưng chưa dứt điểm.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi để rồi “tả tơi chơi hội”. Một số lễ hội diễn ra trong bình yên như hội Gióng và chùa Hương chỉ là bước khởi đầu, bởi cả nước gần 9 nghìn lễ hội lớn nhỏ. Lễ hội chùa Hương kéo dài ba tháng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro cho những người tổ chức và cả du khách dự hội. Rồi còn loạt lễ hội nóng như cướp phết, cướp chiếu, chọi trâu đang thử thách các nhà quản lý, chính quyền địa phương, quan trọng không kém là nhận thức và thái độ ứng xử của người chơi hội.
Mùng 6 cũng là ngày khai hội của nhiều lễ hội khác như đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), Cổ Loa (Đông Anh), Ném Thượng (Bắc Ninh). Lễ hội Hai Bà Trưng với loạt nghi lễ truyền thống như dâng hương, rước kiệu, tế lễ và diễn xướng dân gian tái hiện chiến công năm xưa.
Người dự hội Cổ Loa cảm giác thảnh thơi, an lành đúng tính chất hội làng xưa. Khoảng 7 rưỡi sáng người dân trang trọng thực hành nghi thức rước kiệu Bát xã Loa Thành lên sân đền thờ An Dương Vương. Tất cả diễn ra trong tôn ti trật tự, với bầu không khí thành kính trang trọng.
Lễ hội chém lợn Ném Thượng vài năm qua không còn “nóng”, bởi người dân thay đổi hình thức từ chém giữa sân đình sang hình thức quây bạt kín làm cỗ ngọc tế thánh. Hai “ông” ỉn vẫn được rước đi quanh làng sáng Mùng 6 trước khi trở thành vật tế thánh.