Theo trang tin quân sự Vpk, sở dĩ Ấn Độ đưa ra quyết định trên vì khả năng chế tạo xe tăng nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 40% kế hoạch sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng quốc gia Nam Á này.
Theo đó, tới năm 2013, Ấn Độ chỉ tự lắp ráp được 167 xe tăng T-90 so với 300 xe như dự kiến. Ngoài ra, chương trình sản xuất và phát triển dòng xe tăng nội địa Arjun cũng không đạt được như mong muốn của nước này.
Việc lắp ráp xe tăng T-90 nội địa của Ấn Độ chậm trễ, theo các chuyên gia quân sự, là do vướng mắc về chuyển giao công nghệ với phía Nga. Trong đó, các công nghệ quan trọng trên xe tăng T-90 như: Pháo chính, đạn pháo tăng… phía Nga cung cấp rất hạn chế.
Dù đã có kinh nghiệm chế tạo đạn pháo tăng dùng trên xe tăng T-72, nhưng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ấn Độ vẫn không thể chế tạo được đạn pháo dùng trên xe tăng T-90.
Tăng chiến đấu chủ lực T-90 là một trong những loại vũ khí hiện đại nhất của quân đội Nga. Xe tăng T-90 là phiên bản cải tiến cuối cùng của xe tăng T-72B.
Thừa kế các ưu điểm của T-72, chiếc T-90 có cấu tạo kỹ thuật cao, cơ động và linh hoạt hơn nên rút ngắn thời gian huấn luyện, giảm thiểu chi phí đào tạo đội lái.
Một trong những khác biệt của T-90 so với T-72B là hệ thống phòng thủ thụ động Shtora-1-7. Hệ thống này nhằm bảo vệ xe trước vũ khí chống tăng điều khiển bằng laser (đạn, bom, hỏa tiễn...) của đối phương bằng cách gây nhiễu bức xạ.
Đồng thời giúp đội lái xác định và tránh các loại tên lửa chống tăng phổ biến như TOW, HOT, MILAN, M47 Dragon, hay các vũ khí điều khiển bằng laser như Maverick, Hellfire, Copperhead. Ngoài ra, nó còn có hệ thống điều khiển hỏa lực 1A45 Yrtysh, súng máy điều khiển từ xa, đạn trái phá có độ chính xác cao.
Vũ khí chính của T-90 là pháo nòng trơn 125 mm, tầm bắn thẳng là 4.000 m, tầm bắn cầu vồng 10.000 m và tên lửa là 5.000 m.
T-90 có 3 biến thể: T-90K, T-90S và T-90SK. Mỗi loại đều được cải tiến và lắp đặt thêm các trang thiết bị khí tài tân tiến.