Máy bay không người lái MQ-9B. (Ảnh: General Atomics Aeronautical) |
Thỏa thuận được ký kết vào ngày 15/10 sau các cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 2018. Đây là một phần trong những nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục Ấn Độ không mua thiết bị quân sự của Nga, đồng thời kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Cơ quan quốc phòng Ấn Độ đã thông qua thỏa thuận vào năm ngoái, ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Washington (Mỹ). Lầu Năm Góc phê duyệt thỏa thuận - trị giá ước tính 3,99 tỷ đô la Mỹ - hồi tháng 2. Thỏa thuận cũng bao gồm việc thành lập một cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO) tại Ấn Độ.
Việc mua 31 máy bay không người lái Mỹ sẽ giúp tăng đáng kể khả năng giám sát và tình báo của Ấn Độ. Trong đó, 15 máy bay sẽ được chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ, số còn lại sẽ được chia đều cho Không quân và Lục quân.
Các máy bay không người lái sẽ chủ yếu được Hải quân Ấn Độ sử dụng ở Ấn Độ Dương, theo Reuters. Hai đối thủ lâu năm của nước này, Trung Quốc và Pakistan, có hệ thống phòng không tinh vi, có thể hạn chế việc sử dụng máy bay không người lái dọc theo biên giới của Ấn Độ trên đất liền.
Máy bay không người lái MQ-9B nổi bật hơn hẳn so với các máy bay khác nhờ tính năng tàng hình. Máy bay có thể tiếp cận mục tiêu trên mặt đất ở khoảng cách 250 m mà không bị phát hiện. Với tốc độ tối đa 442 km/h, máy bay có thể bay ở độ cao khoảng 15.000 m, cao hơn máy bay thương mại.
Khả năng thực hiện các nhiệm vụ kéo dài trong mọi điều kiện thời tiết của MQ-9B là một tính năng đáng chú ý khác. Máy bay có thể được lắp tên lửa không-đối-đất hoặc tên lửa không-đối-không.
MQ-9B có thể bay tới 3.200 km mà không cần tiếp nhiên liệu, và mang theo tới 1.700 kg hàng hóa, bao gồm bốn tên lửa và khoảng 450 kg bom. Nhà sản xuất quảng cáo máy bay có thể bay không ngừng trong tối đa 35 giờ.