Xung đột Nga - Ukraine ngày 15/10: Nga cố gắng chọc thủng phòng tuyến Ukraine ở tỉnh Kursk trước mùa đông

TPO - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận tình hình giao tranh dữ dội trên chiến trường khi quân đội Nga đang không ngừng nỗ lực phá vỡ hệ thống phòng thủ của Ukraine ở tỉnh Kursk.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 15/10: Nga cố gắng chọc thủng phòng tuyến Ukraine ở tỉnh Kursk trước mùa đông ảnh 1

(Ảnh: Pravda)

"Tôi đã có một cuộc họp với ban tham mưu. Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Oleksandr Syrskyi đã báo cáo về tình hình hoạt động trên chiến trường. Các cuộc giao tranh đang diễn ra trên toàn bộ chiều dài của tiền tuyến, nhưng giao tranh đặc biệt dữ dội ở mặt trận Pokrovsk và Kurakhove. Quân đội Nga đã cố gắng phá vỡ phòng tuyến của Ukraine ở tỉnh Kursk (thuộc Nga) trong suốt năm ngày qua. Lực lượng Ukraine đang cố thủ và phản công".

Ngày 15/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trực thăng Mi-28NM của nước này đã phóng tên lửa tấn công lực lượng và xe bọc thép của Ukraine tại tỉnh Kursk.

Trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) báo cáo rằng quân đội Nga đã tăng cường các cuộc phản công tại Kursk vào ngày 10 và 11/10 trước khi điều kiện thời tiết xấu đi vào mùa đông.

Tổng tư lệnh Ukraine - Oleksandr Syrskyi - cho biết, Nga đã tái triển khai khoảng 50.000 quân tới tỉnh Kursk, làm suy yếu lực lượng ở một số nơi khác trên chiến trường.

Nga bắn hạ 16 máy bay không người lái ở Bryansk trong một giờ

Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/10 cho biết, 16 máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ ở tỉnh biên giới Bryansk của Nga trong hơn một giờ.

"Trong khoảng thời gian từ 18h50 đến 20h ngày 14/10, nỗ lực tấn công của Ukraine vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga bằng máy bay không người lái đã bị ngăn chặn. Hệ thống phòng không của Nga đã phá hủy 16 máy bay không người lái của Ukraine ở tỉnh Bryansk", trích thông báo.

Thống đốc tỉnh Bryansk - Alexander Bogomaz - cho biết, không có ai bị thương trong vụ việc, không có thiệt hại nào được ghi nhận.

"Vũ khí Nga vượt trội hơn vũ khí NATO cung cấp cho Ukraine"

Ông Viktor Yevtukhov, người phụ trách chính sách quốc phòng thuộc Văn phòng Tổng thống Nga, cho biết hôm 14/10 rằng vũ khí của Nga vượt trội hơn nhiều so với vũ khí NATO cung cấp cho Ukraine.

"Ngày nay, vũ khí của chúng tôi không hề thua kém vũ khí mà NATO cung cấp cho đối thủ, thậm chí còn vượt trội về nhiều mặt", ông Yevtukhov nói.

"Nhiệm vụ chính hiện nay là đáp ứng nhu cầu của lực lượng vũ trang Nga để đảm bảo rằng họ đạt được mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự đặc biệt, đó là chiến thắng cuối cùng trước đối phương".

Ukraine tổ chức hội nghị trực tuyến mới về hòa bình

Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine - ông Andriy Yermak - đã kêu gọi thành lập một hệ thống an ninh quốc tế mới để ngăn chặn các vụ tấn công vũ trang trong tương lai.

Tuyên bố trên được ông Yermak đưa ra hôm 14/10, khi ông phát biểu tại một hội nghị trực tuyến về việc đạt được hoà bình sau chiến dịch quân sự của Nga.

Ông Yermak cho biết 66 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tham gia hội nghị. Nội dung thảo luận xoay quanh một điểm trong kế hoạch hoà bình của Tổng thống Ukraine, tập trung vào các trường hợp leo thang và gây hấn trong tương lai.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 15/10: Nga cố gắng chọc thủng phòng tuyến Ukraine ở tỉnh Kursk trước mùa đông ảnh 2
Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine - ông Andriy Yermak. (Ảnh: Reuters)

Tuần này, ông Zelensky có kế hoạch trình lên quốc hội “kế hoạch chiến thắng”, tiếp nối “kế hoạch hoà bình” mà ông đã vạch ra vào cuối năm 2022 kêu gọi Nga rút quân và khôi phục biên giới năm 1991 của Ukraine. Kế hoạch đó đã đặt nền tảng cho hội nghị thượng đỉnh hoà bình tại Thuỵ Sĩ hồi tháng 6.

Theo ông Yermak, các hệ thống an ninh hiện tại “không thể đề xuất các biện pháp chủ động để ngăn chặn hành vi gây hấn của Nga”, cũng như hậu quả trên toàn thế giới của nó

"Chúng ta cần một kiến trúc an ninh mới dựa trên luật pháp quốc tế và tăng cường năng lực phòng thủ của chính Ukraine", ông Yermak cho biết. "Hệ thống này không chỉ bao gồm thành phần quân sự, mà còn bao gồm các lệnh trừng phạt, hỗ trợ tài chính, đầu tư và hợp tác rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau".

Tổng thống Zelensky nói rằng ông muốn tổ chức một "hội nghị thượng đỉnh thế giới" mới trước khi kết thúc năm 2024. Nga không được mời tham dự cuộc họp ở Thụy Sĩ, và cho biết sẽ không tham dự bất kỳ cuộc họp nào như vậy trong tương lai.

Tuần trước, ông Zelensky đã thảo luận về kế hoạch chiến thắng với lãnh đạo của các đồng minh châu Âu, đồng thời thúc đẩy việc cho phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây nhằm vào các mục tiêu ở Nga.

Các thông tin chi tiết về kế hoạch chưa được tiết lộ. Ông Zelensky cho biết Kiev đang tìm cách củng cố Ukraine "cả về mặt địa chính trị và trên chiến trường" trước khi có bất kỳ hình thức đối thoại nào với Nga.

NATO nói sẽ không lùi bước trước Nga

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không lùi bước trước những mối đe dọa của Nga mà vẫn tiếp tục ủng hộ Kiev một cách mạnh mẽ, Tổng thư ký Mark Rutte cho biết trong chuyến thăm đầu tiên tới phái bộ Ukraine của liên minh tại Wiesbaden (Đức).

"Thông điệp gửi đến Nga là chúng tôi sẽ tiếp tục, rằng chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để đảm bảo Nga sẽ không đạt được mục đích của mình, rằng Ukraine sẽ chiến thắng", ông Mark Rutte nói.

Tổng thư ký liên minh phát biểu tại căn cứ Clay Barracks của Mỹ, nơi đặt trụ sở phái bộ mới của NATO mang tên Hỗ trợ an ninh và đào tạo Ukraine (NSATU). Phái bộ này sẽ đảm nhận việc điều phối viện trợ quân sự của phương Tây cho Kiev.

Việc thành lập phái bộ được coi là nỗ lực bảo vệ cơ chế viện trợ trước khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao thừa nhận, rằng việc bàn giao quyền điều phối viện trợ quân sự cho NATO sẽ không thực sự mang lại tác dụng như mong đợi, vì Mỹ là quốc gia dẫn đầu NATO và cung cấp phần lớn vũ khí cho Ukraine.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Đức với tư cách người đứng đầu NATO, ông Rutte đã có bài phát biểu trước các binh sĩ từ hơn một chục quốc gia đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng NSATU. Phái bộ dự kiến sẽ có tổng cộng 700 người, bao gồm cả lực lượng đồn trú tại trụ sở quân sự SHAPE của NATO ở Bỉ, tại các trung tâm hậu cần ở Ba Lan và Romania.

Căn cứ Wiesbaden cũng là nơi đặt đơn vị phụ trách tên lửa tầm xa của Mỹ mà nước này dự kiến sẽ triển khai tạm thời đến Đức từ năm 2026, nhằm chống lại những gì mà hai nước mô tả là mối đe dọa do tên lửa của Nga đặt gần Kaliningrad, cách Berlin khoảng 500 km.

Ông Rutte, từng là Thủ tướng Hà Lan từ năm 2010 đến năm 2024, cho biết NATO cần có đầy đủ các năng lực cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa từ Nga.

"Chúng tôi là NATO. Chúng tôi là liên minh phòng thủ, chúng tôi không tấn công. Chúng tôi không quan tâm đến việc chiếm giữ bất kỳ phần nào của bất kỳ quốc gia nào khác bên ngoài lãnh thổ NATO", ông nói.

"Là liên minh dân chủ, liên minh quân sự mạnh nhất trong lịch sử thế giới, phục vụ 1 tỷ người, chúng tôi sẵn sàng đối đầu với bất kỳ mối đe dọa nào. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị đối thủ đe dọa".

Theo Pravda, Tass
MỚI - NÓNG
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
TPO - Theo ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ -  hiện nay vẫn còn một số khu vực nội ô thành phố khi trời mưa 1-2 giờ sau nước mới rút, cho thấy do năng lực thoát nước của thành phố có vấn đề