Xung đột Nga - Ukraine ngày 14/10: Nga tăng cường tấn công ở phía nam để đánh lạc hướng lực lượng Ukraine

TPO - Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết, lực lượng Nga đã nối lại các hoạt động tấn công ở ranh giới Donetsk - Zaporizhzhia và đạt được một số thành công về mặt chiến thuật.

Theo ISW, vào đầu tháng 10, lực lượng Nga đã nối lại hoạt động tại một khu vực vốn yên tĩnh của mặt trận gần làng Kamianske ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia, phía nam Stepnohirsk. Tuy nhiên, những nỗ lực này bị hạn chế, chỉ mang lại một số thành công chiến thuật nhỏ.

ISW nhận định, đây dường như không phải là một phần của nỗ lực tấn công tác chiến quy mô lớn, cũng không phải là kết quả của bước đột phá đột ngột.

Có khả năng lực lượng Nga đang khuấy động tình hình ở phía nam để chuyển hướng sự chú ý của Ukraine khỏi các hoạt động tấn công chính của Nga ở Donetsk, từ đó giúp kìm chân quân đội Ukraine dọc theo mặt trận phía nam và ngăn họ tái triển khai để hỗ trợ phòng thủ ở Donetsk.

Cường kích Su-34 Nga "càn quét" cứ điểm Ukraine ở tỉnh Kursk

Một máy bay chiến đấu - ném bom Su-34 của Nga đã thực hiện cuộc tấn công vào một cứ điểm của Ukraine ở tỉnh Kursk (thuộc Nga) bằng bom không khí với mô-đun lướt, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về tác động của cuộc tấn công.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 14/10: Nga tăng cường tấn công ở phía nam để đánh lạc hướng lực lượng Ukraine ảnh 1

Binh sĩ Ukraine ở tỉnh Kursk. (Ảnh: Getty Images)

Đến thời điểm hiện tại, quân đội Ukraine đã mất hơn 22.600 binh sĩ ở tỉnh Kursk, cùng 157 xe tăng, 72 xe chiến đấu bộ binh, 98 xe bọc thép chở quân, 909 xe chiến đấu bọc thép, 186 khẩu pháo, 36 bệ phóng đa nòng...

Phương Tây hoãn vô thời hạn hội nghị cấp cao giải quyết xung đột Nga - Ukraine

Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine (UDCG, còn được gọi là định dạng Ramstein) sẽ không họp ở cấp lãnh đạo trong tương lai gần, kênh truyền hình Đức ZDF đưa tin.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 14/10: Nga tăng cường tấn công ở phía nam để đánh lạc hướng lực lượng Ukraine ảnh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin chính thức, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ đến Đức vào ngày 17/10 cho chuyến thăm bị hoãn trước đó vì bão Milton. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Biden sẽ được rút ngắn xuống còn một ngày.

Theo ZDF, điều này đồng nghĩa với việc sẽ không có cuộc họp theo định dạng Ramstein ở cấp lãnh đạo trong tương lai gần. Thông tin này hiện chưa được xác nhận.

ZDF cho biết, gói hỗ trợ của Đức đáng lẽ được công bố tại cuộc họp của UDCG vào ngày 12/10, đã được Thủ tướng Olaf Scholz công bố trong cuộc họp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào thứ Sáu (11/10).

Theo ZDF, các quyết định tiếp theo của nhóm Ramstein rất có thể sẽ được đưa ra sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trước đó, nhóm Ramstein - gồm các “nhà tài trợ vũ khí” của Ukraine - đã lên kế hoạch triệu tập cuộc họp cấp cao nhất từ trước đến nay bên lề chuyến thăm chính thức của ông Biden tới Đức từ ngày 10 - 13/10.

Hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh sự ủng hộ không lay chuyển của các đồng minh phương Tây đối với Kiev, vào thời điểm lực lượng vũ trang Ukraine đang phải chịu áp lực rất lớn.

Một nhà phân tích cho biết, việc hoãn họp không có nghĩa là sự quan tâm của phương Tây dành cho Ukraine suy giảm. “Rõ ràng, Tổng thống Biden phải gửi đi tín hiệu rằng ông ấy đang điều phối tình hình trong nước, khi Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử”, Stefan Mair, giám đốc nhóm nghiên cứu chính sách đối ngoại SWP của Đức cho biết. “Tôi không nghĩ việc hoãn họp là hạ thấp tầm quan trọng của Ukraine”.

Sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự hồi đầu năm 2022, Washington đã tập hợp khoảng 50 quốc gia có cùng chí hướng tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein (tây nam nước Đức). Bộ trưởng quốc phòng các nước này nhóm họp thường xuyên để thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 12/10, nếu diễn ra theo kế hoạch, sẽ là cuộc họp đầu tiên của nhóm Ramstein ở cấp lãnh đạo chính phủ. Dự kiến, hội nghị sẽ mở đầu bằng bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Ảnh vệ tinh tiết lộ thiệt hại kho dầu của Nga ở Crimea

Các chuyên gia OSINT ngày 13/10 đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ thiệt hại của kho dầu Nga sau khi bị tên lửa Ukraine tấn công trong đêm ngày 6, rạng sáng 7/10.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 14/10: Nga tăng cường tấn công ở phía nam để đánh lạc hướng lực lượng Ukraine ảnh 3

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các ngọn lửa tại một kho chứa dầu ở thành phố cảng Feodosia trên bán đảo Crimea đã được dập tắt. Vụ hỏa hoạn đã ảnh hưởng đến 12 bồn chứa dầu, trong đó có 8 bồn bị thiêu rụi hoàn toàn.

Hiện, giới chức Nga chưa bình luận về các thông tin này.

Được biết, trước đó các phương tiện truyền thông đưa tin, lực lượng Ukraine đã tấn công một kho dầu của Nga tại thành phố cảng Feodosia trong đêm ngày 6, rạng sáng 7/10.

Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine sau đó đã xác nhận cuộc tấn công, và cho biết Lực lượng tên lửa Ukraine và một số đơn vị khác đã phối hợp thực hiện.

Theo Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine, cảng Feodosia là cảng lớn nhất ở Crimea về khối lượng trung chuyển dầu mỏ, được sử dụng để cung cấp cho nhu cầu của quân đội Nga.

Cơ sở này là kho chứa dầu lớn nhất của Nga ở Crimea, chuyên xử lý các sản phẩm từ dầu mỏ, sức chứa lên đến 250.000 m3. Nơi này từng bị Ukraine tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) hồi tháng 3/2024. Theo báo cáo, 4 chiếc UAV đã tấn công cơ sở này, làm hỏng đường ống nhiên liệu chính và gây ra hỏa hoạn.

Ngoài ra, kho dầu này đã từng bị tấn công vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái.

Theo Pravda, Tass
MỚI - NÓNG