Ấn Độ không mặn mà khi Trung Quốc muốn giúp chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Trong một lò hoả táng ở Ấn Độ. (Ảnh: CNN)
Trong một lò hoả táng ở Ấn Độ. (Ảnh: CNN)
TPO - Trong tháng này, khi Ấn Độ đề nghị Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu vắc-xin để giúp Ấn Độ đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, Washington có vẻ muốn trì hoãn, nói rằng họ cần “tiêm phòng cho người dân Mỹ” trước.

Câu trả lời này khiến nhiều người Ấn Độ thất vọng và giận dữ, trong khi họ phải đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới: số ca mắc mới mỗi ngày liên tục phá kỷ lục, các bệnh viện và lò hoả táng quá tải, nhiều bệnh nhân chết vì thiếu oxy và thiết bị y tế.

Bị chỉ trích cả trong và ngoài nước, Mỹ nhanh chóng thay đổi quan điểm và hứa sẽ hỗ trợ Ấn Độ.

Ngoài Ấn Độ, nước chỉ trích Mỹ lớn tiếng và gay gắt nhất là Trung Quốc. Trong tuần qua, báo chí Trung Quốc đăng hàng loạt bài viết chê bai Washington, nói rằng phản ứng ban đầu của Mỹ “hoàn toàn phơi bày sự ích kỷ” và cáo buộc nước này “cản trở những nỗ lực toàn cầu” trong việc phân phối vắc-xin cho các nước đang phát triển đang vô cùng cần.

Từ khi khống chế được dịch bệnh trong nước, Bắc Kinh đang muốn trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch, luôn thể hiện sẵn sàng giúp các nước khác theo cách tương phản với ngọn cờ “Mỹ là trên hết” của thời Tổng thống Donald Trump.

Khi cuộc khủng hoảng nhanh chóng vượt tầm kiểm soát của Ấn Độ, giới chức Trung Quốc nhiều lần bày tỏ mong muốn giúp đỡ, cam kết “hỗ trợ ở mức cao nhất trong năng lực của chúng tôi nếu phía Ấn Độ cho chúng tôi biết nhu cầu cụ thể của họ”.

Tuy nhiên, New Delhi đến nay vẫn chưa chấp nhận lời đề nghị này của Bắc Kinh. Có lẽ đây là triệu chứng của sự ngờ vực sâu sắc và kéo dài giữa hai cường quốc châu Á, CNN bình luận.

Sự thận trọng này càng đáng chú ý hơn khi Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên gửi vật tư y tế đến thành phố Vũ Hán của Trung Quốc trong đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên vào cuối năm 2019.

Nhưng từ đó, quan hệ song phương xuống dốc nhanh chóng, chủ yếu do căng thẳng giữa hai nước trên biên giới thuộc dãy Himalaya. Tháng 6 năm ngoái, một vụ đụng độ chết người xảy ra lần đầu tiên sau hơn 40 năm, khiến ít nhất 20 binh lính của Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc sau đó nói rằng 4 binh lính của họ chết trong cuộc đối đầu này.

Sau đó, New Delhi xích lại gần Washington hơn, trong lúc Mỹ coi Ấn Độ là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đối phó với tham vọng và ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực. Ấn Độ tham gia tích cực hơn vào Bộ Tứ, một liên minh không chính thức với Mỹ, Úc và Nhật Bản.

Báo chí Trung Quốc nhấn mạnh chuyện Ấn Độ xích lại gần Mỹ nhưng Washington không giúp đồng minh trong hoàn cảnh khó khăn. Một bài báo Trung Quốc gọi Mỹ là “đối tác không đáng tin cậy” khi đối xử với Ấn Độ như “con tốt”, có thể “vứt bỏ như tờ giấy ăn đã sử dụng” vì không còn hữu ích nữa.

Dù một số người ở Ấn Độ đồng ý ở chừng mực nào đó với đánh giá này, nhưng nhiều người cho rằng Bắc Kinh đang tranh thủ tình hình để gây chia rẽ giữa Delhi và Washington.

Dưới áp lực trong nước và quốc tế, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/4 đã cam kết rằng Mỹ sẽ “hoàn toàn ủng hộ việc cung cấp nguồn lực và hỗ trợ khẩn cấp cho Ấn Độ trong cuộc chiến chống COVID-19”. Nhưng Delhi đến nay vẫn chưa đáp lời Bắc Kinh.

Trung Quốc hôm 27/4 cho biết sẽ thành lập một “kho vật tư y tế khẩn cấp chống COVID-19” cho các quốc gia Nam Á, gồm Afghanistan, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh. Ấn Độ được mời dự cuộc họp trực tuyến, nhưng không tham gia, báo chí Trung Quốc đưa tin.

“Hy vọng cuộc họp hôm nay cũng có thể hỗ trợ Ấn Độ trong cuộc chiến chống đại dịch”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói trong cuộc họp.

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.