Bình luận quốc tế:

Ấn Độ 'dập lửa' trên mạng

Ông Mohammad Akhlaq bị đánh chết vì tin đồn ăn thịt bò
Ông Mohammad Akhlaq bị đánh chết vì tin đồn ăn thịt bò
TP - Ấn Độ hôm 15/10 tuyên bố sẽ triệu tập cuộc họp với lãnh đạo của Twitter, Facebook và Google nhằm yêu cầu các mạng xã hội này tăng cường kiểm duyệt cũng như tháo gỡ những thông tin có khả năng kích động bạo lực trong cộng đồng.

New Dehli đưa ra quyết định trên sau án mạng tại thị trấn Dadri, bang Uttar Pradesh cuối tháng 9 vừa qua.  Nguyên nhân được cho là các mạng xã hội lan truyền thông tin và hình ảnh với lời đồn đoán về người đàn ông tên Mohammad Akhlaq, 50 tuổi, cất giấu và tiêu thụ thịt bò tại nhà -vốn là điều cấm ky theo tín ngưỡng Hindu.

Hồi tháng 3 và tháng 4, Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên tục ra lệnh chặn truy cập các mạng xã hội từ nước này nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương, và ngăn việc đăng hình ảnh công tố viên nước này bị một nhóm khủng bố bắt làm con tin trong vụ tấn công trụ sở tòa án ở Istanbul hôm 31/3.

Hơn 4 năm trước, ngày 17/1/2011, Mohamed Bouazzi, công dân Tunisia 26 tuổi, do bị cảnh sát tịch thu gánh hàng rong, vì quá phẫn uất đã tự thiêu. Hình ảnh ghi lại bằng điện thoại, được tung lên các trang Facebook, Twitter, YouTube... Nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn liên tiếp nổ ra ở Tunisia sau đó. Biến động dữ dội ở Tunisia nhanh chóng lây lan, xô đẩy nhiều nước khác ở Bắc Phi, Trung Đông, dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Mubarak tại Ai Cập, Đại tá Gaddafi ở Libya. Tại Syria, biểu tình kêu gọi ông Bashar al-Assad từ chức bắt đầu giữa tháng 3/2011 tại Dera’a, lan sang khu vực khác và kéo dài tới tận hôm nay.

“Nhờ những hình ảnh quay bằng điện thoại ở Tunis, Cairo, Bahrain… được tải lên mạng xã hội, rồi sau đó các đài truyền hình quốc tế như CNN hay Al-Jazeera lấy lại để phát, cả thế giới mới biết được tầm mức của phong trào phản kháng tại những nước đó”, Micah Sifry, đồng sáng lập viên trang blog techPresident, phân tích: “Không có Facebook, Twitter, Google, YouTube, chuyện đó không bao giờ xảy ra”.

Mạng xã hội thuần túy là phương tiện để mọi người có thể kết nối với nhau, nhưng mạng xã hội cũng dễ dàng trở thành công cụ đắc lực nếu người sử dụng có ý đồ đen tối. Nếu nói một cách hình ảnh: “Mọi đốm lửa đều có thể bắt đầu từ mạng xã hội”, thì sự cảnh giác của chính quyền Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thừa.

MỚI - NÓNG