'An cư lạc nghiệp', giấc mơ có thực

Mô hình nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam.
Mô hình nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam.
TP - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, việc đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã và đang được triển khai có hiệu quả. Giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của công nhân, lao động đang trở thành hiện thực.

Ước mơ “an cư, lạc nghiệp”

Những ngày này, ngoài giờ làm việc, các công nhân ở công ty Norfolk Hatexco (Khu công nghiệp Đồng Văn  - Hà Nam) lại tụ tập rủ nhau tham quan những ngôi nhà giá rẻ kiểu mẫu được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) xây dựng lên trong khu công nghiệp. Đó là 3 căn phòng hiện đại, khang trang, có diện tích đa dạng, từ 30m2 đến 50m2, phù hợp với nhu cầu, sử dụng của mỗi cá nhân, gia đình. Trong mỗi căn phòng được bố trí đầy đủ tiện nghi, phù hợp, kể cả phòng 30m2, cũng có phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp… gọn gàng, sạch sẽ.

“Khi chuẩn bị lập dự án, Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam đã nhiều lần về đây lấy ý kiến của công nhân về nhu cầu nhà ở. Bọn em ai cũng mừng, ai cũng mong muốn dự án sớm được triển khai và có mức giá phù hợp để sớm “an cư, lạc nghiệp”, Nguyễn Thị Hương, 35 tuổi, công nhân trong khu công nghiệp tâm sự. Hương kể, cô đã làm việc ở đây 11 năm và đã lập gia đình, có hai con. Tuy nhiên do thu nhập của hai vợ chồng thấp, lại phải nuôi hai con nhỏ ăn học, nên 11 năm qua “ước mơ an cư, lạc nghiệp” của vợ chồng cô vẫn “xa vời”.

Hương cho biết, hiện tại gia đình cô đang thuê một ngôi nhà trong làng với giá hơn triệu đồng/tháng. Tuy nhiên do nhà cấp 4, cũ kỹ, lâu không được sửa chữa nên thường xuyên bị dột khi trời mưa. “Nhiều khi đêm đang ngủ, mưa lớn, dột xuống giường thế là cả gia đình lại như đánh trận. Thưng, che, di chuyển”, Hương kể. Hương cho biết, cũng chỉ vì khó khăn về nhà ở nên rất nhiều công nhân, sau khi lập gia đình, có con nhỏ đã bỏ việc để về quê sinh sống. “Nếu điều kiện ăn ở tốt hơn, nhất là có chính sách hỗ trợ về nhà ở thì chắc chắn các bạn ấy đã không bỏ việc”, Hương nói.

'An cư lạc nghiệp', giấc mơ có thực ảnh 1 Tổng LĐLĐVN ký kết thỏa thuận với các doanh nghiệp xây dựng các Thiết chế công đoàn.

Cũng như  Hương, Đinh Thị Đào (30 tuổi), quê ở Nam Định cũng đã làm việc ở khu công nghiệp Đồng Văn được nhiều năm. Đào cũng đã lập gia đình và cũng đã có một con nhỏ. Hiện cả gia đình Đào đang thuê phòng trọ ở bên ngoài. “Do thu nhập thấp nên gia đình em chỉ dám thuê một căn phòng nhỏ chưa đầy 15m2, với giá 600 nghìn đồng/ tháng. Nhà nhỏ nên sinh hoạt rất khó khăn, chật chội. Giờ bọn em chỉ mong muốn, các cơ quan chức năng sớm triển khai xây dựng dự án nhà ở giá rẻ, với mức bán và cho thuê hợp lý để chúng em có điều kiện cải thiện sinh hoạt”, Đào tâm sự.

Nỗ lực hiện thực hóa

Là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLÐ, gắn bó, thấu hiểu những thiếu thốn, bức xúc của NLÐ, sau nhiều trăn trở, tính toán, Tổng LÐLÐ Việt Nam đã xây dựng “Ðề án xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ công nhân, NLÐ tại khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN). Chỉ trong một thời gian ngắn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bằng Quyết định 655 ngày 12/5/2017. Ðề án được đánh giá là “bước đột phá”, của tổ chức công đoàn trong chiến lược đổi mới phương thức tập hợp, phát triển đoàn viên của công đoàn trong tình hình mới. Bên cạnh đó, đề án sẽ đáp ứng được sự khát khao, mong mỏi của CNLÐ đang làm việc tại KCX, KCN trong hàng chục năm qua.

Theo ông Trần Ngọc Quang, Phó Trưởng Ban QLDA thiết chế công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc xây dựng thiết chế phục vụ công nhân trong khu công nghiệp là chương trình hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo, phát triển giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Hơn nữa đây là dự án mang tính nhân văn sâu sắc, chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn và toàn xã hội tới người lao động ở các KCN, KCX.

Theo ông Quang, việc triển khai các thiết chế công đoàn sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động với giá cả rẻ nhất, phù hợp với thu nhập của người lao động trên cơ sở sự hỗ trợ đồng bộ của Nhà nước, địa phương, Tổ chức công đoàn, và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tạo ra khu nhà ở đồng bộ, nơi có công nhân có cuộc sống văn minh, hiện đại, dịch vụ đầy đủ, giá cả hợp lý; nơi công nhân được chăm lo không chỉ về chỗ ở mà còn được chăm lo về đời sống văn hóa, tinh thần một cách đầy đủ nhất trên cơ sở sự quản lý vận hành lâu dài của tổ chức công đoàn đối với các khu thiết chế công đoàn.

“Khi công nhân sẽ ổn định công việc với chỗ ở của mình thì từ đó sẽ đảm bảo nguồn nhân lực tại các địa phương phát triển bền vững, tình hình kinh tế xã hội địa phương được thêm ổn định, sức hấp dẫn đầu tư của địa phương được tăng lên. Đặc biệt sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và của tổ chức công đoàn được thể hiện một cách cụ thể, thiết thực”, ông Quang cho hay.

'An cư lạc nghiệp', giấc mơ có thực ảnh 2 Các căn phòng mẫu.

Đồng hành và chia sẻ

Với mục đích và ý nghĩa lớn lao trên, thời gian qua Tổng LĐLĐVN và chính quyền các địa phương đã tích cực phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Theo đó, Tổng LĐLĐVN đã lập kế hoạch đầu tư 12 dự án tại các tỉnh như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Tiền Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh…  Theo Tổng LĐLĐVN, sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các địa phương trong việc phối hợp xây dựng các thiết chế của công đoàn khiến cho tiến độ công việc được đẩy nhanh tích cực.

Trong cuộc đối thoại với công nhân lao động miền Trung ngày 22/4/2017, tại Đà Nẵng, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng LĐLĐVN đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với hàng loạt các doanh nghiệp như Tổng Công ty Viglacera, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam về Chương trình Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn và người lao động. Theo đó, Viglacera cam kết cung cấp các loại gách ốp, gạch lát, gạch bê tông và các sản phẩm với mức giá giảm từ 10 - 15% để Tổng LĐLĐVN xây dựng các thiết chế cho công nhân…

Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, bước đầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng các nhà mẫu ở khu công nghiệp Đồng Văn. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ sớm hoàn thành 5 khối nhà 5 tầng, Nhà đa năng, Hạ tầng kỹ thuật ở đây. Đối với dự án ở Quảng Nam, Tiền Giang, dự kiến khởi công quý IV/2018.  Đối với 5 dự án: Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Trà Vinh dự kiến khởi công vào quý I/2019…

Đề cập đến dự án nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam ông Trần Văn Khải, Trưởng Ban Quản lý dự án Thiết chế công đoàn cho biết, hiện Đồng Văn là một trong 3 khu công nghiệp lớn nhất tỉnh nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng về các khu nhà ở công nhân - nhất là với hơn 70% lượng công nhân ngoại tỉnh đang làm việc tại đây. Theo quy mô dự án, khu Thiết chế công đoàn ở Đồng Văn được xây dựng trên diện tích 4,2ha. Trong đó, xây dựng 1.210 căn hộ; nhà đa năng, quảng trường, khu thể thao rồi nhà trẻ, siêu thị công đoàn, hiệu thuốc và các hệ thống dịch vụ khác…

“Việc đầu tư xây dựng thiết chế ở đây sẽ bổ sung và thu hút tuyển dụng nhân công hiệu quả, giảm thiểu tệ nạn xã hội và ổn đinh an sinh, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động. Qua đó, giúp các địa phương hình thành khu công nghiệp hiện đại và văn minh, kiến tạo môi trường đầu tư và thu hút đầu tư”.

Ông Trần Văn Khải

Mục tiêu của Đề án

Giai đoạn từ năm 2017 đến 2018 phấn đấu hoàn thành 10 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;

- Giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 phấn đấu hoàn thành 40 thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất;

- Đến năm 2030 phấn đấu các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

MỚI - NÓNG