Ám ảnh trở lại vùng lở núi Nam Trà My

Đường sá ở Nam Trà My, Quảng Nam bị phá nát sau các trận thiên tai Ảnh: Nguyễn Thành
Đường sá ở Nam Trà My, Quảng Nam bị phá nát sau các trận thiên tai Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Gần 2 tháng sau đợt mưa bão gây sạt lở kinh hoàng, cả huyện nghèo Nam Trà My (Quảng Nam) đi đâu cũng thấy đất đá ngổn ngang, những sườn núi đỏ au như chực chờ sụt xuống, vùi lấp tất cả. Giao thông, hạ tầng hư hỏng, làng mạc tiêu điều, cuộc sống người dân vùng núi cao càng ảm đạm, xót xa hơn khi giá rét cuối năm ùa về. 

Khó khăn bộn bề

Cuối tháng 12, chúng tôi trở lại vùng sạt lở Nam Trà My khi những đợt gió rét đầu đông đang ùa về. Mưa tầm tã khiến cung đường từ thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) lên Nam Trà My càng trở nên khó khăn. Đường sá nhiều đoạn vẫn còn ngổn ngang đất đá, các điểm sạt lở trên tuyến tỉnh lộ này vẫn như những cái bẫy, sẵn sàng đổ ập xuống bất kể lúc nào.

Cánh tài xế lão luyện kể, gần 2 tháng nay, vùng này mưa rả rích từ sáng đến tối, anh em vừa chạy vừa canh chừng đất lở, giao thông dễ bị ách tắc chỉ trong vài giây. Những khe suối nhỏ dọc hai bên đường nay đã bị xé toạc thành những rãnh, những con suối to, lởm chởm đất đá ở trên cao, chỉ “chực” một trận mưa lớn là cứ thế đổ xuống đường. Dọc các điểm sạt lở, xe múc, xe ủi luôn thường trực để sẵn sàng thông đường khi có sự cố xảy ra.

Vượt qua cung đường ngổn ngang, chúng tôi có mặt ở trung tâm huyện Nam Trà My khi đã gần chiều. Đứng ở trung tâm huyện, ngước mắt nhìn quanh là núi đồi nay đã tan hoang. Người dân huyện Nam Trà My cho hay, nếu qua xã Trà Tập, leo lên một điểm núi cao ở Tăk Pổ, phóng mắt nhìn quanh sẽ thấy cả một vùng rộng lớn Nam Trà My đâu đâu cũng là cảnh sạt lở. Ngay khu vực thôn 3, xã Trà Tập, cả một cung đường bị nước lũ xé toang, bên kia sông nóc Tắc Rối với hàng chục hộ dân chịu cảnh biệt lập mỗi khi mưa lớn kéo dài.

Theo thống kê thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện Nam Trà My có 18 người chết, 14 người mất tích, 33 người bị thương. Trong đó, nặng nề nhất là thôn 1 (xã Trà Leng) với 22 người chết và mất tích khi nóc Ông Đề với 15 hộ dân bị xoá sổ. Kế đến là xã Trà Vân với 8 người chết do lở núi tại nóc Ông Sinh thuộc thôn 1. Còn lại rải rác ở các xã Trà Mai, Trà Don, Trà Dơn…đều có người mất tích, bị thương do sạt lở. Những con số thống kê buồn và khủng khiếp, là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân, chính quyền Nam Trà My sau hơn 17 năm chia tách huyện.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ, cùng với thiệt hại về người, trong các đợt mưa bão vừa qua, huyện bị tàn phá nặng nề về giao thông, tài sản của nhân dân và của Nhà nước. Sau bao nhiêu năm xây dựng, tái thiết, nhiều vùng dường như trở lại vạch xuất phát với bộn bề khó khăn. Toàn huyện có gần 100 nhà bị đổ sập hoàn toàn, hơn 710 nhà dân bị tốc mái. Ngoài ra, mưa bão cũng làm cho hầu hết các tuyến giao thông trên địa bàn huyện bị sạt lở đất đá, xói lở với khối lượng lớn. Nhiều điểm trường bị sập do sạt lở đất, tốc mái; một số trụ sở làm việc, trạm y tế xã bị hư hỏng, các công trình nước sinh hoạt, thuỷ lợi bị trôi, hư đường ống, đập dâng... Khó khăn chồng chất, chính quyền huyện Nam Trà My đang nỗ lực hết mình để ổn định cuộc sống cho người dân.

Biết đâu là an toàn?

Lãnh đạo huyện Nam Trà My cho biết: Sau các đợt sạt lở, chính quyền đã huy động các lực lượng xung kích và vận động nhân dân sử dụng các vật liệu tại chỗ và hỗ trợ lẫn nhau khắc phục tạm thời nhà cửa bị tốc mái, ngã đổ. Đối với hộ ở những nơi không an toàn, chính quyền xã nhanh chóng vận động bà con di dời đến nơi ở mới, tránh thiệt hại về người và tài sản. Riêng các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở tại thôn 1, thôn 2 (xã Trà Leng) và thôn 1 (xã Trà Vân), UBND huyện đang tập trung huy động các nguồn lực để cùng với nhân dân làm nhà tạm trong khi chờ xây dựng lại nhà mới. 

Cung đường từ Tăk Pỏ, lên Trà Don qua Trà Vân khiến ai lần đầu thấy cũng xót xa và kinh hãi bởi những hậu quả thiên tai để lại. Nóc Tăk Lang (thôn 1, xã Trà Don) với 38 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp khi sạt lở khiến một số nhà cửa bị vùi lấp, hàng chục ngôi nhà bị uy hiếp. Rất may, trước mưa bão, chính quyền địa phương đã vận động dân làng trú ẩn nên khi xảy ra sạt lở, tính mạng người dân được bảo toàn. Toàn bộ các hộ dân được vận động di dời, trong đó, có gần 20 hộ dân mất nhà cửa hiện đang phải dựng nhà tạm để ở trong khó khăn, thiếu thốn bộn bề.

Từ trung tâm xã Trà Don, phóng mắt nhìn qua là nền đất cũ của nóc Tak Lang, phía sau là cả quả đồi chỉ còn màu đất đỏ au như màu máu do sạt lở. Ông Trần Vĩnh Thơ, Chủ tịch UBND xã Trà Don, tâm tư: “Thương bà con, thương dân làng mình lắm. Sống từ bé tới lớn, tui chưa bao giờ thấy cảnh sạt lở kinh hoàng như vậy. Nhìn cảnh dân làng khốn khó những ngày đầu sau sạt lở mà ứa nước mắt. Dân làng đang dựng lại nhà tạm để chờ hỗ trợ làm nhà kiên cố. Giờ muốn di dời cũng không biết đâu là an toàn vì xung quanh núi rừng nhìn đâu cũng thấy tiềm ẩn nguy cơ lở núi”.

Ám ảnh trở lại vùng lở núi Nam Trà My ảnh 1 Người dân nóc Tắk Lang xã Trà Don đang phải dựng nhà tạm để ởẢnh: Nguyễn Thành
Trong mưa chiều rét buốt, nơi bà con nóc Tăk Lang đang dựng nhà ở tạm lầy lội bùn đất, những nóc nhà tạm xiêu vẹo khiến khung cảnh càng ảm đạm. Gọi là nhà, nhưng thực chất chỉ là những căn chòi gỗ, tre nứa đơn sơ, xung quanh phủ bạt, trên được che đậy bằng vài tấm tôn. Chỗ ngủ chỉ là vài tấm gỗ của nhà cũ còn sót lại. Bước ra trong căn nhà tạm chỉ cao quá đầu người, tay chân còn lấm lem bùn đất, già làng Hồ Văn Long nói như khóc: “Dân làng vốn nghèo khó. Sụt đất, lở núi vùi lấp tất cả, giờ hầu như nhà nào cũng trắng tay. Chỉ mong sao sớm được hỗ trợ, giúp đỡ để bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống”.     

Nhìn cảnh dân làng khốn khó những ngày đầu sau sạt lở mà ứa nước mắt. Dân làng đang dựng lại nhà tạm để chờ hỗ trợ làm nhà kiên cố. Giờ muốn di dời cũng không biết đâu là an toàn vì xung quanh núi rừng nhìn đâu cũng thấy tiềm ẩn nguy cơ lở núi”. 
Ông Trần Vĩnh Thơ, Chủ tịch UBND xã Trà Don

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.