Cận cảnh cái đói Nam Trà My...

Cận cảnh cái đói Nam Trà My...
TP - Chị Leng với tay vào hũ gạo cố vét để đủ nấu một nồi cháo loãng. Ngó quanh, vỏ sắn rừng đã chất cả một đống nhỏ sau những ngày ăn độn, nay cũng đã hết... Hai đứa nhỏ vẫn khóc rỉ rả.

Chẳng riêng gì cái thôn 2 xã Trà Tập, mà gần như cả 7 xã vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam) những ngày bị núi lở cô lập chia cắt với miền xuôi này, đâu cũng có thể bắt gặp cảnh sống như nhà chị Hồ Thị Leng.

Phương án dùng trực thăng chuyển hàng cứu trợ vào cho dân đến hôm qua (10/12) đã phải hủy bỏ, do trời sương mù. Thay vào đó, quân đội, công an sẽ được huy động cắt rừng gùi gạo và thực phẩm lên cho dân.

Gian nan đường vào thôn, bản

Cận cảnh cái đói Nam Trà My... ảnh 1
Người dân phải xẻ rừng, băng suối lội bộ hàng ngày trời để để đến trung tâm huyện nhận hàng cứu trợ

Chúng tôi hì hục trên con đường sình lầy trơn trượt tìm vào Trà Tập - 1 trong 7 xã vùng cao bị chia cắt nặng nề nhất của huyện Nam Trà My.

Những cơn mưa càng thêm nặng hạt, nước đổ xối xả từ các con thác xuống dòng sông đang chảy đỏ ngầu. Cuối cùng, chiếc xe máy của chúng tôi phải dừng ngay trước con đường độc đạo dẫn vào xã. Khối đất đá khổng lồ do sạt lở đã án ngữ và nhấn chìm tuyến đường này gần một tháng nay. Hai chiếc máy xúc của đơn vị thi công đã vận động hết công suất nhưng khả năng khai thông vẫn còn trong xa vời.

Hướng mắt về phía xa, anh giao liên xã Bùi Văn Ảnh, ái ngại :“Đây mới là thôn 2, gần nhất từ trung tâm huyện. Nếu muốn đến được thôn 4 thì phải đi bộ băng rừng cả ngày đường. Chưa năm nào tình trạng sạt lở lại khủng khiếp như năm nay”.

Theo chân anh Ảnh, chúng tôi phải cắt rừng đi bộ gần 3 tiếng tiếng đồng hồ nữa cũng mới chỉ “chạm mặt” được nóc Mô Rong đầu tiên của thôn 2. Nóc nằm chơi vơi giữa lưng chừng núi, đường đi không còn vì đất đá vùi lấp, chiếc cầu treo bị lũ cuốn trôi, muốn qua phải lội 3 - 4 con suối.

Anh Bùi Văn Ảnh trấn an: “Đến được với Trà Tập lúc này vẫn còn dễ hơn các xã cùng bị cô lập. Tuyến đường từ huyện đi Trà Mai - Trà Vân - Trà Vinh có đến hàng loạt điểm sạt lở, có những nơi tưởng phải nguyên một quả đồi đổ ập xuống mặt đường.

Cầu cống đã bị nước lũ cuốn trôi. Muốn đi đến các xã này duy nhất chỉ có cắt rừng, lội suối. Chưa đầy 13 cây số, ngày thường đi đã mất 4 -5 tiếng, nay phải mất ít nhất cả ngày đường mới có thể tiếp cận được với một số thôn của xã Trà Vinh”.

Độn sắn, rau rừng cầm cự trong cô lập

Giấc ngủ chập chờn trong cái đói, lạnh, chị Hồ Thị Leng cố dỗ cho hai con nhỏ khỏi khóc. Lời rì rầm trong khoé miệng của anh Nguyễn Văn Huân - Chồng chị - như thầm mong trời mau sáng để băng rừng, tìm cái gì có thể làm đỡ cái đói đang đeo đẳng lúc này.

Đêm vẫn dài, từng đợt mưa lớn lùa vào khiến cái lạnh miền sơn cước thêm cay nghiệt. Nhớ trưa nay, chứng kiến bữa cơm của gia đình anh Bùi Văn Tân (thôn 2, Trà Tập) nhà bên cạnh đây, bị núi đá sạt lở làm hư hỏng toàn bộ phần gian bếp.

Nhà chật người đông, vợ ngồi nấu ăn ngay trên đống đổ nát, tất cả cũng chỉ lặt vặt vài cọng rau rừng cho qua ngày. Đưa ánh mắt hướng về phía mớ thóc chưa dàn đủ mặt nia nhỏ, chị Hồ Thị Nữ buồn rầu: “Nhà có tất cả 6 người mà chỉ còn chừng này gạo, ăn dè sẻn cũng chỉ được vài ngày, không biết những ngày sau lấy gì ăn. Nắng tạnh còn lên rừng kiếm củ sắn, rau rừng về ăn độn, nhưng mưa lớn, sạt lở thế này, biết đi đâu !”.

Chị Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch UBND xã Trà Tập - cho biết: Toàn xã có 405 hộ gia đình với hơn 2.000 nhân khẩu, thì tất cả đều đang đối diện với cảnh thiếu lương thực, thực phẩm, cả tháng nay rồi. Trước đó, chúng tôi đã phát khẩn cấp 2 tấn lương thực nhưng vẫn không thấm vào đâu”.

Cơ cực nhất vẫn là các em nhỏ học sinh nội trú ở các cụm xã. Theo thống kê của huyện có đến 2.500 học sinh đang trong tình trạng thiếu đói. Khoản tiền 100.000 đồng hỗ trợ mỗi tháng, ngày thường, các em đã phải tằn tiện để mua sách vở, đồ dùng học tập.

Nhiều em còn đi bộ cả ngày trời để gùi gạo về nơi nội trú cho giảm chi tiêu, nào dám nghĩ đến con cá, miếng thịt, nay cái cơ cực càng thêm chồng chất.

Thầy Lê Công Vinh - Chủ tịch Công đoàn trường THCS bán trú cụm xã Trà Vân - Trà Vinh, cho biết: “Từ giữa tháng 11 đến nay, tuyến đường Trà Mai - Trà Vân - Trà Vinh bị chia cắt hoàn toàn vì sạt lở, toàn bộ học sinh học bán trú tại trường không thể về nhà lấy gạo nên số gạo trường dự trữ cho các em sắp hết.

Cái đói thường trực trong vài ngày tới. Trong khi đó, hơn 1 tấn gạo mà huyện cấp cho trường vẫn không thể đưa về được do không có đường đi. Nhìn các em mà thấy chạnh lòng, mưa lạnh nhưng chỉ có độc cái áo phong phanh khiến da em nào cũng xám lại”.

Nhìn gương mặt của hơn 200 học sinh đang học lớp 9, trường THCS bán trú này, thấy hiện rõ nỗi khắc nghiệt của đói - rét. Thiếu áo ấm, các em phong phanh đến lớp trong chiếc áo mỏng, ngồi co ro nghe giảng và những tiếng trả lời không tròn giọng do những cơn run lẩy bẩy mỗi khi có đợt gió ùa vào qua những lỗ hổng của chiếc cửa cũ kỹ.

Chụm đầu vào nồi cơm đa phần là sắn đang bốc khói, em Nguyễn Văn Tuấn - Học sinh trường bán trú huyện, hiện đang trú tại thôn 2 xã Trà Tập cũng chỉ đơm được bát cơm dở vì phải nhường cho các bạn còn lại.

“Như vậy cũng hơn nhiều bạn khác rồi ạ. Có bạn lớp em còn không có gì để ăn nữa. Rau rừng mấy hôm nay cũng hiếm nên chúng em chỉ ăn với nước mắm thôi” - Tuấn kể.

Ánh mắt thầy Yên - Hiệu trưởng trường THCS Trà Tập - lộ vẻ lo lắng: “Các em chuẩn bị bước vào kỳ thi, kiểm tra. Nếu cứ kéo dài cái đói, rét thiếu lương thực, thực phẩm thế này thì không biết có vượt qua kỳ thi được không ?”.

Dân quân, công an cắt rừng gùi hàng cứu dân

Cận cảnh cái đói Nam Trà My... ảnh 2
Dù đói lạnh, nhưng học sinh vẫn băng rừng đến trường

Ông Nguyễn Văn Điền - Phó Chủ tịch UBND huyện - trăn trở: “Hiện 7/10 xã của huyện là Trà Linh, Trà Don, Trà Cang... vẫn bị cô lập hoàn toàn. Giao thông đều bế tắc do sạt lở, sình lầy. 21 cầu treo nối về các xã đã bị mưa lũ cuốn trôi.

Ước tính có đến 16.000 dân các xã này đang thiếu đói trầm trọng, trong đó có hơn 1.250 hộ với 6.347 khẩu cần được viện trợ lương thực, thực phẩm kịp thời; 2.175 hộ với 9.984 khẩu có nguy cơ thiếu lương thực trong thời gian đến. Hiện tại huyện còn 50 tấn gạo cùng nhiều thực phẩm khác nữa.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã xuất 30 tấn gạo và 1,2 tỷ đồng để tiếp tế khẩn cấp cho dân. Tuy nhiên, tình thế bây giờ không thể huy động trực thăng cứu trợ như đã tính, vì thời tiết sương mù.

Chúng tôi đã huy động 200 dân quân,  công an viên và thanh niên địa phương xẻ rừng gùi hàng vào cứu dân ở các vùng cô lập”. 

Những tuần qua, hàng trăm đoàn viên, thanh niên ở huyện Nam Trà My đã được huy động đến những thôn, bản có thể đến được để giúp đồng bào với trên 1.000 ngày công, khắc phục được hơn 10 ha đất sản xuất lúa nước; sửa chữa hơn 10 công trình thủy lợi nhỏ và nạo vét hàng ngàn mét kênh mương.

Đồng thời, UBNB huyện cũng huy động các đơn vị thi công, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn như Cty TNHH xây dựng Nghĩa Thành, Cty TNHH Phúc Cường ... san ủi hơn 3.000 m3 đất, 250 m3 đá để thông đường. Tuy nhiên, tình trạng cô lập, bế tắc về giao thông vẫn chưa thể khắc phục.

Cần nhìn lại bài học dự phòng

Việc các xã bị cô lập, hàng nghìn người dân đang cùng quẫn trong cái đói khi mà công tác cứu trợ vẫn chưa tìm được biện pháp khả thi đặt ra một dấu hỏi lớn về việc triển khai phương án 5 tại chỗ của địa phương.

Thực tế tại các huyện vùng cao như Nam Giang, Tây Giang... cũng bị lũ cô lập, cũng chịu chung tình trạng sạt lở, nhưng cái đói, lạnh tại các huyện này được khắc phục nhanh chóng do làm tốt công tác dự phòng.

Hầu hết 7/10 xã huyện Nam Trà My đều dự trữ rất ít thậm chí chưa chú trọng đến công tác dự phòng nên tình cảnh của người dân trong những ngày này càng thêm cơ cực.

Ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết: Trước mỗi mùa mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo các huyện miền núi cao phải đưa lương thực, thực phẩm, thuốc men,... dự trữ để đề phòng tắc đường.

Nhiều huyện đã làm tốt vấn đề này, nhưng vẫn còn một số huyện chưa làm tốt, nên khi sự cố xảy ra không ứng phó kịp thời. Đây là bài học mà Nam Trà My cần phải phải nhanh chóng khắc phục.

MỚI - NÓNG