Ngư dân Nguyễn Thanh Biên (bìa phải) thuyền trưởng tàu cá QNg 95739 TS, bị đánh với nhiều vết bầm trên người. Ảnh: NN |
Cha mẹ thuyền trưởng đứt từng khúc ruột
Chiều 3/10, chúng tôi trở lại làng chài Gành Cả (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), bầu trời giăng phủ mây mù, sóng vỗ mạnh vào bờ biển. Đứng khép mình ở góc nhà, bà Trần Thị Liên mẹ ngư dân Nguyễn Thanh Biên - thuyền trưởng tàu cá QNg 95739 TS, kể: “Gia đình tôi từ chồng cho đến con đều đi biển, trong đó có không ít lần bị phía Trung Quốc bắt giữ, quấy phá Hoàng Sa, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi khóc nhiều như vậy…”, bà Liên nói.
Chiều 29/9, bà như ngã gục khi người trực từ Đài canh cộng đồng xã Bình Châu báo tàu cá do con mình làm thuyền trưởng bị tàu Trung Quốc tấn công, đánh đập, khiến nhiều người bị thương.
“Tôi nhờ người ở đài trực canh cố gắng liên lạc với con mình nhưng đáp lại là những tiếng “tút tút”…, tôi như ngất xỉu. May mà nó đã trở về với vợ con. Nhìn thân xác con đầy vết bầm mà tôi đứt từng khúc ruột”, bà Liên lại khóc nghẹn.
Ngồi bên kia góc nhà là lão ngư phủ Nguyễn Việt 64 tuổi từng một đời vẫy vùng ở Hoàng Sa, biết bao lần va chạm với sóng gió, tai ương và cũng từng bị bắn, đánh đập, thu tàu… Khi nghe tin con cùng các bạn tàu gặp nạn, lòng ông như lửa đốt. “Hay tin con gặp nạn, cả đêm tôi không chợp mắt được, chỉ mong nó và các anh em trên tàu trở về được đến nhà đã là diễm phúc rồi...”, ông Việt nói.
Nỗi lòng ngư dân
Sinh ra trên sóng biển, lớn lên nhờ biển, những ngư dân trên tàu QNg 95739 TS học được mấy chữ là ra biển mưu sinh. Nhiều năm đi biển, ngư dân Nguyễn Thanh Biên đã từng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi trên biển Hoàng Sa, nhưng bị đánh đập, hành hung thì có lẽ đây là lần đầu tiên.
“Lúc bị đánh em sợ lắm, sợ tụi nó đánh chết trên biển thì vợ, con, cha mẹ không biết ai nuôi. May mà về được, những vết thương rồi sẽ khỏi nhưng tinh thần rất hoang mang và lo lắng”, thuyền trưởng Biên nói.
Thuyền trưởng Biên cho biết, gia đình có 2 con, đứa lớn đang học đại học, đứa nhỏ đang học cấp 3. Vợ thì bị bệnh liên miên nên cả nhà trông vào những phiên biển đầy sóng gió của anh. Giờ ra biển bị quấy phá, đánh đập, phá ngư lưới cụ kiểu này, không dễ để sống với nghề biển…
“Tụi tui chỉ đi mưu sinh, đi trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình mà họ làm càn quá nên đôi lúc thấy chán nản. Nhưng là ngư dân thì phải ra biển mỗi ngày để giữ biển, giữ nghề”, anh nói.
Theo nhiều ngư dân xã Bình Châu, gần đây, bà con thường xuyên bị bắt giữ, chèn ép, xua đuổi và đập phá ngư cụ để làm ngư dân Việt Nam nản lòng trên vùng biển Hoàng Sa, ngư trường truyền thống của ngư dân Gành Cả, xã Bình Châu nói riêng ngư dân Việt Nam nói chung. Nhiều tàu cá đi đánh gần đầy cá thì bỗng bị cướp sạch, nặng thì bị đâm chìm tàu, bắt giữ khiến đổ nợ, nhẹ hơn thì như trường hợp của ngư dân Biên.
Hai tàu của Trung Quốc mang số hiệu 301, 101 đã tấn công ngư dân tàu cá QNg 95739 TS của Việt Nam. Ảnh ngư dân chụp |
Ngư dân Nguyễn Thương, thuyền viên tàu cá QNg 95739 TS, cho hay, ngư dân ra biển bị rượt bắt miết cũng ngán. Bên cạnh đó, ngư trường ở Hoàng Sa cũng hạn hẹp dần. Các tàu cá ra khơi, mỗi chiếc hàng tỷ đồng, đóng từ tiền mồ hôi công sức, vay mượn, thế chấp với ngân hàng… Nếu lỡ bị đâm chìm, phá hoại, tài sản tiêu tan, các chủ tàu lại trở lại kiếp làm thuê.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phùng Bá Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), cho biết, ngư dân Bình Châu quá quen với cảnh ra khơi vui sướng với giấc mơ tôm cá Hoàng Sa, nhưng một khi trở về, tàu cá bị bắt, hải sản bị cướp, gương mặt ngư dân vốn đã đen, thêm sạm hơn, chồng lên nỗi lo âu cơm áo cho gia đình.
Ông Vương cũng cho biết, trước mắt, chính quyền xã tới thăm hỏi, động viên anh Biên và anh em bạn thuyền. Xã sẽ làm tờ trình cụ thể báo cáo thiệt hại và đề xuất hỗ trợ một phần.
Hiện 3 trong số 4 ngư dân bị thương đã xuất viện, 1 ngư dân phải phẫu thuật sắp xếp lại xương sau khi bị đánh gãy tay. Người nhà ngư dân Huỳnh Tiến Công cho biết, hiện ông đang được chờ phẫu thuật sắp xếp lại xương cổ tay sau khi các bác sĩ kết luận ông bị đánh gãy cổ tay, thành mảnh nhỏ. “Chồng tôi là lao động chính của gia đình. Nhà đã khó khăn nay lại càng thêm khó”, vợ ông Công nói.
Trước đó, khoảng 6h ngày 29/9, tàu cá QNg 95739 TS dài 21m, công suất 760 CV do ông Nguyễn Thanh Biên làm thuyền trưởng, gồm 10 thuyền viên đang di chuyển trên khu vực bãi đá ngầm Ba Tiếng, cách đảo Chim Yến thuộc Quần đảo Hoàng Sa gần 20 hải lý thì bị 2 tàu của Trung Quốc mang số hiệu 301, 101 và 3 chiếc ca nô truy đuổi. Sau đó, các ngư dân trên tàu cá QNg 95739 TS bị đánh đập dã man, khiến 4 người bị thương, toàn bộ ngư lưới cụ và hải sản bị lấy sạch.
Phản đối hành động thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc
Ngày 2/10, liên quan đến việc lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản của ngư dân Việt Nam thuộc tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi) trong khi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 29/9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Hành động nêu trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển.
Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự.
Bình Giang