Ám ảnh ốc đảo ở Bình Đình

 Vào Canh Giao phải lội qua ít nhất 3 con suối. Ảnh: Hoài Văn
Vào Canh Giao phải lội qua ít nhất 3 con suối. Ảnh: Hoài Văn
TP - Mùa mưa bão về, thôn Canh Giao (xã Canh Hiệp, huyện vùng cao Vân Canh, Bình Định) lại thành ốc đảo cô lập với bên ngoài. Đường vào thôn phải lội qua ít nhất ba con suối, băng cả chục con dốc rừng cao ngất trơn trượt, và phải vòng qua 2 xã của tỉnh bạn… Phú Yên.

Từ trung tâm huyện Vân Canh đến thôn Canh Giao phải đi ngang qua hai xã Xuân Lãnh và Đa Lộc của tỉnh…Phú Yên. Ai cũng ái ngại khi chúng tôi tìm đường vào thôn ngay khi bão số 4 vừa qua được vài ngày. Thường, đường vào thôn toàn suối, dốc nguy hiểm nay thêm nhầy nhụa vì “thấm đòn” mưa bão.

Đến con suối thứ nhất, gặp người dân đang cõng xe qua để đi chợ nên tiện giúp chúng tôi qua luôn. Nước chảy xiết ngang bụng. Người đàn ông tên Ninh cứ băng băng lội qua. Anh cười nói: “Bữa nay là nước xuống rồi. Mấy bữa trước nước tới cổ, không ai ra ngoài được. Nay mới đi chợ mua ít đồ ăn dự trữ”. Vì thực tế này mà ở đây việc chợ búa do đàn ông đảm nhận.

Lội hết con suối thứ 3 thì cả xe và người đều kiệt sức. Anh Nguyễn Văn Thanh, 34 tuổi - trưởng thôn xắn quần lội bộ từ đầu đến cuối thôn, hỏi thăm hộ dân sau cơn bão. Anh cho biết: Cả thôn tất thảy 51 hộ (189 nhân khẩu) thì có 48 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Đường sá đi lại khó khăn nên hầu hết dân làm thuê, làm rẫy kiếm sống qua ngày, muốn đổi đời cũng khó.

Từ 10 năm nay, thôn có một nhân viên y tế, là chị Nguyễn Thị Thu. Chị được đào tạo 3 tháng điều dưỡng nên cũng chỉ dám khám, phát thuốc cho những bệnh nhẹ. Bệnh hơi nặng một chút thì phải khiêng ra y tế huyện, tới nơi cũng mất nửa ngày.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Thanh nhẩm tính cả thôn có 39 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Lâu lắm rồi không có học sinh đậu đại học. Số học sinh học lên cấp 2, 3 cũng hiếm dần do đi lại khó khăn và cha mẹ quá nghèo. Thôn có một điểm học ghép tập trung cho các em. Thầy cô giáo thay phiên nhau lội suối, leo dốc vào thôn gieo chữ.

18 năm trong ngành, nắng cũng như mưa, cứ đầu tuần, cô Nguyễn Thị Hồng Hương, 43 tuổi, lại cùng đồng nghiệp chở nhau trên chiếc xe máy từ thị trấn Vân Canh vào thôn, mang theo đồ ăn dự trữ.

Ám ảnh ốc đảo ở Bình Đình ảnh 1

Cô giáo Nguyễn Thị Hoài với lớp học chỉ có vài em

Cuối tuần mới lặn lội trở về. Có hôm vừa mưa bão nước ngập quá bụng phải nhờ mấy thanh niên đi làm rừng khiêng xe qua. Mình mẩy ướt hết, chỉ lo giữ cho giáo án không bị ngâm nước là vui rồi. “Mấy năm trước còn đu dây để vào, nay may nhờ có con đường dân tự mở băng qua tỉnh Phú Yên, nên cũng có thể… dắt xe máy vào được tới nơi”, cô Hương nói. Khu nhà cũ hai phòng được kê bàn ghế ngược nhau để ngăn chia lớp. Tất thảy có 27 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, đều do hai cô Nguyễn Thị Hồng Hương và Nguyễn Thị Hoài đảm nhận. Phòng kế bên được bố trí làm chỗ ở cho giáo viên. Đồ ăn dự trữ chỉ được vài ba hôm nên ngoài giờ lên lớp, hai cô tự đi lấy củi hái rau rừng. Điện không có, cả thôn sử dụng điện máy nổ nhưng cũng bập bõm khi có khi không.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Canh Hiệp cho biết, đường dẫn vào Canh Giao qua thôn Canh Hiến khá gần, thay vì phải đi vòng qua 2 xã của Phú Yên mất cả ngày trời đi bộ như hiện nay. Tuy nhiên, không biết bao giờ mới làm được đường, vì kinh phí dự tính lên tới 15 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG