Ái Vân và dàn diễn viên phim 'Chị Nhung' sau hơn 45 năm

"Chị Nhung" là một trong những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam, với diễn xuất của ca sĩ Ái Vân, NSND Thế Anh, NSND Lâm Tới...
Ái Vân và dàn diễn viên phim 'Chị Nhung' sau hơn 45 năm ảnh 1

"Chị Nhung", sản xuất năm 1970, là tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Đức Hinh và Đặng Nhật Minh, dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Sáng. Nhân vật chính là Nhung - một chiến sĩ cách mạng dũng cảm, xinh đẹp. Khi còn nhỏ, bố đi hoạt động cách mạng, mẹ bị giặc bắn chết, Nhung phải đi giúp việc cho một gia đình buôn bán ở Sài Gòn. Thời gian này, Tám Sơn - Chính trị viên quân giải phóng - giả làm thầy giáo để che mắt quân địch. Khi toán cảnh sát tới, bé Nhung đã nhanh trí giúp thầy giáo Tám giấu tài liệu mật. Hình ảnh chị Nhung với gương mặt bầu bĩnh, nụ cười xinh xắn và đôi mắt to tròn, ngời sáng đã giúp Ái Vân sống trong lòng người hâm mộ. Ái Vân khi đó mới 15 tuổi, diễn xuất nhẹ nhàng nhưng thuyết phục. 

Ái Vân và dàn diễn viên phim 'Chị Nhung' sau hơn 45 năm ảnh 2

Sau phim này, ÁI Vân không chuyên tâm vào phim ảnh mà đi theo con đường ca hát. Chị là một trong những ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu Việt Nam thập niên 1970, 1980 với các ca khúc "Triệu bông hồng", "Trăng chiều", "Bài ca xây dựng", "Ru con mùa đông"... Từ năm 1990, Ái Vân sang Đức và sau đó sang Mỹ sinh sống, biểu diễn. Nữ ca sĩ có ba đời chồng với hai người con (con trai với chồng thứ hai và con gái với chồng thứ ba).

Ái Vân và dàn diễn viên phim 'Chị Nhung' sau hơn 45 năm ảnh 3

NSND Thế Anh vào vai nhà văn viết về kháng chiến, xuất hiện ở đầu và cuối phim. Trên chuyến đò từ bờ này qua bờ kia, nhà văn hỏi chuyện anh Tám Sơn về cuộc gặp gỡ với Nhung trong những ngày chiến đấu ở Sài Gòn. Câu hỏi của nhà văn là cái cớ để nhân vật chị Nhung xuất hiện. NSND Thế Anh tên thật Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1938 tại Hà Nội. Ông là con thứ ba trong một gia đình khá giả. Tốt nghiệp loại ưu khóa diễn viên sân khấu chính quy đầu tiên năm 1964, Thế Anh về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương. Ông ghi dấu ấn với các phim - "Nổi gió", "Mối tình đầu", "Gánh xiếc rong", "Điện Biên Phủ", "Đêm hội Long Trì"... Năm 2003, ở tuổi 65, nghệ sĩ góp mặt trong phim truyền hình "Dốc tình" rồi dừng hẳn diễn xuất cho đến nay. Hiện NSND Thế Anh ngoài 70 tuổi, chú tâm viết sách và nghiên cứu phim ảnh.

Ái Vân và dàn diễn viên phim 'Chị Nhung' sau hơn 45 năm ảnh 4

Danh Tấn vào vai Tám Sơn - Chính trị viên quân giải phóng, người có kỷ niệm đặc biệt với bé Nhung và sau này là chị Nhung. Danh Tấn chỉ đóng vai phụ nhưng xuất hiện khá nhiều và có trường đoạn khá thành công cùng nhân vật Nhung lúc nhỏ. Nam diễn viên xuất hiện trong bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên - "Chung một dòng sông" - với vai sĩ quan quân đội Sài Gòn. Một nguồn tin cho biết sau "Chị Nhung", Danh Tấn cùng nhiều diễn viên khác được điều động đi làm đạo diễn. Nam diễn viên được cho là đã qua đời cách đây khoảng 15 năm.

Ái Vân và dàn diễn viên phim 'Chị Nhung' sau hơn 45 năm ảnh 5

NSND Trần Phương đảm nhận vai nhỏ là Tiểu đoàn trưởng quân giải phóng. NSND Trần Phương được nhớ tới với các vai diễn như A Phủ trong "Vợ chồng A Phủ", Khoa - chồng Tư Hậu - trong "Chị Tư Hậu", Tiệp trong "Ngày lễ Thánh", Lực trong "Vợ chồng anh Lực"... Sinh năm 1930, ông thuộc thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nghệ sĩ năm nay 86 tuổi, sống một mình tại Hà Nội với căn bệnh tuổi già.

Ái Vân và dàn diễn viên phim 'Chị Nhung' sau hơn 45 năm ảnh 6

Cố nghệ sĩ Lâm Tới vào vai trưởng cảnh sát trong phim "Chị Nhung". Lâm Tới tên thật là Lâm Thanh Tòng, sinh ngày 15/1/1937 tại Đồng Tháp. Xuất thân trong một gia đình nghèo, Lâm Tới sớm tham gia hoạt động cách mạng rồi tập kết ra Bắc theo học khóa diễn viên đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam cùng Trà Giang, Thế Anh, Phi Nga, Thụy Vân, Trần Phương... Tốt nghiệp loại ưu trường Điện ảnh năm 1964, Lâm Tới có vai diễn đầu tiên trong phim "Hai người lính". Ông còn được biết đến với các vai phản diện trong phim "Nổi gió", "Nguyễn Văn Trỗi", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"... Sau này, ông ghi dấu ấn với vai diễn người nông dân Nam bộ chất phác, giàu lòng trắc ẩn trong "Mùa gió chướng", "Cánh đồng hoang"... Lâm Tới được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1997. Nghệ sĩ qua đời năm 2000 sau thời gian dài chống chọi bệnh tật.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG