Chị Dậu là bộ phim được đạo diễn Phạm Văn Khoa chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Phim sản xuất năm 1980, dùng hoàn cảnh bần cùng phải bán con, bán chó lấy tiền đóng sưu cho chồng của chị Dậu để phản ánh nỗi thống khổ của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Năm 2007, đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa nhận Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho phim Chị Dậu cùng hai tác phẩm khác là Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) và Lửa trung tuyến (1961).
"Chị Dậu" Lê Vân
Nghệ sĩ múa Lê Vân đóng vai chính là chị Dậu - một phụ nữ tảo tần, giàu đức hy sinh. Đạo diễn Phạm Văn Khoa từng chia sẻ sau 5 năm tìm diễn viên đóng vai chính, cuối cùng ông chọn Lê Vân.
Lê Vân sinh năm 1958, là con ruột của nghệ sĩ Lê Mai và Trần Tiến. Khởi nghiệp là diễn viên múa nhưng Lê Vân sớm bén duyên điện ảnh qua các phim Chom và Sa, Bao giờ cho đến tháng 10, Đêm hội Long Trì...
Năm 2006, sau khi ra mắt tự tuyện gây tranh cãi Lê Vân - yêu và sống, nữ diễn viên gần như không xuất hiện trở lại. Hiện Lê Vân sống ở nước ngoài, là mẹ đơn thân của ba đứa con.
NSƯT Anh Thái - vai anh Dậu
Vai anh Dậu được giao cho NSƯT Anh Thái. Ông thuộc lứa diễn viên đầu tiên của trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Nhân vật anh Dậu đã đưa tên tuổi Anh Thái đến gần hơn với khán giả. Trước đó, ông chỉ được đảm nhận những vai phụ, xuất hiện thoáng qua trên màn hình.
NSƯT Anh Thái trong phim "Chị Dậu" (trái) và phim "Cầu vồng tình yêu".
Sự nghiệp của nghệ sĩ thăng hoa vào những năm 2000 khi góp mặt trong một loạt phim truyền hình gây tiếng vang như Chạy án, Chủ tịch tỉnh, Cầu vồng tình yêu... Sau phim Cầu vồng tình yêu, Anh Thái ít xuất hiện dần trên màn ảnh. Ông tận hưởng tuổi già bên gia đình.
"Bà Nghị Quế" Mai Châu
Trong phim, NSƯT Mai Châu vào vai vợ Nghị Quế - một người đàn bà mưu mô, đầy thủ đoạn nhưng luôn tự cho mình là người nhân nghĩa. Vai diễn ấn tượng đến mức từ đó về sau, Mai Châu liên tiếp được giao các vai phản diện như Phó Đoan (phim Sao Tháng Tám), vợ Bá Kiến (phim Làng Vũ Đại ngày ấy), Hoàng Thái Hậu (phim Đêm hội Long Trì)... Thời gian sau, nghệ sĩ quen mặt với khán giả qua vai người bà, người mẹ trong các phim Của để dành, Bi, đừng sợ..
Mai Châu trong phim "Chị Dậu"(trái) và hiện tại.
Ở tuổi gần 80, NSƯT Mai Châu đã lên chức cụ. Do sức khỏe không cho phép, vài năm gần đây, bà nghỉ đóng phim, vui vầy bên con cháu. Ngoài đời, nghệ sĩ còn sở hữu chuỗi cửa hàng áo cưới mang tên Mai Châu, nổi tiếng ở Hà Nội từ những năm 1990.
"Quan huyện" Trịnh Thịnh
Vai diễn của Trịnh Thịnh chỉ xuất hiện vài giây nhưng để lại nhiều ấn tượng cho người xem khi ông thể hiện sự háo sắc của một tên quan huyện. Trịnh Thịnh sinh năm 1937, mất năm 2002. Ông để lại một gia tài điện ảnh đáng nể với các vai diễn trong phim Chung một dòng sông, Vợ chồng A Phủ, Thằng Bờm, Dịch cười, Lời nguyền của dòng sông, Tết này ai đến xông nhà...
Không chỉ nổi tiếng với các vai diễn, sinh thời nghệ sĩ còn được ngưỡng mộ trong vai trò người chồng, người cha. Đến trước khi qua đời, Trịnh Thịnh vẫn dành cho vợ sự quan tâm, tình cảm yêu thương thắm thiết.
"Chánh tổng" Nguyễn Tuân
Tưởng nhớ Ngô Tất Tố, nhà văn Kim Lân và Nguyễn Tuân góp mặt trong phim với vai trò diễn viên. Nguyễn Tuân đóng vai Chánh tổng. Vai diễn chỉ thoáng qua nhưng khiến nhà văn rất hài lòng. Trong hồi ký Cát bụi chân ai, nhà văn Tô Hoài cho rằng Nguyễn Tuân thuộc lứa diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. Tác giả Vang bóng một thời từng lặn lội sang tận Hong Kong chỉ để xuất hiện ba giây trong phim Cánh đồng ma.
Nguyễn Tuân ra đi ở tuổi 77, sau 8 năm tham gia phim Chị Dậu. Ông nổi tiếng ở lĩnh vực văn học với lối "chơi ngông" trong cuộc đời cũng như cách viết. Cố nhà văn để lại một gia tài độ sộ với các tác phẩm văn học như Một chuyến đi, Tóc chị Hoài, Ngọn đèn dầu lạc, Ký Cô Tô...
"Lý cựu" Kim Lân
Kim Lân vào vai Lý cựu - người tính toán sổ sách trong làng. Khác hẳn với vẻ khắc khổ, đáng thương trong phim Lão Hạc, tạo hình của nhà văn ở phim Chị Dậu toát lên vẻ hài hước. Kim Lân còn ghi dấu ấn với các vai diễn như lão Pẩu trong Con Vá, cụ Lang Tâm trong Hà Nội 12 ngày đêm...
Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920 tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Ngoài điện ảnh, ông được biết đến là một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực trước và sau năm 1945. Các tác phẩm của ông như Nên vợ nên chồng, Làng, Vợ nhặt... gây tiếng vang mạnh mẽ khi phản ánh thực trạng nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
Kim Lân mất năm 2007, thọ 87 tuổi. Ngoài những tác phẩm văn học và một số vai diễn để đời, ông còn đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà những nghệ sĩ nổi tiếng như họa sĩ Thành Chương (con trai), họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (con gái).