Ai thiệt hơn?

Ai thiệt hơn?
TP - Việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt được cho là “đánh trực diện” vào nền kinh tế Nga là một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm xây dựng một “mặt trận” chống Nga. Nhưng Washington vẫn chưa lôi kéo được thêm đồng minh nào vào cuộc chiến với chú gấu Nga.

Mỹ đã thuyết phục được EU đồng thuận áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực năng lượng và thị trường tài chính của Nga, từ đó khiến nền kinh tế này mất khoảng 30 tỷ USD trong năm nay và gấp ba lần số này trong năm tới.

Nga cũng mất cơ hội được tiếp nhận những công nghệ hàng đầu trong thăm dò hoặc khai thác dầu khí ở các vùng biển sâu và Bắc Cực do phụ thuộc vào nguồn cung từ phương Tây.

Nhưng chưa biết ai mất nhiều hơn trong cuộc đối đầu lần này, mối quan hệ ràng buộc trong thời đại toàn cầu hóa khiến phương Tây cũng không tránh khỏi bị tác động.

Giới phân tích đã tính toán châu Âu sẽ thiệt hại 90 tỷ USD vì mất các mối làm ăn với Nga; chưa kể những động thái đáp trả của Mátxcova như cấm hàng loạt sản phẩm xuất khẩu từ EU hay cắt nguồn cung khí đốt cũng khiến các thành viên liên minh này lao đao.

Với tiềm lực tài chính hiện nay, Nga chưa chắc lâm vào khủng hoảng; trong khi cái giá mà châu Âu phải trả cho hành động lần này không hề rẻ. 

Mặc dù vậy, Washington và Brussels vẫn quyết tâm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao cả song phương và đa phương nhằm cô lập Mátxcova. Nhưng có vẻ phương Tây vẫn đơn độc trong cuộc chiến này. Trong số những nước có tầm ảnh hưởng với cộng đồng quốc tế ngoài Mỹ và Lục địa già, mới có Nhật Bản tham gia quyết định gia tăng sức ép với Mátxcơva. 

Hàn Quốc, chỉ tuyên bố phản đối việc Nga sáp nhập Crimea nhưng không cam kết cấm vận Nga. Trung Quốc và Ấn Độ cùng các nước khác trong khối BRICS là Brasil và Nam Phi thì chỉ đưa ra những thông điệp chung chung mà né tránh việc lên án chính quyền Nga và Tổng thống Vladimir Putin. 

Điều này dễ hiểu vì mối quan hệ truyền thống giữa Nga với các nước này không dễ bị phá vỡ. Hơn thế, những khoảng trống mà các tập đoàn phương Tây để lại ở Nga là cơ hội để các công ty châu Á nhảy vào lấp chỗ trống, trong đó Trung Quốc là nước được lợi nhất.

MỚI - NÓNG