Lỗ hổng thông tin về các hiệp định
Trao đổi với Tiền Phong, Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau, ông Lý Văn Thuận, cho rằng Bộ Công Thương cần thông tin đầy đủ hơn nữa về các hiệp định tự do thương mại để các doanh nghiệp chủ động tham gia. Ở tỉnh Cà Mau có 34 doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, kế hoạch năm 2015, phấn đấu đạt 1,356 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã tích cực hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thiết lập khách hàng tin cậy, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng năng lực cạnh tranh. Tuy vậy, nguồn nguyên liệu tôm chưa đáp ứng công suất các xí nghiệp một năm khoảng 190.000 tấn sản phẩm và dự báo sẽ còn thiếu tôm nguyên liệu nhiều năm tiếp theo. “Có nhiều việc phải lo, nhưng trước hết, các doanh nghiệp cần cơ quan quản lý nhà nước thông tin đầy đủ về các hiệp định và nếu tốt hơn, phân tích thêm khả năng và cơ hội, qua đó định hướng hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng”, ông Thuận nói.
Khi hội nhập các cú “sốc” diễn ra thường xuyên hơn. Do đó, việc tạo khả năng chống chọi, giảm rủi ro do các cú “sốc” gây ra là yêu cầu cấp thiết đối với cả đất nước cũng như từng DN. “Cả Chính phủ và DN phải đổi mới nhận thức, học hỏi, sáng tạo, và quyết liệt hành động trên rất nhiều khía cạnh”.
TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư
Nhà nước phải có những chính sách, chiến lược rõ nét hơn là quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Coop). Hiện chúng ta mới chỉ dừng lại ở những chính sách chung chung mà chưa có những chính sách cụ thể, sát sườn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải xác định rõ mình thuận lợi, khó khăn gì khi hội nhập, từ đó có những định hướng chiến lược về việc phát triển sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, nuôi con gì, trồng cây gì…Lĩnh vực bán lẻ cũng vậy, phải có những chính sách cụ thể để ngành này phát triển nhưng không phạm các quy định đã cam kết trong các hiệp định thương mại. Ngành bán lẻ liên quan mật thiết đến sự tồn tại, phát triển doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nếu các doanh nghiệp bán lẻ trong nước không làm chủ được phân phối thì hàng hóa, sản phẩm Việt chưa thể nói là có chỗ đứng trên thị trường.
“Khi hội nhập, chúng ta không thể điều tiết thị trường bằng mệnh lệnh hành chính, thuế quan… nhưng chúng ta vẫn phải bảo vệ thị trường của mình bằng việc xây dựng những rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa. Bình thường cũng đã phải làm điều đó để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước, khi hội nhập càng phải làm để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đáng tiếc, các cơ quan quản lý của chúng ta hiện vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này”, ông Hòa nói.
Cần sửa “bài toán” tăng trưởng
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cùng với hội nhập là cạnh tranh khốc liệt hơn. Theo vị chuyên gia này, lợi ích thấy rõ nhất là khi tham gia TPP, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 68 tỷ USD, GDP tăng thêm 36 tỷ USD vào năm 2025 (so với không tham gia TPP).
Tuy vậy, rút ra bài học sau 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Thành cảnh báo: “Cơ hội có khi thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp và thiếu những cải cách bên trong cần thiết”. Ông Thành đặc biệt lo ngại về những ngành lâu nay được bảo hộ nhiều, kém cạnh tranh, số này sẽ phải giảm hoặc thu nhỏ sản xuất, thậm chí phá sản. Ngoài ra, với những ngành có lợi thế hội nhập cũng vấp không ít rào cản. Ông Thành dẫn chứng với ngành dệt may, khi tham gia TPP sẽ phải đảm bảo nguyên tắc xuất xứ (sợi phải từ các thành viên TPP) để được áp thuế suất 0% của nước thành viên nhập khẩu.
Với Chính phủ, theo ông Thành, phải nỗ lực cải cách, xây dựng chính sách theo hướng hài hòa hội nhập với chiến lược phát triển và tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; giảm phí tổn điều chỉnh; thông tin và đối thoại đầy đủ, sâu sắc hơn với DN…
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, năm 2016 là năm cực kỳ quan trọng với Việt Nam. Hiện với nền kinh tế Việt Nam, khối FDI đã chiếm 67,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp. Như vậy, tăng trưởng kinh tế tăng trưởng nhưng không làm cho tiềm lực quốc gia, khu vực doanh nghiệp của chúng ta mạnh lên. Đây là câu hỏi lớn về quan điểm phát triển của chúng ta. Chúng ta cần thảo luận có chấp nhận tình hình này không khi tăng trưởng nhưng tiềm lực quốc gia và khối doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu đi không chỉ ở khu vực sản xuất công nghiệp.
Theo ông Tuyển, việc chúng ta tăng trưởng thêm một vài phần trăm không thành vấn đề, điều cần quan tâm hơn tốc độ tăng trưởng chính là cách thức tạo ra tăng trưởng.
(Còn nữa)