Ai đưa các cụ ra sân?

Ai đưa các cụ ra sân?
TP - World Cup kì này các cụ cựu chiến binh được ra sân không phải là ít. Già nhất là "cụ" Boumnjiel của Tunisia, 40 tuổi đầu vẫn còn xông pha trận mạc...

Phân biệt trẻ hay già là tùy theo chỗ mà người ta hành nghề và tùy theo thời mà người ta sống.

Ví như văn chương nước ta chẳng hạn, xưa các cụ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ mới 17, 18 tuổi đầu đã lập danh, chẳng ai coi họ là nhà văn trẻ, họ mặc nhiên ngang hàng với Tản Đà, Phan Khôi, Ngô Tất Tố.

Đến 40, 50 tuổi họ là các bậc trưởng lão trong làng văn chương đất Việt. Nhưng ngày nay thì khác, tuổi ấy chỉ đáng gọi là nhà văn trẻ, thứ hỉ mũi chưa sạch. Đến 60, 70 cũng không ai cho lên ngồi chiếu trên, cứ chiếu trẻ mà ngồi cho đến chết.

Bóng đá thì khác, tuổi  hai mươi gọi là trẻ, đến tuổi ba mươi đã gọi là già, còn như tuổi 35, 40 thì tất thảy đều nhất tề gọi họ là các cụ.

Bóng đá cay nghiệt lắm, phàm đã ra sân là phải chạy, mà phải chạy  thật mau, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi một giờ như gió.

Nhà văn không phải chạy, đi đứng lết bò đều được tất miễn là viết ra văn.

Nhà văn nước ta cũng chẳng cần viết ra văn, chỉ cần có cái thẻ hội viên Hội Nhà văn thì sẽ sống với cái danh ấy suốt đời, dù suốt đời không cạy ra được một chữ văn nào cũng thây kệ. Sướng thế. Cho nên nhìn sang sân cỏ mà thương.

Năm ngoái còn vang bóng năm nay đã gói cái bóng của mình thu lu một xó rồi. Hôm qua còn là vị cứu tinh dân tộc, được phong thánh phong thần, chỉ cần chậm chân một chút là phải good bye go home bất kể anh là ai, là thế nào.

Luật chơi trời đánh thế mà phải chịu, không cưỡng lại được. Ai cưỡng lại lập tức người đó phải ăn đòn. Không ăn đòn dư luận cũng chính mình gây họa cho mình.

World Cup kì này các "cụ" cựu chiến binh được ra sân không phải là ít. Già nhất là cụ Boumnjiel của Tunisia, 40 tuổi đầu vẫn còn xông pha trận mạc.

Các "cụ" Oliver Kahn của Đức, Luis Figo của Bồ, Del Piero của ý, Cafu của Brazil, Zidane của Pháp, Ali Daei của Iran...đều đã 35, 37 tuổi cả rồi nhưng không ai chịu về hưu.

Họ đã nghe theo tiếng gọi non sông, tiếng gọi danh tiếng, tiếng gọi đồng tiền, mặc kệ tuổi tác, bất chấp tiếng mè nheo,  ít trận nào là không có mặt.

Trong số khoảng hai ba chục cụ ra sân lần này không phải cụ nào cũng mất phong độ. Nhưng đó chỉ là số ít, số đông tuồng như đã hết hơi.

Cụ Figo mệnh danh là khẩu đại bác với những cú sút bóng sấm sét, bây giờ trông cụ thật thảm thương, giữ bóng không thành, chuyền bóng cũng trật nói chi đến sút.

Cụ Cafu, cụ R. Carlos là những mẫu người hùng trên sân cỏ, bây giờ vẫn còn đấy nhưng khí chất đã vơi đi một nửa.

Đau khổ nhất là cụ Zidane, vị thánh của nước Pháp World Cup 1998. Đến 2002 trông cụ đã mệt mỏi lắm rồi. Kì này cụ chỉ còn cái bóng.

Từ đầu trận đến cuối trận chỉ thấy cái đầu hói của cụ vật vờ trông thật tội. Có lẽ vì thế mà các cụ Pháp đá mãi vẫn không thể thắng được mấy anh Thụy Sĩ.

Đến như mấy chú Trinidad nghiệp dư cũng cầm chân được đại gia chuyên nghiệp châu Âu, ấy là các cụ Thụy Điển.

Nói các cụ đừng giận: Giá các cụ ở nhà, nhường suất ấy cho lớp trẻ thì hay biết bao nhiêu. Nhưng ở đời có ai chịu công nhận mình già đâu, nhất là những chỗ công danh bổng lộc chất đầy. Có khi phải mời các cụ sang nước ta mà học tập.

MỚI - NÓNG