Ai đang 'rót mật' vào tai ông Trump?

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với những hình ảnh minh họa sinh động cho bài trình bày về chương trình hạt nhân Iran hôm 30/4. Ảnh: The Guardian.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với những hình ảnh minh họa sinh động cho bài trình bày về chương trình hạt nhân Iran hôm 30/4. Ảnh: The Guardian.
TP - Khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định trong bài phát biểu hôm 30/4 rằng, Iran nói dối về lịch sử chương trình vũ khí hạt nhân của họ, sự kiện này được phát sóng đến hàng triệu người. Nhưng có lẽ lãnh đạo Israel chỉ nhằm đến một người nghe: Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhà báo Israel Barak Ravid đưa tin hôm 1/5 rằng, ông Netanyahu đã thông báo với Tổng thống Mỹ về các file dữ liệu này từ 2 tháng trước. Theo vị quan chức Israel đã cung cấp thông tin cho nhà báo Ravid, việc ông Netanyahu quyết định công khai thông tin này được tính toán để rơi vào thời điểm Tổng thống Trump sắp đến hạn chót 12/5 phải quyết định xem có tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran và từ bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran vào năm 2015 hay không.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới từng tìm cách tác động đến ông Trump từ khi ông lên nắm quyền vào năm ngoái, nhưng Thủ tướng Netanyahu có lẽ hiểu Tổng thống Mỹ hơn cả, giới quan sát nhận định. Thủ tướng Israel đã sử dụng nhiều hình ảnh trực quan trong bài trình bày của mình, trong đó có việc trưng ra những file và chiếc đĩa được cho là chứa khoảng 100.000 tài liệu về chương trình hạt nhân của Iran. Một trang trình bày có thông điệp được tô đậm: “Iran nói dối”. Những thông tin này không gây ấn tượng cho giới chuyên gia. Ông Joshua Pollack, nhà nghiên cứu công tác tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ), viết rằng hầu hết thông tin mà Thủ tướng Netanyahu trình bày đều đã được biết đến. Ý mới duy nhất trong bài trình bày này là chương trình hạt nhân của Iran chỉ là “một kho hạt nhân nhỏ bé, vô nghĩa”, sẽ khiến “ông Kim Jong-un cười khúc khích”.

Nhưng ông Netanyahu không nói cho các chuyên gia nghe. Những hình ảnh minh họa của ông được thiết kế dành cho vị tổng thống nổi tiếng với sở thích bản đồ, biểu đồ. Và ông Trump rõ ràng đã chú ý. Tối 30/4, Nhà Trắng ra một tuyên bố thể hiện ủng hộ những gì ông Netanyahu đã trình bày, rằng Iran “có một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật mạnh mẽ”. Tuyên bố này nhanh chóng được thay thế một cách lặng lẽ bằng một tuyên bố khác sau đó, như một cách thừa nhận rằng chương trình hạt nhân của Iran đã ở thì quá khứ.

Ông Netanyahu không phải nhà lãnh đạo duy nhất làm tốt việc “rót mật” vào tai Tổng thống Trump. Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã vượt qua nhiều khác biệt về suy nghĩ với người đồng cấp Mỹ để trở thành một đối tác chủ chốt trong nỗ lực tháo ngòi căng thẳng với Triều Tiên. Theo giới quan sát, ông Moon cũng thực hiện chiến lược tương tự ông Netanyahu: thay vì nỗ lực thuyết phục toàn bộ chính phủ Mỹ bằng sự thật và số liệu, chỉ cần nhằm thẳng vào ông Trump.

Giống như Thủ tướng Israel, ông Moon đã cho thấy ông Trump rất hứng thú với hình ảnh. Những cảnh đẹp từ cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều tuần trước dường như được thiết kế cho vừa mắt ông Trump, để rồi sau đó Tổng thống Mỹ nói rằng ông muốn cuộc gặp của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng diễn ra ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Trong khi gần như chưa có kết quả thực tế nào từ cuộc gặp tuần trước, ông Andrei Lankov, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Kookmin ở Seoul, viết cho trang tin chuyên về Triều Tiên NK News rằng, cảm giác tốt đẹp và đánh giá tích cực từ ông Trump chính xác là những gì Hàn Quốc và Triều Tiên muốn tạo ra. “Bất kể điều gì đã thực sự xảy ra, cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 phải được thể hiện là một thành công lớn, nhằm giúp cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim sẽ diễn ra trong một bối cảnh tốt, khiến cơ hội thành công lớn hơn”, ông Lankov viết.

Ông Moon lại vừa “nịnh” lãnh đạo Mỹ khi gợi ý rằng ông Trump nên được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chính phủ Hàn Quốc nhiều lần khẳng định, nhà lãnh đạo Mỹ là động lực thực sự đằng sau các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Dao động vì nhiều tác động

Một số lãnh đạo nước ngoài khác cũng từng sử dụng cách thức tương tự để tác động lên chính phủ của ông Trump. Theo một bài viết gần đây trên tạp chí The New Yorker, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã bỏ sử dụng các bản ghi nhớ dài nhiều trang để chuyển sang sử dụng những tấm thẻ đơn giản, trong đó chỉ vạch ra vài ba điểm với nội dung không phức tạp hơn tiểu thuyết rùng rợn “See Jane run”.

Được biết đến nhiều nhất là tấm thẻ có dòng chữ “Đừng chúc mừng”, để thúc giục ông Trump không gửi lời chúc Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân dịp ông tái đắc cử vào tháng Ba vừa qua. Ông Trump đã bỏ qua lời can ngăn này, nhưng phản ứng tích cực hơn khi cựu Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster cho ông xem những bức ảnh về một thành phố Kabul hiện đại và ổn định trong những năm 1970 nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ tăng quân ở Afghanistan.

Dù ông Netanyahu và ông Moon đã thành công với cách tiếp cận này, các lãnh đạo thế giới khác không phải lúc nào cũng làm được như vậy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rõ ràng đã hy vọng có thể gây ấn tượng và tác động đến ông Trump bằng những cử chỉ ôm hôn gần gũi, tạo ra những hình ảnh đẹp mà các lãnh đạo châu Âu khác như Thủ tướng Anh Theresa May hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thử nhưng thất bại, hoặc chưa từng thử.

Nhiều hình ảnh đẹp về chuyến thăm của ông Macron được ghi lại, nhưng kết quả không như vậy. Kết thúc chuyến thăm Washington, Tổng thống Pháp thừa nhận ông đã thất bại trong việc thuyết phục ông Trump nên giữ thỏa thuận hạt nhân Iran. “Ông ấy sẽ từ bỏ thỏa thuận này, vì những lý do nội bộ”, ông Macron nói với các phóng viên Mỹ.

Tổng thống Macron không phải người duy nhất thất vọng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng hai lần cùng ông Trump đến khu nghỉ dưỡng và sân golf ở bang Florida, dành rất nhiều thời gian để trình bày quan điểm của mình với nhà lãnh đạo Mỹ, nhưng đã bị ông Trump lạnh nhạt trong vấn đề Triều Tiên và thương mại. Các đồng minh của ông Trump ở Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất cũng đang bắt đầu thể hiện sự căng thẳng trong quan hệ với vị Tổng thống Mỹ thường xuyên qua mặt họ, đáng chú ý nhất là ở Syria, cho dù họ đã hết lời ca ngợi và đón tiếp ông thịnh tình.

Một phần lý do được đưa ra là vì ông Trump có tính khí dễ thay đổi, và cũng vì khi có quá nhiều người cố gắng tác động, ông dễ bị lắc lư bởi bất kỳ ai ông gặp gần đây nhất. Ông Netanyahu có thể hiểu điều này hơn cả. Một quan chức Israel từng nói: “Tuần trước là dành cho người châu Âu, còn tuần này là của chúng tôi”.

 
Theo Theo Washington Post
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.