Canh bạc với vinh quang của ông Trump

TP - Tháng Năm này sẽ chứng kiến hai sự kiện lớn thử thách chính sách ngoại giao hạt nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên đan xen nhau theo cách khó có thể đoán trước.

Ông Trump dọa sẽ bãi bỏ thỏa thuận hạt nhân đa phương đạt được năm 2015 với Iran bằng cách không gia hạn miễn trừ các biện pháp trừng phạt khi các biện pháp này hết hạn vào ngày 12/5 tới. Vài tuần sau đó, Tổng thống Mỹ dự kiến có cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng. Kết quả mà Mỹ muốn đạt được từ cuộc gặp thượng đỉnh này là Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và chấp nhận quá trình kiểm tra, xác minh tận nơi.

Có vẻ Tổng thống Mỹ không muốn một thỏa thuận với Triều Tiên mà trong đó có những yếu tố mà ông nhiều lần cho là có vấn đề trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) với Iran. Trong mắt của ông Trump, thỏa thuận với Iran không ổn vì không giải quyết được vấn đề phát triển tên lửa, vai trò khu vực của Iran và thực tế là những biện pháp hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran nêu ra trong JCPOA sẽ hết hạn vào thời điểm nhất định. Điều này gợi ý rằng ông Trump sẽ yêu cầu lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân và xuất khẩu vũ khí. Tổng thống Mỹ ngụ ý sẽ không có “điều khoản hoàng hôn” (tự động hết hạn sau một khoảng thời gian) nào trong thỏa thuận mà ông sẽ thúc đẩy với Triều Tiên.

“Các bạn biết đấy, thỏa thuận đó sẽ hết hạn trong 7 năm và Iran khi đó sẽ tự do làm điều họ muốn và tạo ra vũ khí hạt nhân”, ông Trump tuần trước nói với các phóng viên. Ông cho rằng, nếu ông quay lưng với JCPOA vào cuối tháng này sẽ là cách để gửi “tín hiệu đúng đắn” đến Triều Tiên.

Giải mã thông điệp đó là gì có thể là việc phức tạp. Những ràng buộc của JCPOA lâu dài hơn cách nói của ông Trump. Điều khoản duy nhất sẽ hết hạn vào năm 2025 là hạn chế số lượng máy ly tâm thế hệ thứ nhất mà Iran có thể sở hữu trở lại. Những điều khoản khác vẫn có hiệu lực cho đến năm 2025. Còn điều khoản cấm phát triển bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào sẽ có tác dụng vô thời hạn, giống như điều khoản Iran chịu sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.

Bỏ qua các chi tiết, cách lập luận của ông Trump có thể được hiểu là, bằng cách quay lưng với một thỏa thuận kiểm soát vũ khí vì những hạn chế mà ông nêu ra, Tổng thống Mỹ sẽ có vị thế mạnh hơn trong các cuộc thương lượng với ông Kim. Nhà lãnh đạo Triều Tiên phải hiểu rằng ông Trump sẽ không đồng ý với bất kỳ điều gì ngoài việc vĩnh viễn từ bỏ tên lửa và hạt nhân. Ông Trump tin mình có vị thế tốt nhờ thái độ cứng rắn với Triều Tiên, bao gồm gia tăng đe dọa quân sự và một chương trình trừng phạt toàn cầu cứng rắn, buộc Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn đàm phán.

Cho đến nay, mọi thứ dường như đang diễn ra theo cách của ông. Ông Kim thể hiện rất thân thiện trong cuộc gặp tuần trước với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng ông Trump có công tạo điều kiện tốt cho cuộc gặp này và đề xuất trao cho Tổng thống Mỹ giải Nobel hòa bình.

Theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim đã đề xuất hủy bỏ những vũ khí hạt nhân Triều Tiên có nếu Mỹ hứa không xâm lược. Ông Trump nhìn nhận những đề nghị đó của Triều Tiên là chưa từng thấy. Nếu đúng ông Kim đề xuất như vậy thì sẽ là thành tích phi thường. Tuy nhiên, Triều Tiên từng hứa bỏ chương trình hạt nhân hai lần, vào năm 1994 và 2005, nhưng cả hai cam kết đó đều có tuổi thọ ngắn.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thuyết phục ông Kim gặp ông Trump tại khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên, CNN dẫn các nguồn tin từ Hàn Quốc cho biết. Ông Trump cũng nói rằng ông hào hứng với ý tưởng gặp ở DMZ.

MỚI - NÓNG