Từ phản ánh "Cận cảnh rừng gỗ dổi trăm tuổi gần UBND xã bị xẻ thịt" của báo Tiền Phong, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro thông báo tại lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 805, xã Sró có 12 cây gỗ dổi bị cắt hạ (tổng khối lượng hơn 15m3). Tuy nhiên, báo cáo này đã không chính xác so với hiện trường đang diễn ra tại cánh rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc xã Sró.
Theo ghi nhận lần 2 của phóng viên Tiền Phong cho thấy, cách vị trí 12 cây dổi bị đốn hạ khoảng 1km thêm một điểm rừng bị khai thác với nhiều thân gỗ khổng lồ (cắt hạ, xẻ thành các bộ sập đắt tiền) đã được vận chuyển ra bên ngoài. Ngay khi tiếp nhập thông tin này, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục ra văn bản chỉ đạo, xử lý.
Ngày 26/3, thông tin từ huyện Kông Chro cho biết, kết quả kiểm tra lần hai đã phát hiện thêm hàng chục cây gỗ bị cắt hạ, tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 49m3. Như vậy, so với kết quả kiểm tra ban đầu (hơn 15m3), kết quả xác minh lần 2 đã chênh lệch hơn 34m3.
Liên quan đến tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn Gia Lai mà báo Tiền Phong phản ánh những ngày qua, ông Cao Chí Công - Phó Tổng cục lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) nói: “Từ trước đến giờ Thủ tướng, Bộ đã ra nhiều văn bản, chỉ đạo quyết liệt, không dung túng cho việc phá rừng. Còn để xảy ra mất rừng, trách nhiệm là của UBND tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn”.
Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ với những người có trách nhiệm tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai và nhiều cơ quan liên quan khác để hỏi về những giải pháp sắp tới nhằm bảo vệ rừng, nhưng đều bị thoái thác.