Ai đã làm Khỉ Sơn Trà sống trong sợ hãi

Khỉ Sơn Trà đào bới thức ăn ở bãi rác cạnh chùa Linh Ứng. Ảnh: N.T
Khỉ Sơn Trà đào bới thức ăn ở bãi rác cạnh chùa Linh Ứng. Ảnh: N.T
TP - Khỉ gãy chân lòi xương, bị xe tông chết, ăn thức ăn ôi thiu… là tình trạng đang diễn ra tại núi Sơn Trà (Đà Nẵng). Nơi đây vốn là mái nhà yên bình của động vật hoang dã, nhưng dưới sự tác động thô bạo của con người, chúng phải đối mặt với vô vàn bất an ngay trong môi trường sống của mình.  

Gặp nguy vì… được cho ăn

Lên núi Sơn Trà, không quá khó để bắt gặp khỉ. Nơi chúng hay lui tới nhất là khu vực chùa Linh Ứng và một khu nghỉ dưỡng vì có nguồn thức ăn dồi dào từ con người. Hầu hết du khách tới đây coi việc được tiếp cận chúng bằng cách cho ăn là niềm vui. Từ các loại trái cây khoái khẩu của khỉ như chuối, táo, cho đến bánh kẹo, kem… họ đều có thể đem cho khỉ.

Mặc dù đã có nhiều bảng cấm du khách cho động vật hoang dã ăn nhưng nhiều người phớt lờ. Thậm chí, để có những bức ảnh đẹp, nhiều người còn chủ động mua nhiều thức ăn để dụ khỉ. Tại khu vực gần bãi đỗ xe chùa Linh Ứng, bầy khỉ chầu chực sẵn, không ngần ngại khi có người tới cho thức ăn. Còn ở bãi rác, cả chục con mặc sức đào bới, lục lọi thức ăn thừa rồi ngồi ăn ngấu nghiến tại chỗ.

Ai đã làm Khỉ Sơn Trà sống trong sợ hãi ảnh 1 Du khách cho khỉ ăn vô tình làm chúng mất dần khả năng tự kiếm ăn, đồng thời có nguy cơ mắc nhiều bệnh. Ảnh: N.T

Theo bà Lê Thị Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh, việc cho khỉ ăn tạo nên những tính xấu cho chúng như tranh giành, nhảy vào du khách để “cướp” đồ ăn, cào cấu người.

“Cũng có trường hợp khỉ tới những bãi rác đang đốt đào bới thức ăn bị dính lửa, hoặc đánh nhau bị thương. Chưa kể ăn thức ăn bị vứt bỏ dễ mắc bệnh, nguy cơ tạo thành dịch, nếu xảy ra thật sự khó kiểm soát”, bà nói.

Riêng việc khỉ tập trung thường xuyên ở khu nghỉ dưỡng để được du khách cho ăn, bà thấy “quá tồi tệ”, trở thành thói quen xấu của khỉ. Chúng đã quên mất tập tính tự kiếm ăn ngoài tự nhiên, luôn bị động, chờ đợi từ con người. Theo bà Trang, một số vườn quốc gia đã nghiêm cấm việc du khách cho khỉ ăn, vậy nên đối với Sơn Trà, cũng cần thực hiện thật nghiêm túc, quyết liệt, đồng thời quán triệt không cho bỏ thức ăn thừa vào giỏ rác, bãi rác.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, cho hay, đã yêu cầu chùa Linh Ứng không được cho khỉ ăn, không bỏ thức ăn thừa vào bãi rác. Đồng thời đề nghị Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị lữ hành nhắc nhở du khách lên Sơn Trà không mang theo thức ăn cho khỉ.

Tác động thô bạo

TS Hà Thăng Long, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Hội Động vật học Frankfurt (Đức), cho hay, tầm 20 năm trước, lên núi Sơn Trà rất khó gặp khỉ, nay lại quá dễ dàng. Phần vì khỉ ra ngoài kiếm thức ăn từ người, phần vì những con đường bê tông thọc thẳng, chia cắt mái nhà của chúng nên không còn cách nào khác, muốn di chuyển từ vùng này sang vùng kia, khỉ phải băng qua đường.

Giữa tháng 9, một con khỉ bị gãy chân lòi xương ra ngoài được người dân phát hiện tại tuyến đường gần chùa Linh Ứng. TS Long nhận định, nhiều khả năng nó bị xe tông. Ông Thắng nói: “Tuyến đường Hồ Xanh lên khu nghỉ dưỡng, khỉ di chuyển hằng ngày, xe cộ lại lưu thông nhiều. Chúng tôi đã ghi nhận vài con bị xe tông chết”.

Theo TS Long, để tránh những hậu quả đáng tiếc cho khỉ cũng như những động vật khác trên Sơn Trà, việc cần làm nhất là con người phải tôn trọng môi trường sống của chúng.

“Nếu con người kéo lên nhiều thì rõ ràng chúng ta đang cạnh tranh môi trường sống ít ỏi của chúng. Chúng phải chia sẻ thức ăn, nước, không gian cho con người. Còn con người lại tác động thô bạo bằng việc bê tông hóa mái nhà của động vật, đem lại tiếng ồn, nguy hiểm từ xe cộ, dịch bệnh từ thức ăn... Vậy nên, phải quy định rõ và thực hiện nghiêm khung thời gian cho người và phương tiện lên bán đảo Sơn Trà, những khu vực nào được vào, cấm những hoạt động cắm trại, đốt lửa về đêm... để bảo vệ môi trường sống an toàn trên núi Sơn Trà”, ông Long nói.

Chiều 1/8, đoàn công tác liên ngành của TP Đà Nẵng đi khảo sát thực địa ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà phát hiện một con voọc chà vá chân nâu trong tình trạng sức khỏe rất yếu, sau đó đã giao cho lực lượng kiểm lâm chăm sóc. Tối cùng ngày, con voọc chết. Ông Trần Thắng cho rằng, con voọc có thể chết vì mắc bệnh; nếu không phát hiện và tiêu hủy kịp thời, sẽ có nguy cơ lây lan.

Sơn Trà không thiếu thức ăn cho khỉ

TS. Hà Thăng Long cho hay, mỗi ngày khỉ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm thức ăn, chủ yếu là quả, lá rừng. Nguồn thức ăn ở núi Sơn Trà luôn dồi dào, không bao giờ thiếu để khỉ bị đói. Khi ăn thức ăn nhiều chất dinh dưỡng như bánh, kẹo, kem… từ con người, chúng sẽ lười nhác, ù lì. Đặc biệt, thói quen chực chờ, bị động khiến chúng dễ cáu bẳn hơn khi tới giờ đói mà chưa có thức ăn.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.