Tranh luận dẹp bỏ cà phê đường tàu là kìm hãm phát triển du lịch?

Theo các chuyên gia, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở những tụ điểm cà phê đường tàu. Ảnh: Việt Hùng.
Theo các chuyên gia, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở những tụ điểm cà phê đường tàu. Ảnh: Việt Hùng.
Chuyên gia giao thông cho rằng cần quyết liệt dẹp bỏ hàng quán quanh khu vực đường sắt, trong khi chuyên gia du lịch lại bày tỏ mong muốn loại hình này được quản lý và phát triển.

 

Phố cà phê đường tàu đông nghịt du khách check-in cảm giác mạnh Xóm cà phê đường tàu đoạn Trần Phú - Phùng Hưng (Hà Nội) chỉ vài trăm mét nhưng có hàng chục quán. Lượng khách tò mò tìm tới trải nghiệm cảm giác mạo hiểm tại đây ngày càng nhiều.

Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo một số quận xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Trong đó yêu cầu ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đồng người dọc đường sắt để quay phim, chụp ảnh, uống cà phê.

Nếu theo văn bản này, các quán cà phê trên đường tàu thu hút giới trẻ cũng có nguy cơ... bị dẹp bỏ. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối bởi đây là tụ điểm được đánh giá là thú vị, mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ.

Một số chuyên gia giao thông và du lịch cũng có những quan điểm trái chiều xoay quanh vấn đề này.

Cần dẹp bỏ vì mất an toàn

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải) đồng tình với việc dẹp bỏ các hàng quán, tụ điểm cà phê, chụp ảnh quanh khu vực đường sắt tại Hà Nội.

"Nếu phải thực hiện thì rất nhiều nơi phải dẹp. Kinh doanh, sinh hoạt ở khu vực giao thông đường sắt lúc nào cũng rất nguy hiểm. Từ trước đến nay, Hà Nội đã không kiên quyết với những xâm phạm này nên càng ngày việc vi phạm hành lang an toàn đường sắt càng phức tạp", TS Nguyễn Văn Thụ chia sẻ.

Theo ông, về lý đây là điều bắt buộc phải làm. Các hoạt động, hàng quán ở đây đang vi phạm các quy định về an toàn đường sắt, mà việc kinh doanh còn đặt người dân, khách hàng vào nguy hiểm thường trực.

"Chúng ta đang quản lý theo kiểu mất bò mới lo làm chuồng, cứ có tai nạn, vụ việc nghiêm trọng xảy ra mới bắt đầu kiểm tra, rà soát. Ở khu vực này, chưa xảy ra tai nạn không có nghĩa là an toàn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đến lúc đấy thì ai chịu trách nhiệm?", ông Thụ đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng giữ lại cà phê đường tàu ở Hà Nội để bảo tồn nét độc đáo là không hợp lý.

"Theo các quy định về đường sắt, khoảng cách tối thiểu của hành lang bảo vệ là 3 m. Đây đã là thể chế Nhà nước thì bắt buộc phải theo, phải thực hiện. Đây là pháp luật, an toàn tính mạng của người dân chứ không còn là chuyện văn hóa nữa", KTS Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.

Theo ông Nghiêm, dù là nét văn hóa nhưng cũng cần chọn lọc, không thể nói bảo tồn, gìn giữ để bào chữa.

"Giống như việc bán hàng rong trước kia, dù có nhiều ý kiến cho rằng đây là nét văn hóa, cần được bảo tồn; tuy nhiên, nét văn hóa này không còn thể hiện sự văn minh, phù hợp với phát triển xã hội. Hà Nội thể hiện sự quyết tâm là cũng dẹp bỏ được ngay. Quan trọng nhất là sự quyết tâm của chính quyền", vị chuyên gia phân tích.

"Nên quản lý chặt chẽ thay vì dẹp bỏ, cấm đoán"

Trong khi nhiều chuyên gia giao thông cho rằng cần kiên quyết dẹp bỏ các loại hình kinh doanh bên đường tàu, chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt lại cho rằng việc yêu cầu xử lý và dẹp bỏ những hình thức này thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý, "không quản lý được thì cấm".

Ông Đạt đánh giá các quán cà phê bên đường tàu đã mở ra một nét văn hóa mới, một điểm đến thú vị, níu chân du khách và những bạn trẻ khi đến Hà Nội. Loại hình kinh doanh này cũng phù hợp với xu hướng mới của giới trẻ là du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa qua các tụ điểm.

"Hà Nội thiếu những địa điểm vui chơi có văn hóa độc đáo, sáng tạo và có thể gây dấu ấn với khách du lịch. Nếu chúng ta muốn phát triển du lịch thủ đô, thay vì cấm những hình thức kinh doanh mới, cơ quan quản lý nên đưa ra các biện pháp để vừa duy trì, vừa bảo đảm an toàn cho người dân", ông Đạt đưa ý kiến.

Tranh luận dẹp bỏ cà phê đường tàu là kìm hãm phát triển du lịch? ảnh 1

Chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt cho rằng cafe đường tàu mở ra là một hình thái kinh doanh mới mẻ, thu hút khách du lịch bằng những trải nghiệm thú vị. Ảnh: Việt Hùng.

Vị chuyên gia đưa ra các phương án thành phố có thể triển khai để đảm bảo tính an toàn cho khu vực này như lắp các rào chắn, đèn tín hiệu ở các tụ điểm quán cà phê ven đường ray. Ngoài ra, thay vì dẹp bỏ, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể ra công văn chấn chỉnh, yêu cầu các quán cấm khách ngồi ra giữa đường ray.

Bằng kinh nghiệm lâu năm trong ngành du lịch, ông Đạt đề xuất thêm cho những quán cà phê này các hình thức in tranh ảnh, kể chuyện về những chuyến tàu, lịch sử hình thành đường sắt,... để du khách vừa trải nghiệm loại hình mới, vừa có sự quảng bá về văn hóa, lịch sử của thủ đô.

Ông Đạt cho rằng Hà Nội có thể coi đây là một loại hình kinh doanh thí điểm và quyết liệt trong công tác quản lý để xem hiệu quả đến đâu. Việc cấm đoán và dẹp bỏ có thể gây ra một số hệ lụy xấu cho việc phát triển du lịch, văn hóa thủ đô.

"Nếu chúng ta làm du lịch đi theo khuôn mẫu, quy chuẩn và không dám thử nghiệm những điều mới thì sẽ rất nhàm chán. Những đất nước khác họ có loại hình tương tự và rất phát triển thì không có lý do gì chúng ta không làm được", vị chuyên gia kỳ vọng.

Tranh luận dẹp bỏ cà phê đường tàu là kìm hãm phát triển du lịch? ảnh 2

Các ngôi nhà tạm của người dân ở đây xây dựng rất sát so với đường ray, hành lang an toàn ở nhiều khu vực chỉ rộng 2-3 mét. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên cạnh đó, ông Đạt cũng cho rằng những tụ điểm này xuất hiện do lỗi quy hoạch từ xưa khi để người dân xây nhà tạm ngay sát đường tàu. Vì vậy, việc dẹp bỏ loại hình này là rất khó khi mà người dân đã bám trụ ở đây từ lâu và việc kinh doanh cà phê trở thành nguồn thu nhập chính của họ.

Cùng góc nhìn, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định việc giải tán các tụ điểm này sẽ gặp khó khăn do nhiều yếu tố khác nhau.

"Hầu hết đường sắt khu vực nội đô là từ thời xưa, mặc dù quy định hành lang tối thiểu 3 m, nhưng nhiều nơi chỉ có 2,5 m hoặc thậm chí hẹp hơn. Nếu muốn dẹp bỏ, thành phố sẽ cần giải tỏa cả một bộ phân dân cư sống sát đường tàu", ông Nghiêm đánh giá.

Ông cho rằng Hà Nội phải có sự thống nhất về giải pháp, đảm bảo hành lang an toàn cho các đoạn đường sắt chạy qua khu vực dân cư, đặc biệt các nơi bị xâm phạm bởi hoạt động kinh doanh, bán hàng.

"Hà Nội phải tuyên truyền cho người dân biết, để họ hiểu tham gia các tụ điểm, hoạt động ở đây là vi phạm các quy định an toàn và nguy hiểm cho chính họ. Tôi nghĩ Hà Nội cũng phải cứng rắn hơn nữa trong xử lý các vi phạm, trước khi có thể thực hiện chủ trương giải phóng mặt bằng", vị chuyên gia chia sẻ.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.