Năm 2015 được nhận định là một năm tiếp tục phải đối mặt với nhiều thử thách của toàn hệ thống Agribank. Ngoài việc chịu ảnh hưởng của nền kinh tế trong nước tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; thị trường tài chính có nhiều biến động, sự cạnh tranh gay gắt của các tổ chức tín dụng khác, Agribank phải giải quyết nhiều vụ việc, trong đó có những vụ án trọng điểm.
Đồng thời, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 có nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, với những thuận lợi nhất định từ thị trường, từ chính sách của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh đó là sự lựa chọn mục tiêu, giải pháp kinh doanh phù hợp, sự thay đổi đáng kể về nhận thức, sự đoàn kết của toàn thể cán bộ viên chức dưới sự điều hành quyết liệt, đúng hướng của Ban lãnh đạo, Agribank đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng của Đề án tái cơ cấu và kế hoạch kinh doanh đề ra
Tổng Giám đốc Agribank – ông Tiết Văn Thành cho biết, tính đến 31/12/2015, toàn hệ thống Agribank đã thực hiện huy động được lượng vốn hơn 804 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 16,5% – vượt kế hoạch năm 2014 đề ra, đồng thời vượt mục tiêu của Đề án tái cơ cấu. Về dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu VAMC), Agribank đạt hơn 670 nghìn tỷ đồng; trong đó tỷ lệ dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn vẫn chiếm hơn 71%.
Đặc biệt, hệ thống Agribank đã giảm thành công tỷ lệ nợ xấu xuống còn 2,01% – đạt kế hoạch năm 2014 đã đề ra cũng như mục tiêu của Đề án tái cơ cấu. Nhận định về kết quả thực hiện các hoạt động kinh doanh chính của toàn hệ thống, Tổng Giám đốc Agribank nhấn mạnh một số điểm nổi bật như: Agribank đã có nguồn vốn vốn huy động tăng trưởng ổn định, bền vững, đúng định hướng, đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu hoạt động kinh doanh; Tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra, chất lượng tăng trưởng được đảm bảo, phù hợp với khả năng quản lý, quản trị rủi ro, cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, vừa đảm bảo tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, NHNN, vừa mở rộng cho vay các lĩnh vực có hiệu quả khác để đảm bảo hiệu quả kinh doanh; Chất lượng tín dụng được cải thiện, các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ hết thời gian cơ cấu, nợ phải chuyển nhóm theo thông tin CIC được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế được nợ xấu phát sinh; Hoạt động đầu tư giấy tờ có giá, kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng được đẩy mạnh phù hợp với thực tế thị trường để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn gắn với đảm bảo an toàn thanh khoản; Kinh doanh dịch vụ được đa dạng hoá và đạt mức tăng trưởng khá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh…
Bên cạnh những hoạt động kinh doanh chính, các mặt công tác khác trong năm 2015 tiếp tục được Agribank tăng cường, đạt được không ít kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, về quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, Agribank đã chủ động tiếp cận, khai thác các dự án trọng điểm, có hiệu quả, ký kết thỏa thuận hợp tác với một số tập đoàn, tổng công ty lớn để mở rộng kênh khai thác nguồn vốn, cho vay và cung cấp sản phẩm dịch vụ. tiếp xúc, làm việc với nhiều tổ chức tài chính quốc tế như WSBI, APRACA, CICA, hiệp hội ngân hàng ASEAN…; vận hành hệ thống công nghệ thông tin ổn định và hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh; không ngừng đổi mới cả về nội dung, hình thức, kỹ thuật trong hoạt động tiếp thị, truyền thông và quảng bá thương hiệu, góp phần tích cực trong việc củng cố, nâng cao hình ảnh, uy tín của thương hiệu Agribank… Tuy vậy, hoạt động kinh doanh của Agribank vẫn còn tồn tại những điểm cần tập trung khắc phục, giải quyết trong thời gian tới như: việc vốn huy động ngoại tệ giảm, tăng trưởng tín dụng thấp hơn bình quân toàn ngành, kinh doanh dịch vụ còn nhiều hạn chế…
Với mục tiêu chung trong năm 2016 trước mắt là củng cố, ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; nâng cao khả năng cạnh tranh, giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu vốn vay có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; cung ứng sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hoạt động kinh doanh tăng trưởng, an toàn, hiệu quả, bền vững, Agribank sẽ triển khai hoạt động kinh doanh theo hướng lấy hiệu quả làm mục tiêu trung tâm, phấn đấu tăng tỷ lệ thu lãi nội bảng, thu nợ đã XLRR, nợ đã bán cho VAMC, giảm chi phí trích dự phòng rủi ro và các chi phí khác; nâng cao khả năng tài chính, đảm bảo ổn định và cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ theo hướng đa dạng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử, tăng năng suất lao động, tăng doanh thu và thu ròng dịch vụ; mở rộng hoạt động bán lẻ, gia tăng số lượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả; tiếp tục ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời tăng dư nợ cho vay đối với các đối tượng, lĩnh vực có hiệu quả khác; quyết liệt triển khai phương án xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ sau xử lý và nợ tiềm ẩn rủi ro, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu phát sinh; đa dạng hóa sản phẩm huy động vốn; tập trung huy động vốn gắn với phát triển sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường, thị phần; tăng tỷ trọng nguồn tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn trong cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn…
Về chỉ tiêu cụ thể, Agribank đặt mục tiêu tăng trưởng 11% - 13% cho vốn huy động (thị trường I); tăng tối đa 18% đối với dư nợ cho vay nền kinh tế, trong đó giữ vững tỷ trọng dư nợ nông nghiệp, nông thôn trên 70%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; thu dịch vụ tăng tối thiểu 17%; tài chính đạt lợi nhuận trước thuế 4000 tỷ đồng, tiền lương cho người lao động không thấp hơn năm 2015; đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trước những kết quả hệ thống Agribank đã nỗ lực đạt được trong năm 2015 vừa qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến dự và chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh đã có những chia sẻ tâm huyết. “Với tư cách là một người đồng nghiệp đã có nhiều năm công tác trong ngành ngân hàng, hay với tư cách là đại diện của Ngân hàng Nhà nước, tôi đều rất tâm đắc và vui khi nghe những kết quả Agribank đã đạt được trong năm qua. Năm năm trước, Agribank ở trong tâm bão, đến nay các đồng chí đã thoát ra khỏi khủng hoảng, điều này thể hiện và khẳng định các đồng chí xứng đáng là một ngân hàng lớn, mang tầm vóc quốc gia” – trích phát biểu của Phó Thống đốc.
Bên cạnh lời chúc mừng và mong muốn toàn hệ thống Agribank tiếp tục phát huy được kết quả đã đạt được, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao trong thời gian tới, Phó Thống đốc cũng có những chỉ đạo thiết thực đối với Agribank. Theo đó, Agribank cần tiếp tục bám sát mục tiêu của ngành ngân hàng nói chung, song song đó cần tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, ổn định thanh khoản, giữ vững vai trò ngân hàng thương mại hàng đầu về quy mô, về hiệu quả đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phó Thống đốc cũng lưu ý Ban lãnh đạo Agribank bốn nội dung chính. Một là, tăng cường năng lực quản trị điều hành, năng lực quản trị rủi ro, năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, phấn đấu trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu trong khu vực và có vị thế trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, ngân hàng bán lẻ… Thứ hai, cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đi đôi kiểm soát chất lượng tín dụng, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu dư nợ theo hướng tập trung tăng trưởng mạnh bán lẻ, triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, cụ thể là tăng cường triển khai Nghị định 55. Thứ ba, cần rà soát, đánh giá chất lượng tài sản, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, tích cực thu hồi nợ để đảm bảo vấn đề tài chính. Thứ tư, đối với lộ trình tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, Phó Thống đốc đề nghị Agribank tiếp tục quan tâm cơ cấu tiếp tài sản nợ - có, nhất là cơ cấu tài sản có, phù hợp điều kiện, phát huy lợi thế của Agribank trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tránh tình trạng dư thừa vốn, kết hợp giải pháp giao khoán chỉ tiêu với điều hành sát sao để đảm bảo khai thác tiềm lực nội tại của chi nhánh, giúp sử dụng đồng vốn hiệu quả. Phó Thống đốc nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đề ra, không thể không chú trọng phát triển công nghệ, đồng thời cần lưu ý tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ hơn nữa cả về mặt con người và về mặt quy chế, quy trình, để đảm bảo kỷ cương, giảm thiểu rủi ro tối đa.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh đại diện toàn hệ thống cho rằng, ngoài thành công được thể hiện bằng những con số cụ thể, thành công lớn nhất của Agribank là sự đoàn kết, đồng lòng của Ban lãnh đạo cũng như tập thể hơn 40.000 cán bộ viên chức của toàn hệ thống. Mặc dù trước những kết quả đã đạt được, Agribank có quyền tự hào, có quyền phấn khởi, nhưng cần tiếp tục phải cẩn trọng, “chắt chiu” những thành quả đạt được, giữ vững sự ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển từng bước trong tương lai.