Ách tắc tuyến dưới

TP - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TPHCM. Đích thân Thủ tướng làm Trưởng ban.

Ban chỉ đạo còn có một Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, TPHCM và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Có thể thấy, với một ban chỉ đạo như thế được thành lập, Chính phủ nhận định tình trạng ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn và quan trọng nhất nước đã ở mức cấp bách, nước sôi lửa bỏng và cần quyết liệt hành động để giải quyết bởi nó không chỉ gây ra sự bất tiện đối với đời sống của người dân mà còn là nguy cơ kéo giảm tốc độ phát triển của Hà Nội và TPHCM. Hơn thế nữa, trong thời gian vừa qua, thực tế giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông của hai đô thị lớn cho thấy trong rất nhiều trường hợp, mặc dù là vấn đề của chính quyền địa phương nhưng để giải quyết cần đến uy lực của cấp cao hơn.

Tại TPHCM, chỉ riêng chuyện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để cấp thời xử lý chuyện tắc đường xung quanh khu vực sân bay, chuyện máy bay phải lòng vòng trên trời vì thiếu đường cất hạ cánh… đã bộc lộ nhiều vấn đề vượt quá thẩm quyền của giới chức địa phương. Chính quyền TPHCM do đó không thể tự quyết và quả bóng xử lý được chuyền lên cấp cao hơn.

Ở Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tương tự. Mặc dù ách tắc giao thông gây ra những hệ lụy xấu cho toàn xã hội và trách nhiệm xử lý không của riêng bộ, ngành hay cấp chính quyền nào, nhưng vẫn phát sinh lực cản lớn níu chân chính quyền Hà Nội. Và chúng ta có ngay những nút cổ chai, những “đường cong mềm mại”, những điểm đen ách tắc bao năm không thể xóa bỏ. Lợi ích cục bộ khiến tốc độ di dời các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành chính ra những vị trí khác phù hợp hơn để đảm bảo mật độ xây dựng và dân cư của Hà Nội diễn ra rất chậm chạp, việc phát triển các đô thị vệ tinh luôn bị trì hoãn.

Trong bối cảnh ấy, việc ra đời một ban chỉ đạo cấp trung ương để giải quyết vấn đề địa phương là hết sức cần thiết. Nhưng mặt khác, sự ra đời của một ban chuyên trách giải quyết ách tắc tại hai thành phố lớn nhất với sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ cũng cho thấy một điều: Các công cụ, giải pháp được chính quyền địa phương áp dụng, thực thi chưa đủ ráo riết, quyết liệt và hiệu quả. Nếu chính quyền địa phương chẩn đúng bệnh và kịp thời điều trị thì đã không có quá nhiều thứ “ách tắc” ở tuyến dưới phải đẩy lên tới bàn Thủ tướng như bây giờ.

MỚI - NÓNG