93,78% tốt nghiệp THPT : Thực hay ảo?

93,78% tốt nghiệp THPT : Thực hay ảo?
TP- Năm nay, Tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung của cả nước là 93,78%. Con số  này được công bố trong bối cảnh một loạt bê bối, lộn xộn xảy ra trong kỳ thi bị tố cáo, bị phát hiện. Rất ít người tin vào con số này, kể cả các thầy cô giáo!

>> GĐ sở GD&ĐT Hà Tây : Không thể có chuyện trù úm người tố cáo!

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Sẽ chấm lại ở các hội đồng thi có tiêu cực

93,78% tốt nghiệp THPT : Thực hay ảo? ảnh 1

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại hội đồng thi THPT Phùng Khắc Khoan, huyện Thạch Thất, Hà Tây vẫn diễn ra tình trạng vượt tường, ném “phao” ngay trước mặt lực lượng bảo vệ - Ảnh: Tuổi trẻ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc được 3 tuần nhưng những lộn xộn xảy ra trong kỳ thi (từ việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa lên tiếng tố cáo về tình trạng thi cử tiêu cực ở hội đồng thi Phú Xuyên A, tỉnh Hà Tây đến việc tỉnh Tiền Giang có tới 500 bài thi giống nhau...) vẫn còn làm cho dư luận không khỏi lo lắng về chất lượng giáo dục phổ thông.

Trong bối cảnh đó  thì những con số tỷ lệ của các tỉnh liên tiếp dội về khiến người nghe không khỏi giật mình: Nam Định 99,87%; Hà Tây nơi đang nhiều tai tiếng về tình trạng lộn xộn thi cử xếp thứ 2 trên cả nước với 99,32%.

Tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 93,78%, tăng hơn so với năm ngoái...

Không phản ánh đúng chất lượng dạy và học

Sau những tố cáo gây chấn động dư luận về tiêu cực ở một số hội đồng thi ở Hà Tây, ngày 22/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT  Nguyễn Minh Hiển đã cho biết, sẽ tổ chức chấm thi lại ở những Hội đồng thi tốt nghiệp THPT có tiêu cực

Theo báo cáo của 64 tỉnh, thành trên cả nước, có 6 địa phương đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2006 từ 99% trở lên (cao nhất là Nam Định: 99,87%). Chỉ 4 nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dưới 80%.

Có bao nhiêu giáo viên (GV) tin rằng, đây là con số phản ánh đúng kết quả dạy học trong nhà trường hiện nay?

GV P.H (trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Tây) phân tích: “Trường tôi có 90 lớp (cả công lập và ngoài công lập). Trong đó 30 lớp là lớp chọn, những HS gọi là “học được” thì đều tập trung trong 30 lớp này. Cứ cho là HS ở cả 30 lớp này đều có khả năng đỗ tốt nghiệp. Còn 60 lớp khác thì mỗi lớp chỉ có khoảng 10 HS có khả năng đỗ tốt nghiệp”.

GV P.H còn cho biết, đấy là tính “phiên phiến”. Nếu phân tích cụ thể hơn về đối tượng HS ở 30 lớp chọn kia thì không phải tất cả các em đều có khả năng đỗ tốt nghiệp THPT.

GV này nói: “Không phải vì HS không có khả năng mà vì các em không chịu học. Trong quá trình học, các em chỉ quan tâm vào 3 môn mình sẽ thi đại học. Các môn còn lại, nhiều em khó mà đạt điểm 5 trong một kỳ thi nghiêm túc”.

Nhiều GV khác cũng phân tích và đưa ra nhận xét tương tự về thực tế học tập của HS ở nơi mình giảng dạy.

Và không chỉ GV trường THPT. Thầy N.A (GV một trường THCS ở Nghệ An) phản ánh: “Những nơi khác tôi không rõ. Nhưng ở huyện tôi, các GV thường nói chuyện với nhau rằng nếu đánh giá đúng thực chất học lực của HS thì chắc chắn hầu hết các trường đều có khoảng 10% em học lực yếu.

Con số này ở một số trường có thể thậm chí là 20%. Cứ hình dung thế này: trong một tiết học, nếu GV kiểm tra bài cũ thì chỉ khoảng 5 HS trong một lớp học (sĩ số khoảng 30 HS/ lớp) được xem là có thuộc bài”.

Một chuyên viên Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) thì cho rằng, thực tế không đến nỗi như các GV bình luận.

Tuy nhiên, vị chuyên viên này cũng cho rằng, con số tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mà các địa phương báo cáo không phản ánh đúng chất lượng dạy học trong các nhà trường phổ thông hiện nay.

“Nhưng tôi không tin là chỉ có 30 – 40% HS có thể đỗ tốt nghiệp THPT. Tôi tin là cao hơn” - Vị chuyên viên đó nói.

93,78% tốt nghiệp THPT : Thực hay ảo? ảnh 2
Lực lượng bảo vệ dày đặc phía sau Hội đồng thi tại trường THPT Phùng Khắc Khoan, Thạch Thất, Hà Tây                Ảnh: Hồng Vĩnh

Thầy và trò đều khổ bởi nạn “nhồi” từ dưới lên

Theo nhiều GV, sở dĩ có tình trạng chất lượng kém trong các nhà trường phổ thông hiện nay là do nhiều nguyên nhân.

Trong đó có một nguyên nhân mà tất cả GV được hỏi đều nói đến là HS “mất gốc kiến thức cơ bản” từ các cấp học dưới.

Kết quả học tập của HS tuy không đạt yêu cầu nhưng theo sự chỉ đạo từ “trên” xuống thì các trường đều phải “nhồi” lên (cho lên lớp).

Nhiều nơi, có sự chỉ đạo rất vô lý: không cho phép tình trạng có HS lưu ban ở các lớp 1, 2, 3 (cấp Tiểu học). Học yếu mấy các em vẫn nghiễm nhiên lên lớp.

Do đó, nhiều GV cấp THCS phàn nàn có một số lớn HS của họ khi lên lớp 6 rồi mà vẫn không biết làm các phép tính đơn giản, không biết viết một câu tiếng Việt chuẩn. Nhưng khổ một nỗi cho các GV là họ không thể để các em học yếu như vậy lưu ban.

Theo các GV, nếu bị lưu ban, HS sẽ bỏ học, mà như vậy thì ảnh hưởng đến kết quả phổ cập THCS.

Cô M.T, một GV ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) kể: “Năm ngoái, lớp tôi có 1 HS lưu ban. Thế là suốt năm vừa rồi, không chỉ tôi mà cả hiệu trưởng cứ bị nhắc nhở".

"Tuy nhiên có mạnh tay cho HS lưu ban hay không cũng tuỳ từng hiệu trưởng. Có những hiệu trưởng phớt lờ lệnh “trên”, như trường THCS D. (huyện Thanh Ba) chẳng hạn: có năm cho lưu ban 8 HS. Mấy GV trường THCS D. kể, sau năm đó, HS chịu khó học hơn hẳn”.- Cô M.T. nói tiếp.

“Mất gốc” kiến thức cơ bản từ cấp học dưới, lên đến cấp THPT khiến nhiều HS đi học như trong mộng mị.

GV P.H nhận xét: “Các em ngồi trong lớp nghe như “vịt nghe sấm”. Cũng có GV tâm huyết, tìm cách khắc phục cho các em nhưng rồi cũng đành phải bó tay bởi chính các em cũng chẳng hào hứng gì việc học”.

 Phần lớn các GV cảm thấy “quen” với tình trạng đó.

Nhưng cũng có những nhà giáo nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm trạng cay đắng.

Hiệu trưởng một trường THPT ở nội thành Hà Nội nói: “Ngay tại trường tôi, có những HS ý thức học tập hết sức kém cỏi, kết quả học tập yếu. Nhưng rồi em đó vẫn đỗ tốt nghiệp THPT.

Thực lòng tôi muốn ngành làm nghiêm kỳ thi này, cho dù một số năm đầu kết quả sẽ rất thấp. Nhưng có như thế học trò mới tôn trọng thầy, mới không coi thường việc học”.  

Trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn khẳng định rằng nạn “chạy theo thành tích” nếu có là do các địa phương; Bộ GD&ĐT luôn chỉ đạo các đơn vị trong ngành là phải đánh giá thực chất.

Tuy nhiên, một GV nói: “Theo tinh thần của những văn bản chỉ đạo chuyên môn từ Bộ GD&ĐT thì tôi nhận thấy chính Bộ GD&ĐT “ép” đơn vị “chạy theo thành tích”.

Đặt ra mục tiêu năm nọ năm kia phổ cập THCS, THPT ở bao nhiêu địa phương chính là Bộ. Đặt ra mục tiêu năm nọ, năm kia số phần trăm trường đạt chuẩn quốc gia cũng là Bộ.

Đành rằng cần có mục tiêu để phấn đấu. Nhưng mục tiêu lại quá xa rời với thực tế có thể đạt được. Thế từ trường cho đến Sở phải cố. Dục tốc bất đạt. Tôi cho rằng lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần phải thay đổi tư duy về phát triển GD&ĐT, chấp nhận phát triển chậm thôi nhưng chắc. Cứ như hiện nay thì khổ cả thầy lẫn trò”.

Ngày 22/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ông Nguyễn Minh Hiển đã cho biết, sẽ tổ chức chấm thi lại ở những Hội đồng thi tốt nghiệp THPT có tiêu cực. Dư luận đang trông chờ ở sự kiên quyết từ Bộ GD&ĐT đến các địa phương.

MỚI - NÓNG