800 ha khu vực biển TT-Huế làm nơi nhận chìm vật chất nạo vét

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khu vực được phê duyệt dùng nhận chìm vật chất nạo vét là vùng biển thuộc xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế).

Chiều 10/4, nguồn tin từ UBND tỉnh TT-Huế cho biết, lãnh đạo cơ quan này vừa ban hành quyết định phê duyệt hai khu vực nhận chìm vật chất nạo vét rộng 800ha thuộc vùng biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.

Theo đó, khu vực 1 có diện tích rộng 400 ha, độ sâu từ 29m đến 34m tính từ mức 0 hệ cao độ Quốc gia. Khu vực 2 cũng có diện tích 400 ha, độ sâu từ 30m đến 35m. Vị trí hai khu vực biển cách bờ khoảng 10km.

800 ha khu vực biển TT-Huế làm nơi nhận chìm vật chất nạo vét ảnh 1

Hai khu vực được phê duyệt là nơi nhận chìm vật chất nạo vét thuộc vùng biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế. Ảnh: CTV

Quy mô mỗi khu vực có sức chứa 3,4 triệu m3. Sức chứa tối đa của mỗi khu vực có thể tiếp nhận khoảng 10 triệu m3.

Khối lượng nhận chìm tối đa trong một ngày là 14.400 m3. Phương tiện vận chuyển vật chất nạo vét có trọng tải tối đa khoảng 2.000 tấn. Thời gian tiến hành nhận chìm phù hợp nhất từ tháng 4 đến tháng 8.

UBND tỉnh TT-Huế lưu ý, trong trường hợp khối lượng nhận chìm trong ngày và trọng tải các thiết bị sà lan vượt quá các chỉ số nêu trên thì cần nghiên cứu chi tiết hơn mức độ khuếch tán vật chất nhận chìm và biến đổi địa hình đáy khu vực nhận chìm; từ đó có giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học ở khu vực nhận chìm cũng như các khu vực lân cận.

800 ha khu vực biển TT-Huế làm nơi nhận chìm vật chất nạo vét ảnh 2

Khối lượng lớn vật chất nạo vét chuyển nhận chìm tại hai khu vực trên vùng biển Lộc Vĩnh thuộc dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2. Ảnh: CTV

UBND tỉnh giao cho Sở TN&MT công bố khu vực nhận chìm chất nạo vét; thẩm định, trình UBND tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền cấp của UBND tỉnh.

Cơ quan chuyên môn hàng năm phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác quan trắc và giám sát môi trường tại các khu vực nhận chìm chất nạo vét ngoài biển theo nhiệm vụ được giao.

Sau 5 năm, tổ chức khảo sát và đánh giá lại môi trường, đa dạng sinh học, phát tán, lan truyền vật chất ở khu vực nhận chìm để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh trong việc cấp Giấy phép nhận chìm cho các dự án tiếp theo.

UBND tỉnh TT-Huế còn yêu cầu cơ cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành; tổ chức kiểm tra giám sát hoạt động nhận chìm và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Được biết, khối lượng lớn vật chất nạo vét chuyển nhận chìm tại hai khu vực trên vùng biển Lộc Vĩnh thuộc dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư 757 tỷ đồng, triển khai tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc.

MỚI - NÓNG