Khoảng năm 2006, chị đến trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh). Thấy cảnh sống cô quạnh và thiếu thốn của các cụ già ở đây, chị tình nguyện dọn đến ở cùng các cụ. Sẵn nghề cắt tóc học được từ người thợ gần nhà, chị bắt đầu cắt tóc cho cả trại phong.“Cắt tóc chỉ là một trong vô vàn những việc không tên mà những bàn tay cùi cụt không tự làm được”, chị Yến chia sẻ.
Ở trại phong được khoảng 2 tháng thì mẹ ở nhà đổ bệnh, chị phải về chăm sóc. Từ đó, mỗi tháng chị đến trại phong Quả Cảm một lần để cắt tóc và bầu bạn với các cụ.
Đến năm 2012, chị tiếp tục xin cắt tóc từ thiện ở trại phong Phú Bình (xã Kim Tân, tỉnh Thái Nguyên). Vậy là đều đặn mỗi tháng hai chuyến xe khách, đầu tháng chị đến trại phong Quả Cảm, cuối tháng lại đến trại phong Phú Bình.
Một cụ ông ở trại phong Phú Bình chia sẻ trong lúc chờ đến lượt: “Cái thiếu thốn về vật chất đã đành, thiếu thốn về tinh thần còn ghê gớm hơn. Cảnh già cả tật nguyền mà không có gia đình nên buồn lắm. Cứ cô Yến đến là các cụ vui như gặp được con cháu trong nhà”.
Cắt tóc là công việc đã quen tay, nhưng để làm công việc đó cho cả trại phong 100 người lại là thử thách vô cùng lớn với chị Yến. Mỗi lần đến với các cụ, chị thường ở hai ngày và làm việc cật lực, quên cả bữa trưa.
Ngoài 2 trại phong kể trên, chị Yến còn đến các làng phong ở Sơn La, Điện Biên, Yên Bái để phát quà cho người già neo đơn, không nơi nương tựa.
Giờ đây, chị Yến sống một mình trong căn nhà cổ của bố mẹ để lại ở phố Ngô Thì Nhậm.