Hai năm trong trại giam, cụ đã vượt ngục thoát ra lại hoạt động tiếp. Cấp trên bố trí cụ sang Xiêm và Lào hoạt động. Năm 1938 cụ lại bị bắt ở Lào mãi đến khi Nhật đảo chính Pháp thì mới được thả. Năm 1948 cụ là Ủy viên Khu ủy khu V kiêm nhiệm công tác quân tình nguyện ở vùng Hạ Lào với chức danh là Chính ủy.
Chuyện của cụ Giao kéo tôi về một kỷ niệm đầu năm 1948. Đó là cuộc gặp giữa Chính ủy Giao với một Trung đội trưởng là hàng binh Pháp người Bỉ.
Tay trung đội trưởng ấy tên là Frans de Boel. Tóc cắt bốc, khuôn mặt xương xương rắn rỏi toát lên vẻ cuơng nghị. Tiếng Việt còn chưa tròn vành rõ chữ. Chính ủy Nguyễn Chính Giao dường như có cảm tình ngay với tay Trung đội trưởng nguyên là hàng binh người Bỉ này... Tham gia quân đội trong hàng ngũ kháng chiến Pháp, Frans de Boel bị phát xít Đức bắt làm tù binh, sau đó được Đức trao trả, Frans de Boel bị cuốn theo vòng xoáy của những đội quân lê dương về vùng Đông dương xa xôi... Frans de Boel được phân công về đồn trú ở vùng Ái Nghĩa thuộc Điện Bàn, Quảng Nam cuối năm 1946.
Những năm làm lính và qua những lần trận mạc cùng với việc nhiều lần chứng kiến quân và dân vùng nam Trung bộ hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm người lính lê dương này bừng tỉnh nhiều điều. Frans de Boel tìm cách liên lạc chắp nối với quân du kích vùng Ái Nghĩa. Một đêm mưa lạnh, anh ta vác một bó súng về với quân du kích. Frans de Boel được chuyển giao cho bộ đội địa phương. Do quen thuộc và thông thạo cách bố phòng của đồn Ái Nghĩa nên trong một trận đánh cách thời điểm ra hàng không lâu, Frans de Boel dẫn đường cho quân ta nhổ gọn đồn Ái Nghĩa. Rồi hàng chục trận lớn nhỏ khác, Frans de Boel tham gia rất dũng cảm. Cho đến giữa năm 1948, Frans de Boel vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng CS Đông Dương.
“Cậu dòng dõi quí tộc à?’’ “Dạ, báo cáo Chính ủy, họ “đờ’’ của tôi ở vùng Bỉ giáp Pháp không phải như bên Paris mà chỉ là dân thường thôi ạ! Nhân đây tôi cũng xin đề đạt với Chính ủy một điều. Trong số cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn, tôi rất khâm phục đồng chí Phan Lăng đã hy sinh. Tôi muốn được lấy tên đồng chí ấy làm tên mình. Với lại âm “Frans’’ của tôi cũng na ná như “Phan’’ của tiếng Việt’’
Và từ thời điểm đó, Trung đội trưởng Frans de Boel đã trở thành Phan Lăng.
Những năm tháng gian khó của những đơn vị tình nguyện tại vùng Hạ Lào ở cao nguyên Atôpơ, bộ đội ta vừa phải tham gia đánh Pháp, đánh phỉ vừa phải giúp bạn xây dựng chính quyền cơ sở. Bộ đội phần lớn thiếu đói và bị bệnh sốt rét hành hạ. Phan Lăng dáng đã lòng khòng như càng lêu đêu thêm vì đói vì sốt rét nhưng không hề kêu ca.
Tôi hỏi vị cựu binh cao niên rằng cụ có tin tức gì của Phan Lăng không thì chất giọng của tuổi cửu tuần trở nên rành rọt không khó nhọc như lúc đầu.
Trong một trận đánh ác liệt, Phan Lăng bị thương rất nặng. Rồi bị bắt. Và từ đó chúng tôi bặt tin tức về Phan Lăng!
Một ngày mùa hè năm 1998- vẫn chuyện cụ Giao - tôi đang nằm nghỉ thì bà con trong khu tập thể báo có khách. Cái dáng lòng khòng và khuôn mặt xương xương, đầu bạc trắng của người đang đứng trước mình… Tôi tức khắc nhận ra đó là Frans de Boel - Phan Lăng! Tôi cũng không biết được bằng cách nào mà Phan Lăng tìm được địa chỉ của tôi. Hỏi chỉ khóc, khóc xong thì cười nhắc lại cái câu ngày trước tôi vẫn hay nói với anh em trong đơn vị "đường ở miệng chứ đường ở đâu!".
Pháp đưa tù binh Phan Lăng vào Sài gòn. Sau khi chữa trị vết thương Phan Lăng phải ra tòa vì tội phản quốc. Bị kết án 10 năm tù... Giam ở Sài Gòn rồi bị đưa về Pháp giam tiếp cho hết hạn tù. Năm 1963, Phan Lăng mới được tha và bị đuổi về quê quán là đất Bỉ.
Điều đáng khâm phục là những năm Mỹ đánh phá ác liệt, Phan Lăng đã viết thư gửi sang Việt Nam đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cho Phan Lăng được trở lại Việt Nam tham gia chiến đấu! Nếu đề nghị đó không được chấp thuận thì cho giữ Đảng tịch là ĐCSVN và cho Phan Lăng nhập quốc tịch Việt Nam. Nhưng lúc đó do nhiều nguyên nhân, nguyện vọng của Phan Lăng không thực hiện được!
Và bây giờ, cụ Phan Lăng đang đứng trước tôi đây trong một dịp vui đêm thu xứ Bỉ. Ấy là buổi khánh thành Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ nhân chuyến thăm Bỉ của Thủ tướng Phan Văn Khải mà cụ là khách mời của Đại sứ Phan Thúy Thanh.
Chỉ sau ít lời giới thiệu của Đại sứ Phan Thúy Thanh về cụ Phan Lăng, người quen thân của Sứ quán, tôi tức khắc nhận ra cụ già kia là đồng đội thân thiết của cụ Nguyễn Chính Giao. Tôi ôm lấy cụ già đầu phơ phơ bạc với cả phần ký ức ít ỏi từ những cuộc gặp cũng ít ỏi qua cụ Nguyễn Chính Giao. Trong vòng tay của tuổi tám mươi mốt ấy, bao ký ức hôi hổi vụt về!
Rằng, sau hai chuyến trở lại Việt Nam năm 98 và năm 99, mỗi lần sang cụ đi cùng một người con trai. Cụ lấy vợ khi ở tù ra, vợ người Bỉ gốc Pháp. “Nhiều bạn tù biết tôi tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam đã tỏ thái độ rất tốt với tôi và giúp đỡ tôi nhiều thứ. Xin sang Việt Nam chiến đấu không có hồi âm gì , hồi đó Bỉ chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì biết hỏi ở đâu?”.
Cụ đã nhận nuôi hai đứa con trai sau khi ly dị. Ba bố con thui thủi với nhau cho đến khi hai đứa có công ăn việc làm. “Tôi vẫn thường nói chuyện với các con tôi về quãng đời chinh chiến về những người bạn tốt nhất thế giới của tôi ở Việt Nam nên các cháu đã cho tôi tiền sang Việt Nam”.
Hai lần sang Việt Nam ấy, anh em trong đơn vị cũ của cụ nhiều người đã mất nhưng cũng còn người ở Hà Nội. Họ góp tiền để cụ ở khách sạn, đưa cụ thăm Vịnh Hạ Long, còn liên hệ với Đại sứ quán Lào cho cha con cụ sang thăm lại chiến trường xưa…
Cụ Phan Lăng đã được các phần thưởng lớn là Huân chương Độc lập của Việt Nam và Huân chương Itxara của Nhà nước Lào.
Chất giọng người lính già thoắt như bâng khuâng “Sứ quán Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt-Bỉ có công lớn việc nhỏ gì tôi cũng đều biết và thường xuyên lui tới. Không làm được gì thì đến chơi cho khuây khỏa. Như buổi khánh thành sứ quán hôm nay, giả thử không có ai mời nhưng tôi vẫn cứ đến!’’.
Cụ không bắt tay mà ôm lấy tôi lần nữa bởi vội cho kịp chuyến xe điện cuối ngày. Nhà cụ cách đây hơn một tiếng đi xe điện. Tôi ngậm ngùi nhìn dáng cụ tập tễnh thấp thoáng trong những chiếc lá vàng đang bứt ra từ hàng cây trước sứ quán cứ xoay tít trong làn gió thu lạnh.