75 năm ngày Độc lập: Cái thuở ban đầu dân quốc ấy

Nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên và con gái Đinh Tuyết Lan. Ảnh chụp trong ngày ông tiễn con gái lên đường đi Chiến dịch đường 9 Nam Lào
Nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên và con gái Đinh Tuyết Lan. Ảnh chụp trong ngày ông tiễn con gái lên đường đi Chiến dịch đường 9 Nam Lào
TP - Xin mượn lời thơ của Xuân Diệu để phần nào giải mã cái tình cùng nhiệt huyết của những lương dân Việt trước làn gió mới Cách mạng tháng Tám và Độc lập dân tộc.

Kỳ I : Chuyện ông Quản Liên

Năm xa ấy được về Xứ đạo Phú Nhai. Riêng lang thang quanh cái xã Xuân Phương từng góp cho giáo hội 64 vị linh mục và 2 đức Giám mục với đầy chuyện giờ mới kể đã mất cả ngày. Ấn tượng là cuộc ghé ngôi nhà cũ cất từ cái năm Bảo Đại thứ 3, nhà của  ông Quản Liên…

Mới 8 tuổi, cậu bé Điến đã được cha xứ chọn vào hội trắc phục vụ những đám rước nhà thờ. Hai thanh tre trong tay làm nên nhịp điệu nhịp nhàng và rộn ràng. Cậu bé Điến chín tuổi đã chơi được đàn hồ, đàn tam. Biết cử lưu thủy khi mừng khách và lâm khốc khi làng có đám. Mười tuổi đã thạo sáo. Mười ba tuổi đã chơi được kèn Tây pixtông... Ngoài khiếu nhạc lại vẽ giỏi nữa. Cha Phúc, chánh xứ Giao Lạc quý lắm, cho theo hầu luôn. Cha muốn rèn cặp cho cậu bé làng Phú Nhai có tài và sớm có ơn thiên triệu này sau sẽ làm linh mục! Con tên gì? Dạ thưa cha con là Đinh Đức Điến ạ. Tên này không hay. Từ nay con là Đinh Ngọc Liên. Rồi cha dùng bút lông viết một hàng chữ Hán bảo về đưa cho bố. Cha cậu bé giở ra liên sinh ư nê, bất nhiễm ư nê. Cha viết gì hở bố? Cậu được giải thích, tên cậu là hoa sen, mọc trong bùn mà không nhiễm thứ ô uế của bùn. Luôn phải sống trong sạch ngay thẳng...

Sau một kỳ thi trượt, mộng làm linh mục tan. Cậu phẫn chí về làng nhảy xuống một chiếc đò dọc đi làm thư ký thuyền buôn! Nhưng, việc cũng chả đâu với đâu. Lớn lộc ngộc vẫn thất nghiệp. Buồn tình cậu lấy vợ năm 17 tuổi. Nhưng những luỹ tre bít rịt của Phú Nhai không hãm được cậu. Giắt lưng hơn trăm bạc tiền dạy nhạc và dạy vẽ, cậu lên Hà Nội dự định thi vào Mỹ thuật Đông Dương. Khi số tiền đem theo đã cạn thì có người làng mách cậu nên tuyển vào chân lính kèn! Cậu hăng hái thử thì trúng. Mười lấy ba. Cậu đỗ đầu. Có sức về làng để lý trưởng áp đồng triện vào lý lịch. Tới lúc này ông bố cậu mới biết kêu trời! Tưởng lên Hà Nội làm gì chứ làm cái anh lính kèn? Sự thể đã vậy thôi cũng đành...

Nhưng cái nghiệp kèn nhà binh lại khơi dậy trong chàng thanh niên làng Phú Nhai ấy năng khiếu âm nhạc lẫn hội họa tưởng đâu suýt lún vào cõi mịt mùng.. Không biết có phải là may mắn không nhưng Đinh Ngọc Liên đã được sự rèn cặp trực tiếp dưới quyền của một viên quan tư kiêm nhạc sĩ người Pháp nổi danh ở Đông Dương khi ấy là C. Parmentier. 

75 năm ngày Độc lập: Cái thuở ban đầu dân quốc ấy ảnh 1 NS. NSND Đinh Ngọc Liên và NS Văn Cao


Nhớ lần được ngồi với ông Đinh Ngọc Hiến, một trong số con trai của Đinh Ngọc Liên trong một căn hộ ở khu tập thể quân đội ở phố Phạm Ngũ Lão. 

Ông Hiến bồi hồi  trong nghiệp kèn nhà binh, không rõ ông cụ tôi có thuộc vào loại thăng tiến nhanh hay không? Mười lăm năm, từ năm 1930 cho đến năm 1945 từ lính trơn chú quyền rồi bác bếp tiếp đó là thầy cai kèn, ngài đội kèn, quan phó quản rồi quan chánh quản.

Một chàng Quản Liên ngơ ngác trong những ngày Nhật đảo chính Pháp.  Phải miệt mài viết những tổng phổ, những phối âm phối khí cho các ca khúc mang hơi hướng Đại Đông A như Việt Nam minh châu trời đông. Trên đường hưng quốc… Và đặc biệt là giai điệu tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước đã vang lên trong một dạ hội của thanh niên sinh viên Hà Nội trong năm 1943! Cuộc hạnh ngộ giữa Lưu Hữu Phước và Đinh Ngọc Liên bắt đầu từ thời điểm ấy. 

Ông cụ tôi chỉ biết kèn, chỉ biết nhạc là thứ tối thượng trên đời... Vẫn chuyện ông Hiến kể. Buổi sáng 19/8  khi ta vào cướp Trại Bảo an binh thì ông Quản Liên đang ngay ngắn ở vị trí làm việc của mình trong trại. Ông không hề biết một tí nào thời cuộc đã đổi thay? Mấy viên đội hốt hoảng ào vào hỏi chỉ huy thì Quản Liên  tỉnh bơ tôi chỉ biết kèn không biết súng! Chỉ khi ông Vương Thừa Vũ dẫn quân vào trại Bảo an binh thấy Quản Liên đang ngồi như Bụt mọc và chả hiểu vì sao ông Vương Thừa Vũ biết Quản Liên nghiện thuốc lào đã hỏi độp luôn điếu của cậu đâu? Sau này Đinh Ngọc Liên có bộc bạch rằng thời điểm đó ông chưa hề biết cách mạng là gì, Việt Minh là chi nhưng nội động thái thân mật mượn điếu ấy của người chỉ huy và ông gần như được giác ngộ ngay cái lúc hai người cùng nhau nhả khói thuốc lào như thế! 

Theo lời kể rủ rỉ của ông Hiến, tôi cố hình dung ra những ngày hoạt động sôi nổi gần như hết mình của Ban âm nhạc Vệ quốc quân do Đinh Ngọc Liên phụ trách...  Chiều 2/9 ở Quảng trường Ba Đình, Đinh Ngọc Liên hơi hoảng suýt rơi cả đũa chỉ huy dàn nhạc binh tấu Tiến quân ca bởi khi biết người đọc Tuyên ngôn độc lập không phải Nguyễn Ái Quốc như ông đinh ninh mà là Hồ Chí Minh, một cụ già gầy gò!

Những ngày đoàn quân nhạc phục vụ Tuần Lễ vàng và Tổng tuyển cử là thời điểm đáng nhớ. Anh em trong đội nhạc binh không có vàng để góp nhưng bất kỳ ai nộp một lạng hoặc một chỉ thì đội nhạc binh đều tấu một khúc mừng. Vác kèn chạy bộ khắp thành phố sang tận Gia Lâm trong những ngày Tổng tuyển cử. Rồi bất ngờ Đinh Ngọc Liên  vinh dự nhận được thư của Hồ Chủ tịch.

Thân gửi Ban âm nhạc Vệ Quốc quân. Hôm nay ngày 6/1 ngày Tổng tuyển cử, anh em đã nô nức đi cổ động khắp Thủ đô từ sáng sớm đến chiều làm cho ngày tuyển cử được tưng bừng vui vẻ và kết quả. Bác thay mặt những ứng cử viên của Thủ đô Hà Nội cám ơn và khen ngợi anh em. Chào thân ái. Hồ Chí Minh.

 Lần Bác đi thăm Pháp  năm 1946 về, Bác đã đến thăm đoàn quân nhạc và tặng cho chú Liên một gói quà to. Người tưởng kẹo (vì khá nặng) người tưởng quần áo nhưng mở ra thì là phụ tùng của các loại kèn. Anh em mừng đến phát khóc vì nhiều nhạc cụ bị treo lâu nay do thiếu đồ thay thế... Trời ơi, bận trăm công ngàn việc mà sao Bác lại biết được điều nhỏ nhặt này nhỉ? 

70 hòm nhạc cụ, 30 hòm đựng các bản tổng phổ gập ghềnh lử cò bợ qua những trận sốt rét rừng và máy bay săn lùng của giặc Pháp theo đoàn quân nhạc lên Việt Bắc phút chốc tan tành sạch bách trong đợt Pháp nhẩy dù tháng 10/1947. Đinh Ngọc Liên ra sức cùng anh em vực đoàn quân nhạc dậy bằng nhiều cách. Nhân quốc khánh năm 1949, ông được thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3 về thành tích này.

Trên tường nhà ông Hiến nhấp nhánh bức ảnh Bác Hồ đang tươi cười bắt tay chú Liên trong một buổi biểu diễn thành công những ngày miền Bắc hoà bình kiến thiết... 

425 nhạc công trong đoàn quân nhạc trong đó có một đại đội sáo trúc đã thăng hoa thêm niềm vui của dân Thủ đô ngày tiếp quản cũng như đợt  đón Bác Hồ và Trung ương Đảng về lại thủ đô. Buổi chỉ huy đó, Đinh Ngọc Liên đã khóc. Và những giọt nước mắt ấy lại dàn ra dưới trời mưa dịp chỉ huy đoàn nhạc binh tấu những giai điệu buồn đưa tang Bác luôn mấy ngày tháng 9/1969.

Đội nhạc binh của nhà làm được đã trỗi những giai điệu hào hùng lần Đinh Ngọc Liên được phong tặng Thiếu tá rồi Trung tá QĐND Việt Nam. Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú rồi Nghệ sĩ nhân dân. Rồi cả những ngày cuối khi ông ra đi thanh thản ở tuổi tám mươi... Hình như ông lại thêm một lần nhẹ nhõm ra đi trong âm điệu trầm buồn của bài Hồn tử sĩ bởi lễ tang ông ở Viện Quân Y 108 đã có mặt đội quân nhạc mà cả đời ông đã trút hết tâm sức gây dựng chăm bẵm! (Còn nữa)

MỚI - NÓNG