Cụ Hãn bản tính kín tiếng. Một nhà khoa học, một học giả tinh thông nhiều lĩnh vực, đặc biệt là toán học, sử học… Từng tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng ở Paris ông chỉ xuất hiện các trước tác về chuyên môn, chuyên ngành rất ít bộc bạch những chuyện riêng tư. Nhưng qua câu chuyện của bà Cúc được vỡ vạc thêm nhiều điều về vị học giả kín đáo này. Hóa ra hành động tham gia tổ chức Thanh niên tiền tuyến rồi tiếp đó có chân trong nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim giữ chân Bộ trưởng Bộ Văn hóa giáo dục.
Và sau này giữ chức Trưởng Ban Chính trị Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) tại Hội nghị Đà Lạt cùng với các yếu nhân như Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu… với tinh thần chống thực dân, độc lập, dân tộc là chủ đạo xuyên suốt nhất quán trong việc làm, hành động của mình. Thời điểm trước và sau Cách mạng tháng Tám, quan điểm lập trường đó của học giả Hoàng Xuân Hãn có sức cảm hóa ảnh hưởng và điều chỉnh những người thân, đặc biệt là những người em của học giả!
Trở lại câu chuyện của người em gái học giả. Cụ thân sinh bà Cúc học Nho. Thuở nhỏ nhà nghèo lắm phải lấy lá chuối khô ép phẳng ngồi trên lưng trâu mà học.
Hai cụ sinh được 8 người con cả thảy. Thứ tự là Hoàng Xuân Vân, Hoàng Xuân Hồng, Hoàng Thị Hảo, Hoàng Xuân Hãn, Hoàng xuân Mẫn, Hoàng Xuân Hà, Hoàng Thị Cúc và út là Hoàng xuân Bình. Hai người con trai đầu là Hoàng Xuân Vân, Hoàng Xuân Hồng bị chết oan trong cải cách ruộng đất (về chuyện đó xin được nói vào một dịp khác. Cũng như bà chị Hoàng Thị Hảo có một người con trai duy nhất là liệt sĩ lâu nay cũng chưa thấy báo chí hay tài liệu nào đề cập). Người con thứ năm là Hoàng Xuân Mẫn, theo bà Cúc, là một người thành đạt cũng như may mắn thuộc loại nhất nhà. Ông Mẫn sang Pháp trước Cách mạng tháng Tám khá lâu.
Hồi trong nước ông bà bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn đã nổi tiếng thế phiệt trâm anh. Bà vợ ông Mẫn là con gái nhà tư sản nổi danh Võ Đình Dung làm nghề thầu khoán có hơn 80 biệt thự ở Đà Lạt và khắp nước. Năm 1946, Hồ Chủ tịch sang Paris với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Hoàng Xuân Mẫn dẫn đầu khối trí thức Việt Nam nghênh đón Bác tại sân bay Lơ Buốc - giê. Ngay ngày hôm sau, thủ đô Paris của nước Pháp bất ngờ bởi sự kiện Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam DCCH đã phấp phới bay mấy giờ đồng hồ trên gác chuông Nhà thờ Đức Bà. Người ta bất ngờ bởi nơi ấy gần như là biểu tượng của nước Pháp xưa nay không có bất kỳ thứ gì có thể “ngự’’ trên đó cả...
Về những ngày ở Hội nghị Đà Lạt, cũng như sự kiện Bác Hồ đích thân mời Hoàng Xuân Hãn tháp tùng riêng Bác trong cuộc gặp riêng Tổng Cao ủy D’Argenlieu… Và đức nhẫn nhịn của cụ Hãn trước biến cố mất mát có hai người anh ruột chết oan trong cải cách ruộng đất; về những đóng góp thầm lặng của cụ cho Bộ Ngoại giao; về tài liệu chủ quyền Biển đảo quốc gia… xin được khất bạn đọc một dịp khác!
Sau này người ta đã tìm ra… thủ phạm chính là bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn. Bác sĩ phân trần trước các nhà chức việc và cảnh sát về hành động của mình là do thích quá, sướng quá bởi lần đầu tiên chứng kiến Lễ đón Hồ Chủ tịch, các nhân vật hàng đầu của nước Đại Pháp đã phải cúi đầu trước quốc kỳ của một nước thuộc địa Pháp thì hà cớ chi lại không trưng sắc cờ đỏ sao vàng ấy lên cho thiên hạ một phen... lác mắt!
Thời gian Bác Hồ lưu tại Pháp, bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn đã góp nhiều công sức hằng tâm lẫn hằng sản nhiệt thành giúp đỡ phái đoàn ta. Một việc mà chắc bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn mãi ngậm cười nơi chín suối là ông đã tiến cử người bạn thân của mình là Phạm Quang Lễ với Bác Hồ. Sau này người bạn kỹ sư ấy đã trở thành niềm tự hào của giới trí thức lẫn mọi lương dân nước Việt: Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Tập album ảnh gia đình bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn vẫn còn lưu tấm ảnh đã ngả màu chụp Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp Moutée đứng cạnh bác sĩ Hoàng Xuân Mẫn và Bác Hồ trong chuyến thăm lịch sử năm 1946 ấy.
Dạo bà Cúc sang Pháp thăm anh trai Hoàng Xuân Hãn, ông Hoàng Xuân Mẫn có dặn lại em gái mình là hồi Bác Hồ sang Pháp năm 1946, vì là bác sĩ nhãn khoa nên ông có biếu Bác một số cặp kính dùng cho người cao tuổi. Bây giờ Bác không còn nữa nhưng một Bảo tàng về Bác nay mai nếu có thì nên sưu tầm lấy nếu không đủ thì tìm lấy một cặp kính lão để làm kỷ niệm. Sau này, Hội nghị Paris về Việt Nam diễn ra nhiều năm, gia đình bác sĩ Hoàng xuân Mẫn cũng nhiệt tâm giúp đỡ phái đoàn ta nhiều việc.
Các cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy đã có dịp ghé qua nhà ông bà... Bác sĩ có 5 người con, hầu hết thành đạt. Có mấy người con đều nối được nghiệp bố. Bác sĩ nhãn khoa Hoàng Xuân Thanh ngoài 30 tuổi đã được Đài truyền hình TF1 của Pháp bình chọn là 10 ngôi sao khoa học nổi tiếng của nước Pháp. Còn bác sĩ nhãn khoa Hoàng Xuân Mai lấy nhà báo Lapbé, một đảng viên cộng sản Pháp có thời gian hoạt động hợp pháp dưới chế độ Sài gòn với những bài báo nổi tiếng trên các tờ Lumanité, Le Nouvel observateur (Hồi tháng 5 năm 2000 sang Paris, tôi đã có cuộc gặp với nhà báo Lapbé. Anh là bạn thân với nhà báo Phương Nam PV báo Tiền Phong mấy năm ở Trại Davis Tân Sơn Nhất).
Còn người con trai thứ, anh ruột bà Cúc là bác sĩ Hoàng Xuân Hà. Bác sĩ Hà nhiều năm là cộng sự đắc lực của bác sĩ Vũ Văn Cẩn, sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế. Hai người có công thành lập Cục Quân y.
Người con trai út Hoàng Xuân Bình từng được lựa chọn kỹ càng trong những người có vinh dự làm công tác đặc biệt. Năm 1945, ông được chọn làm vệ sĩ cho Cố vấn Vĩnh Thuỵ (Bảo Đại) trong những ngày ngắn ngủi được Bác Hồ mời ra Hà Nội. Sau này, Hoàng Xuân Bình được Bác Hồ đích thân chọn đi bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvong về Lào cùng với con trai cụ Lê Thước là Lê Thiện Huy. Lần đó khi đưa Hoàng thân vượt sông Mê Công, cả nhóm rơi vào ổ phục kích của địch, Lê Thiện Huy đã lấy thân mình che cho Hoàng thân, Lê Thiện Huy hy sinh, Hoàng Xuân Bình đưa Hoàng thân về căn cứ an toàn. Sau này Hoàng Xuân Bình về hưu và mất ở TPHCM.
(Còn nữa)