65 người chết và mất tích do mưa lũ

65 người chết và mất tích do mưa lũ
Tình hình lũ tại một số nơi đang giảm dần; hiện nay công tác cứu trợ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là người dân tại các vùng vùng sâu, vùng xa nơi cứu hộ khó khăn...
65 người chết và mất tích do mưa lũ ảnh 1

Trong đợt lũ quét sáng ngày 5/10, tại xã Nậm Giải, huyện miền núi biên giới Quế Phong ,tỉnh Nghệ An đã có 14 người chết và mất tích. Trong ảnh : Những ngôi nhà dân còn lại tại bản Pục và bản Méo xã Nậm Giải sau lũ .ảnh : Lan Xuân TTXVN

Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Bùi Nguyên Hồng cho biết như vậy tại cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ sau cơn bão số 5 do Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương tổ chức sáng 8/10, tại Hà Nội.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến 20h ngày 7/10, các tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ có 51 người chết và 14 người mất tích do mưa lũ khi bão số 5 đổ vào. Cụ thể, Sơn La: 7 người chết và 3 người mất tích; Hoà Bình: 9 người chết và 3 người mất tích; Ninh Bình: 4 người chết do lũ cuốn trôi;

Thanh Hoá: 6 người chết và 3 người mất tích; Nghệ An: 22 người chết và 3 người mất tích; Yên Bái: 1 người chết và 1 người mất tích; Thừa Thiên Huế 1 chiến sĩ biên phòng mất tích do bị lũ cuốn trôi; Hà Tĩnh: 1 người chết và Quảng Bình: 1 người chết do lũ cuốn.

Ngoài ra, mưa lũ đã làm gần 6.000 ngôi nhà bị đổ, sập; 51.794 nhà bị ngập, hư hỏng; 213 trụ sở cơ quan, công trình công cộng bị hư hại; 120.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; gần 841.815 m3 đất bị sạt lở.

Tính đến 7 giờ sáng 8/10, tình hình ngập lụt tại các tỉnh như sau : Tỉnh Thanh Hoá có 33.195 hộ bị ngập. Các tuyến Quốc lộ, đường liên huyện qua các huyện miền núi bị sạt lở 150km, gây ách tắc giao thông, đặc biệt các tuyến đường thuộc xã Thạch Định, Thành Hưng, Thành Kim và thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành) và một phần các xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hưng, Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc) đều bị ngập, đi lại duy nhất bằng đường thủy (ca nô, xuồng máy).

Các hộ dân đã được sơ tán khỏi vùng nguy hiểm (trong đó có khoảng 14.000 người tại khu vực các xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hưng, Vĩnh Long).

Tại Ninh Bình, do nước sông Hoàng Long rút chậm, mực nước ngoài sông và trong vùng phân, chậm lũ vẫn vượt trên đỉnh tràn. Các xã vùng ngập lụt là các khu vực được quy hoạch để chủ động cắt đỉnh lũ sông Hoàng Long. Đây là các vùng có địa hình tự nhiên thấp nên nước rút rất chậm.

Ở Nghệ An, tại huyện Quế Phong mực nước trên các nhánh sông chính đã rút được trên 2,0m so với đỉnh lũ nhưng còn cao hơn mực nước bình thường khoảng 1,0m. Các khu vực khác, lũ đang rút nhanh. Nước trên các sông huyện Quỳ Châu đang rút nhanh và trở lại mức bình thường, các khu dân cư không còn bị ngập (chỉ còn ngập diện tích canh tác).

Tại tỉnh Sơn La, mưa đã giảm nhiều, nước trên các sông suối đã rút nhanh, các khu dân cư không còn bị nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở nhiều đoạn gây ách tắc giao thông, tại quốc lộ 6 đoạn từ Đồng Bảng đến thị trấn Yên Châu có 35 điểm bị sạt lở.

Tại Hoà Bình, ở hầu hết các khu dân cư, nước đã rút không còn nguy hiểm, đến tối 7/10 chỉ còn ngập lụt tại các tuyến đường giao thông và đồng ruộng (quốc lộ 6 bị ngập sâu 1,0m đến 2,0m tại 2 đoạn Km131 và Km 155 - 156 thuộc huyện Mai Châu, nhiều tuyến tỉnh lộ bị ngập).

Ở Thanh Hoá, các tuyến đê sông Mã, sông Lèn, sông Chu vẫn an toàn. Nhìn chung, đến thời điểm này đê ở Thanh Hóa được giữ an toàn.

Tại Ninh Bình, đập tràn Lạc Khoái mực nước xấp xỉ tràn cứng; đập tràn Gia Tường, nước vẫn ngập mặt tràn khoảng 0,2m; đập tràn Đức Long nước vẫn ngập mặt tràn khoảng 0,6m. Các tuyến đê ở Nghệ An hiện chưa có sự cố gì.

MỚI - NÓNG