SXH đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM. Hiện tại, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc, 17 người tử vong vì SXH.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 12,6%.
Số ca mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, giảm ở miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực miền Bắc tăng cao, tập trung chủ yếu ở Hà Nội. Hiện 61 tỉnh, thành phố ghi nhận có trường hợp mắc SXH.
Trong 7 tháng đầu năm, 27 trường hợp nhiễm virus Zika đã được phát hiện tại 7 tỉnh, thành phố. Trong tổng số 638 mẫu xét nghiệm, cao nhất là TPHCM.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 6/7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca bệnh do virus Zika tại 12 quận, huyện và 19 phường xã. Trong đó, 13 phụ nữ mang thai lúc bệnh và đến nay còn 8 thai phụ đang tiếp tục thai kỳ, 5 thai phụ đã kết thúc thai kỳ (1 bỏ thai, 1 sảy thai và 3 thai phụ đã sinh).
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ca bệnh SXH gia tăng nhanh chóng, tích lũy từ đầu năm đến nay, thành phố có hơn 6.000 trường hợp mắc, trong đó đã có 3 ca tử vong do SXH.
Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, Thanh Nhàn, Đống Đa có lượng bệnh nhân đông nhất. Hiện nay khá nhiều bệnh nhân mắc SXH của Hà Nội đang nằm điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư, trong đó nhiều nhất là bệnh nhân đến từ quận Đống Đa."SXH có thể phòng được và chữa được. Do đó, cần phải truyền thông mạnh hơn nữa, tới tận các xã, phường để người dân có ý thức vệ sinh tại chỗ ở, để phòng chống loại muỗi gây bệnh sinh sản"
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Theo ông Hạnh, thông thường, đỉnh dịch SXH rơi vào tháng 9 và tháng 10. Nhưng năm nay, mới tháng 7 Hà Nội đã rơi vào đỉnh dịch. Dịch SXH trên địa bàn còn có thể kéo dài đến cuối năm 2017.
Dự báo, tháng 9 và tháng 11 tiếp tục có những đỉnh dịch mới với số mắc có thể vượt những kỷ lục trong 10 năm gần đây (năm 2009 có 16.000 ca, năm 2015 hơn 15.000 ca).
Dự báo của chuyên gia y tế, trước tình hình diễn biến phức tạp của SXH, dịch bệnh do virus Zika có nguy cơ tái bùng phát là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay, bệnh do virus Zika có nhiều điểm tương đồng với SXH với biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Điều này khiến nhiều người nhầm lẫn giữa hai bệnh. Ông khuyến cáo khi xuất hiện các triệu chứng sốt, mệt mỏi, nhức đầu thì nên đi khám. “Chỉ có xét nghiệm mới biết chính xác đó là bệnh do virus Zika hay SXH” - ông Phu nói.
Tiến Vũ Đức Chính - Trưởng khoa Côn trùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thông tin, muỗi vằn được sinh ra sẽ mang virus đó trên mình. Chúng chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà (ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp), hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây. Khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời.
Thời điểm trời mưa hay nắng lên là thời điểm muỗi vằn phát triển mạnh. Trứng của chúng có thể chịu được khô hạn tới hơn một năm và vẫn nở ra loăng quăng khi gặp nước. Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu SXH và bệnh do virus Zika, vắc xin phòng bệnh còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, do năm nay nóng nhiều, mùa mưa đến sớm và có áp thấp nhiệt đới, tạo môi trường muỗi truyền bệnh SXH sinh sản nhanh. “Tôi đề nghị các cơ cở y tế cần nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch và không được chủ quan. Một mặt phòng chống bệnh SXH, mặt khác sẵn sàng đáp ứng với những bệnh do biến đổi thời tiết, mưa lũ, áp thấp nhiệt đới như tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, da liễu, viêm não Nhật Bản…” – Bộ trưởng nói.
Để hạn chế dịch bệnh lây lan, Bộ trưởng nhấn mạnh biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt loăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước, tuyên truyền cho từng người dân. Bên cạnh đó, đối với các ca đã mắc bệnh, các bác sĩ nhất định phải cứu chữa kịp thời, hạn chế tử vong, không để dịch lan rộng. Đặc biệt, các cơ sở y tế không được để xảy ra tình trạng quá tải, nằm ghép, bệnh nhân vào viện phải được tiếp đón kịp thời.
“Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục cho tập huấn xử lý dịch bệnh SXH tại cả ba miền. Đặc biệt, cần phân tuyến và chuyển tuyến để tránh tình trạng bệnh nhân nặng thêm khi chuyển tuyến; chấm dứt tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép để lây bệnh chéo, nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện. Các cơ sở y tế cần phải tăng cường tổ chức khám, điều trị ban ngày để điều trị kịp thời, cố gắng không để tử vong xảy ra” – bà Kim Tiến yêu cầu.
10 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước là TP. HCM (13.429 trường hợp mắc), Bình Dương (4.879), Hà Nội (4.577), Đà Nẵng (4.563), Đồng Nai (2.484), An Giang (2.457), Đồng Tháp (1.707), Sóc Trăng (1.675), Khánh Hòa (1.554), Long An (1.442).