Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, bà Dhana Kumari Bajracharya, người đã thực hiện cuộc sống tu hành từ khi 2 tuổi, kể lại thời gian tại vị suốt 30 năm cũng như nỗi khổ khi phải bất ngờ từ bỏ địa vị từ những năm 1980. Trước khi trận động đất 7,8 độ richter xảy ra hôm 25/4, bà Bajracharya chỉ xuất hiện trước dân chúng trên chiếc kiệu gỗ trang trí cầu kỳ. Vị thánh sống (tên địa phương là kumari) của quốc gia vùng Himalaya sống ẩn dật và hiếm khi phát biểu trước đám đông vì bị ràng buộc bởi các yếu tố Ấn Độ giáo và Phật giáo kết hợp.
Nhưng khi trận động đất dữ dội kéo nhà cửa thành đống đổ nát và giết chết 8.800 người, bà Bajracharya, năm nay 63 tuổi, rời khỏi nơi ẩn dật ở thành phố Patan lịch sử, ở phía nam thủ đô Kathmandu, lần đầu tiên trong suốt 3 thập kỷ qua, và cũng là lần đầu tiên đi bộ. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến cảnh rời khỏi nhà như thế này”, bà Bajracharya nói. Bà cho rằng “có lẽ các vị thần giận dữ vì người dân không tôn trọng truyền thống nhiều như xưa”.
Khi động đất làm rung chuyển ngôi nhà 5 tầng của “nữ thần”, gia đình bà Bajracharya vẫn bám trụ bên trong, đợi xem bà có phá bỏ truyền thống và ra ngoài với họ hay không. “Chúng tôi không thể ra khỏi nhà bình thường như những người khác, vì chúng tôi phải nghĩ đến bà ấy. Chúng tôi không biết phải làm gì”, Chanira, cháu gái bà Bajracharya, kể. “Nhưng khi thiên nhiên buộc bạn phải làm như vậy, bạn sẽ phải làm điều không thể tưởng tượng được”, Chanira nói.
Bà Bajracharya được chọn làm kumari của Patan khi mới chỉ 2 tuổi. Theo truyền thống địa phương, kumari được chọn trong cộng đồng Newar từ trước tuổi dậy thì và được coi là hiện thân của nữ thần Hindu Taleju. Người được lựa chọn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn chặt chẽ và phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra tỉ mỉ, để bảo đảm cơ thể không tì vết, ngực đẹp như sư tử và đùi đẹp như nai.
Nữ thần sống ở thủ đô Kathmandu phải chuyển đến nơi ở chính thức, còn kumari của người Patan được phép sống cùng gia đình, nhưng chỉ được xuất hiện trong những ngày lễ và được rước trên kiệu qua thành phố để mọi người tôn thờ. “Tôi thích nhất là được ra ngoài vào những ngày lễ”, bà Bajracharya nhớ lại cảnh tượng được các tín đồ xếp hàng và háo hức chờ được bà ban phúc.
Theo truyền thống, kumari của người Patan bị truất ngôi khi bắt đầu có kinh nguyệt, và vì Bajracharya chưa từng có kinh nên vẫn tại vị cho đến tuổi 30. Năm 1984, vị hoàng tử kế vị của Nepal hồi đó là Dipendra (người đã thảm sát cả gia đình 17 năm sau đó) đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi rồi cuối cùng dẫn đến việc Bajracharya phải từ bỏ ngôi vị. “Tại sao cô ấy già như vậy?”, vị hoàng tử 13 tuổi đã hỏi như vậy khi nhìn thấy Bajracharya trong một dịp lễ, khiến các vị giáo sĩ phải thay thế Bajracharya bằng một bé gái.
Việc bị đột ngột phế bỏ tước vị “nữ thần” đến nay vẫn khiến bà Bajracharya đau đớn. “Họ không có lý do gì để thay thế tôi. Tôi vẫn còn thấy giận… Tôi cảm thấy nữ thần vẫn ở trong tôi”, bà Bajracharya nói. Bị buộc phải từ chức, Bajracharya quyết định tiếp tục sống cuộc đời mà bà đã quen, không từ bỏ nhiệm vụ của mình và luôn cách biệt với thế giới bên ngoài.
Mỗi sáng thức dậy, Bajracharya vẫn mặc chiếc váy thêu đỏ giống như chiếc váy bà mặc suốt những năm làm kumari, vẫn kẻ đuôi mắt cong vút, vẫn vấn tóc và trang trí giống như một nàng chim sặc sỡ. Vào những dịp đặc biệt, bà dùng bột đỏ và vàng để vẽ con mắt thứ ba giữa trán, rồi ngồi vào chiếc ngai gỗ được trang trí hình rắn màu đồng.
Khi Bajracharya còn là kumari chính thức, các tín đồ được đón tiếp vào các ngày thứ Bảy và trong những dịp lễ tại căn phòng riêng ở tầng 3, trong khi 2 tầng dưới của ngôi nhà gạch đỏ được cho thuê làm cửa hàng và dịch vụ tài chính. “Các giáo sĩ làm việc họ phải làm, nhưng tôi không thể từ bỏ trách nhiệm của mình”, bà Bajracharya nói. Tuy nhiên, bà Bajracharya có một số nhượng bộ trước cuộc sống hiện đại. Bà rất thích xem TV, đặc biệt là các chương trình thời sự và phim thần thoại Ấn Độ. Từ khi động đất xảy ra, bà Bajracharya dành hầu hết thời gian chăm chú cầu nguyện.