5 ưu tiên của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam

Ngài đại sứ Mỹ trao quà cho trẻ em làng SOS Việt Nam dịp Giáng sinh. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ngài đại sứ Mỹ trao quà cho trẻ em làng SOS Việt Nam dịp Giáng sinh. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Tân đại sứ Mỹ Ted Osius  trình quốc thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đúng một ngày sau khi đặt chân tới Việt Nam. Ngày 24/12, ông dành buổi tiếp khách đầu tiên trên cương vị đại sứ để tổ chức lễ đón Giáng sinh đầm ấm cho 50 trẻ em làng SOS. Đại sứ Osius khẳng định sẽ tập trung ưu tiên vào 5 lĩnh vực trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, trong cuộc trao đổi riêng với Tiền Phong sau khi mới nhậm chức chưa đầy 10 ngày.

Ông là một trong những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Nay được bổ nhiệm làm tân đại sứ, cảm tưởng của ông ra sao khi trở lại Việt Nam?

Việc được bổ nhiệm làm đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã biến ước mơ của tôi thành hiện thực. Đó là sự thật. Khi tôi sang đây lần đầu tiên, tôi cảm thấy vinh dự rất lớn vì góp phần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi thích thú khi có cơ hội giúp Mỹ kết bạn tại mảnh đất từng chỉ khiến người Mỹ nhớ về một cuộc chiến tranh.

Bây giờ quay trở lại Việt Nam làm đại sứ quả thực là vinh dự rất lớn, không thể diễn tả hết được đối với tôi. Trở thành tân đại sứ khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi nghĩ đây là thời điểm rất đặc biệt và với tôi ước mơ nay đã trở thành sự thật.

Tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội trong thời gian này để phát triển mối quan hệ lâu dài giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước. Tôi muốn nói rằng tôi rất vinh hạnh được quay trở lại Việt Nam. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ hiểu biết và gần nhau hơn.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng giữa hai nước thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ sắp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ? Liệu hai nước có nâng cấp cao hơn mức quan hệ đối tác toàn diện hiện nay?

5 ưu tiên của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam ảnh 1

Tân đại sứ Mỹ Ted Osius

Theo tôi, dù cái tên là quan hệ đối tác toàn diện hay quan hệ đối tác chiến lược không quan trọng, mà nội dung của quan hệ đối tác mới là vấn đề cốt yếu. Chúng ta đang có rất nhiều cơ hội để xây dựng một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa hai nước. Như Ngoại trưởng John Kerry đã nói, Mỹ ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, độc lập và thịnh vượng, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền.

Việt Nam sẽ là một đối tác rất quan trọng của Mỹ trước những thách thức khu vực và toàn cầu. Tôi nghĩ trong thời gian này, nhất là trong năm 2015 tới chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ Mỹ-Việt. Ví dụ, chúng ta có Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), đó là một công cụ rất quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước phát triển vượt bậc.

Tôi nghĩ cũng sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực an ninh, đặc biệt là vấn đề an ninh hàng hải, giúp thúc đẩy thành công hơn nữa quan hệ song phương Mỹ - Việt. Ngoài ra, còn có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực giáo dục. Hai nước có thể tăng cường trao đổi sinh viên và trong tương lai gần, tôi hy vọng sẽ có một trường đại học Fulbright tại Việt Nam.

Trước đây Mỹ đã có Chương trình giảng dạy Fulbright về kinh tế rất hiệu quả. Tôi hy vọng trường đại học Fulbright sẽ sớm được thành lập tại TPHCM cũng sẽ đóng góp nhiều vào sự phát triển của Việt Nam. Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học, y tế và môi trường. Quản lý nhà nước cũng là một lĩnh vực có rất nhiều cơ hội để trao đổi ý kiến giữa hai nước.

Xin đại sứ cho biết những ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác của ông tại Việt Nam là gì?

Trước hết là các vấn đề kinh tế và thương mại. Như tôi đã nói, chúng ta có một công cụ quan trọng là Hiệp định TPP. Ưu tiên thứ hai là hợp tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Ưu tiên thứ ba là vấn đề an ninh, nhất là an ninh hàng hải. Thứ tư là đẩy mạnh hợp tác giáo dục, tăng cường trao đổi sinh viên và sớm xây dựng trường đại học Fulbright của Mỹ tại Việt Nam. Thứ năm là thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, y tế và môi trường.

Nhiều quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoan nghênh chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhưng có ý kiến lo ngại do Mỹ đang bị vướng bận ở nhiều nơi như cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay quan hệ với Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, ông nghĩ liệu Mỹ có đủ các nguồn lực để thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á?

Tôi nghĩ Hoa Kỳ là nước lớn và có thể tập trung vào chiến lược “xoay trục” sang châu Á, nhưng đồng thời cũng vẫn đủ sức giải quyết vấn đề Trung Đông và Ukraine. Không có vấn đề gì cả. Về chiến lược xoay trục châu Á, theo tôi khu vực Đông Nam Á là trung tâm của chiến lược này và việc xây dựng quan hệ đối tác với nhiều quốc gia Đông Nam Á là rất hệ trọng. Philippines và Thái Lan đã là đồng minh của Hoa Kỳ.

Chúng tôi có một đối tác rất quan trọng là Singapore và Indonesia là đối tác toàn diện. Hoa Kỳ đã làm việc rất nhiều để xây dựng quan hệ bền vững với các đối tác trong khu vực này. Và rõ ràng một điều rất quan trọng là Mỹ cũng đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Tôi cho rằng đây là mối quan hệ đối tác tôn trọng lẫn nhau, rất hữu ích và nhiều thuận lợi cho cả hai bên. Hai nước chúng ta tôn trọng nhau và cùng xây dựng, vun đắp mối quan hệ sâu sắc.

Các nước trong khu vực có thể trông cậy vào Hoa Kỳ. Hoa Kỳ mong muốn xây dựng quan hệ đối tác sâu sắc với Việt Nam và không để nước nào khác gây ảnh hưởng tới vấn đề này. Các quốc gia Indonesia, Thái Lan, Philippines hay Việt Nam không bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ hay Trung Quốc. Chúng tôi có mối quan hệ tốt, chặt chẽ với Trung Quốc và chúng tôi hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ này.


Ông có nghĩ trong nhiệm kỳ đại sứ của ông, Tổng thống Obama sẽ sang thăm Việt Nam?

(Cười) Tôi sẽ dành chuyện này cho cuộc gặp lần sau vì chúng ta chắc chắn còn gặp lại.

Tân đại sứ Ted Osius có bằng ngành xã hội học tại Đại học Harvard và bằng thạc sĩ về kinh tế quốc tế và chính sách đối ngoại Mỹ tại trường Cao học về Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) thuộc Đại học Johns Hopkins năm 1989. Trong 25 năm làm ngoại giao, ông Osius dành phần lớn thời gian làm việc ở châu Á, như các nước Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Philippines. Ông có thể nói tiếng Việt, Pháp, Ý; biết ngôn ngữ Hindi, Thái, Nhật và Indonesia. Công việc gần đây nhất của ông là làm giáo sư trường National War College. Đại sứ cũng từng là một nhà nghiên cứu kỳ cựu ở Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế Mỹ (CSIS). Ông Osius từng hỗ trợ đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson, sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Ông cũng từng đại diện phó Tổng thống Al Gore, tham gia đội chuẩn bị hiệp định thương mại song phương với Việt Nam, tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam năm 2000. Ông là một trong các chính khách Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.


MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.