Theo thông tin của Tiền Phong, hiện Bộ Công Thương đã hoàn tất danh sách khung các gương mặt ứng viên sẽ ngồi các “ghế nóng” Tổng cục trưởng và Tổng cục phó Quản lý Thị trường để công bố trong ít ngày tới.
Việc ai sẽ chính thức ngồi vào ghế Tổng cục trưởng Quản lý Thị trường của Bộ Công Thương là thông tin nóng trong mọi cuộc bàn tán bên lề nhiều cuộc họp của bộ này trong thời gian qua. Theo một số thông tin, dự kiến trong bộ máy lãnh đạo mới sẽ có nhiều “gương mặt đầy cá tính” thay cho dàn lãnh đạo của Cục Quản lý thị trường hiện nay.
Về tổng thể, theo thông tin được Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ quan Quản lý thị trường và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm đối với công chức Quản lý thị trường, các tiêu chí sẽ khá cao cho chức danh Tổng cục trưởng Quản lý thị trường.
Theo đó, để được chính thức có tên trong danh sách những cán bộ sẽ nắm giữ các chức danh Tổng cục trưởng, tổng cục phó Tổng cục Quản lý trong ít ngày tới, các ứng viên cho các “ghế nóng” của Tổng cục Quản lý thị trường cần đáp ứng tổng cộng 5 điều kiện về năng lực và 4 tiêu chuẩn về đào tạo bồi dưỡng.
Cụ thể, theo Dự thảo, người giữ chức Tổng cục trưởng Quản lý thị trường phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn về năng lực. Các điều kiện gồm: Đã được bổ nhiệm giữ ngạch từ Kiểm soát viên chính thị trường trở lên hoặc ngạch công chức tương đương; Có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách theo chủ trương, đường lối của Đảng; có năng lực quản lý, tổ chức thực hiện tốt chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý thị trường; Có năng lực tập hợp, đoàn kết nội bộ và tổ chức phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;
Cùng đó, ứng viên phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục hoặc lĩnh vực liên quan từ 5 năm trở lên.
Ứng viên "ghế nóng" Tổng cục trưởng cũng phải đáp ứng 4 tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường gồm: Tốt nghiệp chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; Tốt nghiệp chương trình lý luận chính trị cao cấp; Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên; có trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam trở lên.
Bên cạnh đó, chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung: Trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; Nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Kiên định đường lối đổi mới, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức đấu tranh bảo vệ quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng; Chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước; Phương pháp, tác phong làm việc dân chủ, khoa học, giữ gìn đoàn kết nội bộ...
Theo quyết định về cơ cấu của Tổng cục Quản lý thị trường đã được Thủ tướng phê duyệt, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường sẽ do Bộ trưởng Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quy định.
Cũng theo cơ cấu mới, sau thời điểm 12/10 tới, biến động nhiều nhất là cơ cấu tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường tại địa phương. Cùng đó sẽ chuyển các Chi cục thành Cục Quản lý thị trường, trong đó giữ nguyên Đội quản lý thị trường trực thuộc Cục và không tổ chức phòng trong các đội này.
Các Đội quản lý thị trường cấp huyện sẽ được tổ chức lại thành liên huyện với mục tiêu giảm 305 đội đến năm 2020. Riêng năm 2019, mục tiêu kiện toàn 38 cơ quan quản lý thị trường cấp tỉnh thành 19 cơ quan liên tỉnh, thành phố và sẽ rà soát, sắp xếp 25 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh theo hướng khu vực liên tỉnh.
Tại Trung ương, cơ cấu lực lượng quản lý thị trường sau khi lên Tổng cục sẽ gồm 6 đơn vị, trong đó có văn phòng Tổng cục, 4 vụ và Cục nghiệp vụ quản lý thị trường. Tổng cục sẽ có một người đứng đầu và không quá 4 phó tổng cục trưởng.
Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường sẽ gồm 4 phòng. Văn phòng Tổng cục có 3 phòng. Phòng tuyên truyền và quan hệ đối ngoại hiện nay sẽ được nâng cấp thành Trung tâm thông tin truyền thông quản lý thị trường và trực thuộc cơ cấu tổ chức của văn phòng Tổng cục.
Về cơ cấu của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chất lượng cán bộ, nhân sự sẽ là ưu tiên hàng đầu của cơ quan này trong cơ cấu lại bộ máy quản lý thị trường tới đây. Cùng đó, mỗi cán bộ QLTT không chỉ là những công chức, viên chức giỏi nghiệp vụ, chuyên môn mà còn phải thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp, người dân.
Theo ông Trần Tuấn Anh, những hành vi cản trở hoạt động phát triển xã hội, trái với pháp luật là những hành vi nghiêm cấm đối với những cán bộ QLTT. Những hành vi cán bộ QLTT có dấu hiệu trục lợi, cấu kết đối với những những hành vi vi phạm pháp luật để dung dưỡng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp diễn cũng là những hành vi sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
“Những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là những hành vi không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng QLTT cũng như trong một bộ máy mới của tổ chức bộ máy Bộ Công Thương”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành công thương, thực trạng vừa qua cũng cho thấy, ở một số bộ phận, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực; đó là những bài học rất "đau đớn và chua xót”, cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới.
Ông Vũ Quốc Anh - Vụ trưởng Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018, các cơ quan quản lý thị trường địa phương tiếp tục sử dụng kinh phí đã được cấp đến hết năm ngân sách 2018 và quyết toán với ngân sách địa phương. Năm 2019, dự kiến kinh phí ngân sách dành cho lực lượng quản lý thị trường chiếm khoảng 50% ngân sách cấp cho Bộ Công Thương.