5 cuộc bầu cử tác động thế giới năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2024 sẽ chứng kiến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng dân số 4 tỷ người đi bỏ phiếu. Bầu cử ở Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Nga, Ấn Độ, Mỹ… dự kiến thu hút sự quan tâm đặc biệt.

Bầu cử Đài Loan ngày 13/1. Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sắp hết nhiệm kỳ thứ hai; có 3 người có khả năng kế nhiệm bà. Thứ nhất, ông Lại Thanh Đức - phó lãnh đạo Đài Loan, thành viên đảng Dân chủ Tiến bộ, đồng hương của bà Thái. Trước đây, ông Lại là thị trưởng Đài Nam - thành phố lớn thứ tư của Đài Loan. Thứ hai, ông Hầu Hữu Nghi - thành viên Quốc dân đảng, thị trưởng Tân Bắc. Thứ ba, ông Kha Văn Triết - người sáng lập đảng Nhân dân Đài Loan, cựu thị trưởng Đài Bắc. Việc đảng Dân chủ Tiến bộ sẵn sàng xây dựng lực lượng phòng thủ Đài Loan và bắt tay chặt hơn với Mỹ làm gia tăng căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan.

Bầu cử Indonesia ngày 14/2. Ba ứng viên hàng đầu thay thế Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo là Prabowo Subianto, Ganjar Pranowo và Anies Baswedan. Prabowo là trung tướng quân đội đã nghỉ hưu, là con rể của cố Tổng thống Suharto. Ông Ganjar đã qua 2 nhiệm kỳ làm thống đốc Trung Java - tỉnh đông dân thứ ba của Indonesia, ghi điểm cao nhờ việc cải thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh. Ông Anies là thống đốc Jakarta, nhận bằng tiến sĩ ở Mỹ. Tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Bắc Illinois, ông trở thành hiệu trưởng một trường đại học Hồi giáo.

5 cuộc bầu cử tác động thế giới năm 2024 ảnh 1

Ông Donald Trump và ông Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images

Bầu cử Nga ngày 17/3. Nhiều người dự đoán Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ giành chiến thắng vang dội trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống giữa tháng Ba, kéo dài thời gian cầm quyền 24 năm của mình thêm 6 năm nữa. Ngày 8/12/2023, ông Putin tuyên bố sẽ tranh cử nhiệm kỳ 5. Ông nhận được nhiều sự ủng hộ trong nước sau khi quân đội Nga giữ vững vị trí của họ ở Ukraine trong 2 năm xung đột. Nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny (luật sư, nhà hoạt động chống tham nhũng) đang thụ án 19 năm tù vì liên quan chủ nghĩa cực đoan.

Bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 6-9/6. Nghị viện châu Âu là cơ quan quản lý yếu nhất trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng có tiếng nói cuối cùng trong việc lựa chọn chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu (EC). Công dân 27 quốc gia thành viên EU sẽ chọn 720 nghị sĩ cho nhiệm kỳ 2024-2029, tăng 15 ghế so với số ghế trong Nghị viện châu Âu hiện tại. Hơn 400 triệu người châu Âu đủ điều kiện bỏ phiếu, khiến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trở thành cuộc bầu cử lớn thứ hai trên thế giới (sau cuộc bầu cử ở Ấn Độ). Một số người tin rằng, các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy sẽ giành được chỗ đứng cao hơn trong Nghị viện châu Âu.

Bầu cử Mỹ ngày 5/11. Cuộc đua tổng thống Mỹ có vẻ chuẩn bị tái diễn tình trạng năm 2020, với việc ông Joe Biden đối đầu ông Donald Trump. Nếu ông Trump thắng, ông sẽ cùng Grover Cleveland trở thành tổng thống Mỹ đảm nhiệm hai nhiệm kỳ không liên tiếp. Việc ông Trump liên tục chỉ trích NATO, bác bỏ vấn đề biến đổi khí hậu và cam kết sử dụng thuế quan để tạo “hàng rào vòng quanh nền kinh tế Mỹ” đã làm dấy lên suy đoán rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông sẽ làm đảo lộn chính trị thế giới. Đảng Cộng hòa có vẻ sẽ giành lại quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ, còn đảng Dân chủ có thể tái chiếm Hạ viện.

MỚI - NÓNG