Ông Donald Tusk có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của Ba Lan. (Ảnh: AP) |
“Tôi chờ đợi Ba Lan sẽ trở thành một đối tác mang tính xây dựng và thay đổi trong chính phủ sẽ tăng cường vị thế của họ ở châu Âu”, Terry Reintke, một nghị sĩ châu Âu của Đức và là đồng lãnh đạo đảng Xanh, nói với đài phát thanh Đức.
Quan hệ giữa Đức và Ba Lan xấu đi trong những năm gần đây, khi đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền ở Ba Lan kiên quyết đòi Đức trả hơn 1 nghìn tỷ euro bồi thường chiến tranh.
Tư tưởng chống Đức cũng được nhấn mạnh trong chiến dịch vận động tranh cử lần này của đảng Pháp luật và Công lý. Thậm chí, ông Donald Tusk, lãnh đạo đảng Liên minh dân sự đối lập, người đang có triển vọng trở thành thủ tướng kế nhiệm, cũng bị gọi là “đặc vụ Đức”.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nỗ lực hàn gắn quan hệ với Ba Lan bằng chuyến thăm Warsaw đúng ngày Quốc khánh Đức, nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với một đồng minh và quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, thay vì chào đón, các lãnh đạo Ba Lan lại đưa cho bà hóa đơn đòi bồi thường chiến tranh.
Sau những khúc mắc đó, nhiều chính trị gia Đức kêu gọi chính phủ lần này nắm bắt cơ hội để đưa mối quan hệ với Ba Lan đi theo một hướng mới.
“Đức nên khởi động một sáng kiến để làm sống lại mối quan hệ song phương nếu có thay đổi trong chính phủ. Trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, thông điệp nên là: Đức cảm thấy có trách nhiệm với an ninh của Ba Lan!”, nghị sĩ đảng Dân chủ Xã hội Metin Hakverdi, một thành viên của Ủy ban châu Âu trong Quốc hội Đức, viết trên mạng xã hội X.
Bà Katja Leikert, một thành viên quốc hội Đức thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu, cho rằng kết quả bầu cử vừa qua ở Ba Lan “mang lại hy vọng” cho châu Âu.
“Một chính phủ dân chủ và thân châu Âu ở Warsaw có tầm quan trọng to lớn đối với châu Âu, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng này”, bà viết trên X.
Rolf Nikel, người chịu ảnh hưởng nặng nề của quan điểm chống Đức của đảng Pháp luật và Công lý trong nhiều năm khi ông là đại sứ Đức tại Warsaw, phát biểu mạnh mẽ hơn.
“Cử tri Ba Lan đã tạo ra mùa xuân vào giữa tháng 10”, ông nói với đài truyền hình Đức.
Cảm xúc tương tự cũng được thể hiện ở Brussels, nơi ông Tusk là một nhân vật nổi tiếng, từng giữ chức chủ tịch Hội đồng châu Âu từ năm 2014 - 2019.
Trong những năm qua, chính phủ cánh hữu ở Ba Lan trở thành cái gai với Liên minh châu Âu (EU) với tư tưởng hoài nghi châu Âu, chỉ trích gay gắt các thể chế của EU tại Brussels và bỏ phiếu chống lại các luật quan trọng của EU.
Vì vậy, các quan chức và chuyên gia EU hy vọng rằng chính phủ trung hữu mới của Ba Lan sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng hơn ở Brussels.
Một nhà ngoại giao EU giấu tên cho biết: “Kết quả lần này sẽ giúp EU hoạt động tốt hơn, nơi EU thực sự phản ánh các giá trị và nguyên tắc của mình, đặc biệt là sự đoàn kết và trách nhiệm”.