4,8 tỷ đồng quỹ đen ở Cục Đường thuỷ nội địa được chi tiêu thế nào?

Trụ sở Cục ĐTNĐ nơi xảy ra vụ lập quỹ đen.
Trụ sở Cục ĐTNĐ nơi xảy ra vụ lập quỹ đen.
TPO - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can bắt tạm giam 3 đối tượng liên quan đến việc lập quỹ đen xả ra tại Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ, Bộ GTVT). Theo Bộ GTVT trong 4,8 tỷ đồng thu từ 15 doanh nghiệp đã chuyển 406 triệu đồng cho 9 cá nhân chi tiêu chung tại Cục ĐTNĐ. Dư luận đặt câu hỏi 4,3 tỷ đồng còn lại đã được Cục ĐTNĐ tiêu xài ra sao?

9 cá nhân liên quan đến 406 triệu đồng tiền quỹ đen

1. Ông Phạm Văn Thông: Tự nhận của 15 nhà thầu 4,8 tỷ đồng.

2. Ông Nguyễn Thành Công - Chánh Văn phòng cục ĐTNĐ (đã nghỉ hưu) duyệt chi tiền ăn tháng 02/2016: 36,7 triệu đồng; tháng 8/2015: 50 triệu đồng. Tổng cộng số tiền ăn được duyệt chi là 86,7 triệu đồng đều do ông Phạm Văn Thông chi trả.

3. Ông Đặng Xuân Hy - Phó Chánh Văn phòng cục ĐTNĐ: Ngày 13/7/2016 ông Hy đã nhận từ ông Phạm Văn Thông 100 triệu đồng (có ký nhận) để chi cho hội thao 60 năm ngày truyền thống của ngành Đường thủy nội địa do cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III đăng cai, cục ĐTNĐVN chủ trì.

4. Ông Nguyễn Việt Thắng - Trưởng phòng Vận tải, cục ĐTNĐ đã nhận từ ông Phạm Văn Thông số tiền 35 triệu đồng (có ký nhận) vào ngày 15/3/2016 để chi hội nghị Liên ngành cục ĐTNĐVN, cục Đăng kiểm Việt Nam, cục Cảnh sát giao thông.

5. Ông Vũ Mạnh Hùng - Quyền Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư, cục ĐTNĐ nhận từ ông Phạm Văn Thông số tiền 50 triệu đồng (có ký nhận) vào ngày 05/5/2016 để đặt cọc hội trường phục vụ hội nghị 60 năm ngành đường thủy nội địa.

6. Ông Nguyễn Chí Hiếu - nhân viên Văn phòng cục ĐTNĐ (nay đã chấm dứt hợp đồng lao động theo Quyết định số 82/QĐ-CVĐTNĐKVI của Giám đốc cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I) số tiền 50 triệu đồng, chưa rõ chi về việc gì.

7. Ông Phan Việt Dũng - chuyên viên phòng Tài chính có tờ trình để chi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đường thủy nội địa khu vực Đà Nẵng số tiền 32,75 triệu đồng, nhưng ông Dũng tường trình chưa nhận từ ông Phạm Văn Thông số tiền nêu trên.

8. Ông Ngô Văn Quang - Chủ tịch công đoàn cục ĐTNĐ có đề xuất hỗ trợ ngày thành lập công ty Quản lý đường sông số tiền 10 triệu đồng (không có ký nhận của ông Quang).

Theo báo cáo giải trình và biên bản làm việc số 58 ngày 27/8/2018 của tổ xác minh, ông Ngô Văn Quang cho biết, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn cục ĐTNĐ có viết đề xuất ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng (Thủ trưởng cơ quan) hỗ trợ cho hội Hưu trí công ty Quản lý đường sông số tiền 10 triệu đồng. Ông Quang không biết nguồn kinh phí hỗ trợ lấy từ đâu và ông không nhận tiền từ ông Phạm Văn Thông.

9. Bà Bùi Hải Âu, chuyên viên Văn phòng cục ĐTNĐ đã nhận từ ông Phạm Văn Thông, số tiền 25,3 triệu đồng (có ký nhận) để chi tiếp đoàn công tác.

 Cần xác định 4,3 tỷ đồng chia chác, tiêu xài ra sao?

4,8 tỷ đồng quỹ đen ở Cục Đường thuỷ nội địa được chi tiêu thế nào? ảnh 1 Quyết định thu hồi 4,3 tỷ đồng và 406 triệu đồng của Bộ GTVT.

Kết luận số 9633/KL-BGTVT ngày 29/8 về kết quả xác minh, từ cuối năm 2015 đến 2016, ông Phạm Văn Thông - nguyên Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Dự án ĐTNĐ thuộc Cục ĐTNĐ, nhận của 15 doanh nghiệp hơn 4,8 tỷ đồng.

Ông Thông thừa nhận: "Việc đưa tiền này theo chỉ đạo bằng miệng của ông Trần Đức Hải - Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ". Theo đó, từ số tiền 4,8 tỷ đồng nhận của 15 doanh nghiệp, ông Thông đã chi cho có 9 cá nhân là chuyên viên, trưởng các phòng nghiệp vụ của Cục ĐTNĐ theo đề xuất là 406 triệu đồng.

Về việc này, trao đổi với Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Cty TNHH luật Trường Lộc cho rằng: Quyết định 1912 ngày 29/8/2018 của Bộ GTVT về việc thu hồi 406 triệu đồn từ 9 cá nhân để chi trả tiền tiêu xài của Cục ĐTNĐ có thể nhận thấy đây là số tiền Cục ĐTNĐ nộp để khắc phục hậu quả, có thể nộp vào ngân sách Nhà nước.

Thế nhưng tại Quyết định 1913 ngày 29/8/2018 của Bộ GTVT về việc thu hồi trên 4,4 tỷ đồng khi chưa làm rõ số tiền ông Thông thu của doanh nghiệp đã tiêu xài vào việc gì thì không đúng quy trình của Bộ luật tố tụng Hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, nếu số tiền đó vẫn nằm trong quỹ do ông Thông giữ để chi tiêu chung cho Cục ĐTNĐ thì đó là tang vật vụ án. Nếu ông Thông đã chia chác số tiền đó cho các cá nhân khác thì cần được điều tra làm rõ.

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, xử lý vật chứng được quy định như sau:

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau: a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy; d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Từ căn cứ trên cho thấy, Bộ GTVT vội vã ra Quyết định 1913 thu hồi trên 4,3 tỷ đồng là không đúng quy định của pháp luật, luật sư Tuấn nói.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Đức Hải, nguyên Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ; Phạm Văn Thông, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa (Cục Đường thuỷ nội địa); Vũ Mạnh Hùng, Quyền Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư, Cục ĐTNĐ. Cả 3 đối tượng Hải, Thông, Hùng đều bị khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 201.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).