41 năm Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Khúc tráng ca trên đèo Khau Chỉa

Xe tăng Trung Quốc bị bắn cháy ở Cao Bằng
Xe tăng Trung Quốc bị bắn cháy ở Cao Bằng
TP - “Không đến 2 giờ có thể đánh xuống Hà Nội” - tuyên bố của chỉ huy quân Trung Quốc năm 1979 đã được chứng minh là chuyện không tưởng ở đèo Khau Chỉa. Nơi đây, chỉ 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương đã chống trả hiệu quả trước sức tấn công của các sư đoàn địch với pháo binh và xe tăng…   

Tìm diệt xe tăng địch

Huy động 60 vạn quân, phía Trung Quốc cho rằng có thể dễ dàng đè bẹp, tiêu diệt lực lượng của ta. Hứa Thế Hữu - Tổng tư lệnh chiến trường cho rằng nếu muốn, có thể đánh xuống Hà Nội trong vòng 2 giờ. Thực tế chiến trường hoàn toàn khác. Chỉ cần các lực lượng địa phương của ta đã cầm giữ, tiêu hao sinh lực địch một cách hiệu quả. Như ở đèo Khau Chỉa (Cao Bằng), 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 567 đã cầm chân địch trong 12 ngày.

Thiếu tướng Phạm Thanh Sơn - nguyên Phó tư lệnh Quân khu 1 cho biết, Trung đoàn 567 vốn là đơn vị làm kinh tế, chưa hề qua chiến tranh. Bản thân ông Sơn nhập ngũ năm 1974 cũng chưa từng đánh trận cho đến tháng 2/1979. Khi Trung Quốc tấn công Cao Bằng, ông Sơn đang là đại đội phó một đại đội thuộc Trung đoàn 567, đóng quân tại đèo Khau Liêu và sau đó tiến về Khau Chỉa đánh địch. Đây là con đèo cách biên giới 16km, một chốt chặn quan trọng ở phía đông thị xã Cao Bằng.

Ông Sơn nhớ lại: “Trước ngày 17/2 khoảng 1 tháng, họ thông báo cho dân Việt Nam ngày mai đánh, dân mình chạy hết nhưng họ không đánh. Nửa tháng sau, họ lại bảo mai sẽ đánh, dân cũng chạy nhưng không thấy gì. Ngày 16/2, họ tiếp tục thông báo, dân mình nghĩ như những lần trước nên chủ quan không sơ tán. Đêm đó, anh em phát hiện nhiều xe ủi của họ gạt đá xuống sông và đến 4h sáng, pháo binh địch bắt đầu bắn”.

Sau những giờ đầu đầy bất ngờ, Trung đoàn 567 bắt đầu chống trả một cách hiệu quả dù chỉ có bộ binh đối đầu với xe tăng địch. “Gần 6h, xe tăng Trung Quốc vượt sông, tấn công biên giới nước ta. Đến 9h, đại đội 1 của tôi bắt đầu bắn được xe tăng địch, việc này cổ vũ cả trung đoàn. Trung đoàn liền tổ chức các đội đi tìm diệt xe tăng trong một nông trường mía. Đến ngày 18, xe tăng Trung Quốc phải rút khỏi nông trường”, ông Sơn nói.

Lấy ít địch nhiều

Với quân số và phương tiện áp đảo, phía Trung Quốc đã vượt cửa khẩu Tà Lùng và chiếm được thị trấn Phục Hòa nhưng sau đó là hàng loạt trận đánh ác liệt tại điểm cao 244, đồi Nghĩa Trang, yên ngựa điểm cao 300... trong nhiều ngày liên tiếp. Thiếu tướng Phạm Thanh Sơn kể lại, Tiểu đoàn 2 của ông bị địch đánh tập hậu đến mất sở chỉ huy, đại đội trưởng của ông cũng hy sinh nhưng anh em vẫn kiên cường chiến đấu. “Đại đội 14,5mm đánh địch đến viên đạn cuối cùng mới rút và trước khi đi đã chia nhau phá súng, tháo súng tránh rơi vào tay địch” - ông nói.

Thiếu tướng Sơn cũng khẳng định, tại Khau Chỉa, lực lượng của ta đã gây thương vong lớn cho quân xâm lấn. “Đối phương thiệt mạng rất nhiều vì chiến thuật của họ chỉ dàn hàng ngang tiến đánh, hết lượt này đến lượt khác trong chiến thuật “biển người”. Như ở trên Kiến Ninh, một trung đội của anh Ngô Duy Hiển đánh 1 tiểu đoàn địch từ sáng đến tối khiến tiểu đoàn này tan tác, phải đi nhiều mũi vòng đằng sau mới qua được đèo”, ông Sơn tiếp chuyện.

Thương vong lớn khiến phía Trung Quốc buộc phải thay đổi chiến thuật, từ đánh chính diện sang dùng pháo binh bắn vào và cho lính bọc hậu lên. Ông Sơn đánh giá: “Chiến thuật của địch chủ yếu lợi dụng việc đông người, đánh cả trước và tập hậu, cho quân sơn cước đi trước. Lính sơn cước của họ di chuyển tốt. Có những ngọn núi đá dựng đứng, ta cảm tưởng không thể lên được nhưng lính họ vẫn ném dây, kéo nhau lên”.

Sau nhiều lần cùng đồng đội đuổi đánh địch ở Cao Bằng, ông Sơn nhận thấy lính Trung Quốc đa nghi, luôn hòng đánh lừa đối phương.

Tuy vậy, khó khăn của bộ đội ta là việc thiếu tiếp tế. Thiếu tướng Sơn phân tích: “Đánh đến ngày 24, cả trung đoàn hết sạch đạn cối. Ngày 28, máy bay của ta lên Quảng Uyên tiếp đạn nhưng địch đã chiếm được nơi này nên phải quay về. Bấy giờ, quân hàm tôi còn thấp chưa biết hết nhưng về tổ chức lực lượng tác chiến ở Cao Bằng, ta chỉ có sư 346 và trung đoàn 567 nhưng đã chặn được cả 3 quân đoàn địch. So sánh như vậy để thấy ta có khả năng chiến đấu tốt dù trong điều kiện thiếu thốn đủ bề”.

Được thăng chức tại mặt trận

Dù chặn được địch nhưng Trung đoàn 567 gặp nhiều thương vong. “Ở đồi Khau Chỉa, Tiểu đoàn 1 từ khi vào trận với hơn 300 quân, khi rút ra còn chưa đầy 100 quân. Tiểu đoàn 2, chính thức không nắm được quân số hy sinh nhưng khi gom lại còn hơn 70 người” - Thiếu tướng Sơn nói. Tuy vậy, đơn vị của ông vẫn tiếp tục đánh địch: “Tiểu đoàn lại chặn định từ Quảng Uyên sang đèo Canh Mang. Ở đây, ta nấp dưới những hòn đá mấp mô, địch thấy và bắn vào làm đá lăn xuống khiến nhiều đồng chí hy sinh bởi những hòn đá to hàng khối. Đánh nhau xong, chúng tôi phải dùng thuốc nổ phá đá đưa anh em ra. Rất tang thương” - ông Sơn hồi tưởng.  

Do thương vong, Trung đoàn 567 phải vừa đánh vừa tuyển quân tại địa phương, từ những thanh niên miền biên viễn luôn thừa tinh thần chống kẻ xâm lăng. Theo ông Sơn, nhiều đồng chí khi nhận vào đơn vị còn không có quần áo bộ đội, vào chỉ ghi được tên. Có đồng chí chưa được cấp quần áo đã vác súng đi đánh nhau. Một số lúc hy sinh chưa được mặc quần áo bộ đội, vẫn nguyên bộ quần áo mang đi từ nhà.

Suốt cuộc đời mặc áo lính của mình, Thiếu tướng Phạm Thanh Sơn vẫn nhớ mãi việc được thăng chức tại mặt trận. Ông kể: “Năm 1979, tôi mới 22 tuổi, đánh nhau từ 17 đến 24/2 được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng. Hôm đó, Trung đoàn phó gọi cả đại đội ra tập trung trên một phiến đá ở chiến trường rồi nói, thay mặt Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn, từ giờ phút này giao đồng chí Phạm Thanh Sơn - Đại đội phó 1 làm Đại đội trưởng, chờ bổ nhiệm của cấp trên”.    

41 năm Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Khúc tráng ca trên đèo Khau Chỉa ảnh 1 Cầu Bằng Giang ở thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc phá hoại

"Chiến đấu trong điều kiện rất thiếu thốn, gian khổ. Chính trong hoàn cảnh ấy nhiều chiến sĩ đã được kết nạp Đảng tại mặt trận. Sự khốc liệt của cuộc chiến đã tôi rèn bản lĩnh anh Bộ đội Cụ Hồ, làm trọn lời dạy của Bác: Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.  Thiếu tướng Phạm Thanh Sơn

        (Còn nữa)

MỚI - NÓNG