Mỹ:

40 triệu dân California phải ở nhà, 56% dân số bang có thể mắc Covid-19

Hành khách đẹo khẩu trang tại sân bay LAX ở Los Angeles, California ngày 5/3. Ảnh: Getty.
Hành khách đẹo khẩu trang tại sân bay LAX ở Los Angeles, California ngày 5/3. Ảnh: Getty.
TPO - Từ hôm nay (20/3), hầu hết 40 triệu dân California, bang đông dân nhất, có kinh tế mạnh nhất nước Mỹ, phải tự cách ly ở nhà để ngăn đại dịch Covid-19 lây lan. Ước tính, 56% dân số bang có thể nhiễm coronavirus mới.

Chỉ thị hạn chế di chuyển (được Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, đưa ra hôm qua) áp dụng với hầu hết cư dân bang, ngoại trừ công nhân trong 16 lĩnh vực hạ tầng trọng yếu.

“Những người làm việc trong các lĩnh vực trọng yếu vẫn phải đi làm. Các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, ngân hàng… vẫn mở cửa”, Thống đốc Newsom viết trên Twitter.

25,5 triệu người có thể mắc Covid-19 trong 2 tháng

Các mô hình theo dõi coronavirus mới cho thấy chủng virus này có thể lây nhiễm “56% dân số bang chúng tôi, tức 25,5 triệu người” trong 8 tuần, Thống đốc Newsom viết trong một bức thư gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nếu dự đoán này thành sự thực thì đó sẽ là một vấn đề đau đầu vì California có thể không đủ năng lực để tiếp nhận tất cả các bệnh nhân.

Theo ông Newsom, California hiện có 78.000 giường bệnh với đủ nhân viên y tế phụ trách, và có thể tăng thêm 10.207 giường.

Thống đốc Newsom nói rằng, các phòng ký túc xá ở Đại học California và các trường phổ thông công lập có thể được cải hoán thành nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Lệnh hạn chế di chuyển hiện không có thời hạn kết thúc vì “đây là một tình huống động”, ông nói. Số người mắc Covid-19 ở bang California nói riêng và nước Mỹ nói chung đang tăng rất mạnh.

Đến nay Mỹ đã ghi nhận ít nhất 13.133 ca nhiễm, 195 trường hợp tử vong. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phát khuyến cáo đi lại toàn cầu ở cấp độ 4 – Đừng đi lại.

Số ca tử vong tăng nhanh khiến giới chức y tế Mỹ gia tăng nỗ lực tìm kiếm cách thức điều trị, nhưng một trong những chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của nước này, TS Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia, nói rằng, “hiện không có thuốc thần”. Tuy nhiên, tương lai sẽ có hai loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 nếu chúng được chứng minh là có an toàn và có hiệu quả ức chế coronavirus mới.

40 triệu dân California phải ở nhà, 56% dân số bang có thể mắc Covid-19 ảnh 1 Xa lộ 110 và khu nội đô Los Angeles, bang California ngày 19/3. Ảnh: Getty.

Quan ngại về nguồn cung trang thiết bị y tế

Chính quyền các bang ở Mỹ hoan nghênh việc gia tăng cung ứng bộ chẩn đoán xét nghiệm coronavirus mới, nhưng bày tỏ lo ngại rằng, các cộng đồng có thể không được trang bị đủ thiết bị y tế. Thị trưởng thành phố New York nói rằng, họ có thể hết một số trang thiết bị trong vài tuần tới.

Hàng chục nghìn xét nghiệm đang được thực hiện mỗi ngày, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 19/3 nói tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump những ngày gần đây bị chỉ trích vì không thể cho biết chính xác bao nhiều người ở Mỹ đã được xét nghiệm.

“Việc xét nghiệm hiện diễn ra ở tất cả 50 bang, được gia tăng thực hiện theo từng giờ”, ông Pence nói.

TS Deborah Birx, điều phối viên ứng phó coronavirus của Nhà Trắng, nói rằng, “sự gia tăng số ca nhiễm mới” là “dựa trên năng lực xét nghiệm thêm nhiều người”. Giới chức y tế đang khơi thông các điểm nghẽn xét nghiệm nên số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng trong 2 hoặc 3 ngày tới, bà nhận định.

Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, ngày 19/3 nói rằng, chỉ trong một ngày, 8.000 ca xét nghiệm được tiến hành ở bang này. Đêm qua, giới chức thông báo, bang New York có 5.298 bệnh nhân Covid-19, tăng khoảng 2.300 ca so với một ngày trước đó.

Hơn 2.700 ca mắc mới được ghi nhận ở Mỹ trong vòng 24 giờ từ sáng thứ Tư tới sáng thứ Năm (giờ Mỹ). Khi số bệnh nhân tăng lên, nhiều cộng đồng phải vật lộn với tình trạng thiết trang thiết bị y tế, một số nơi đang tìm cách tự cứu mình.

Lượng khẩu trang trong các bệnh viện ở bang Georgia hiện chỉ đủ dùng cho 3 ngày, Scott Steiner, giám đốc Hệ thống Y tế Phoebe Putney, nói. Một nhóm nhân viên đang tự làm khẩu trang.

“Chúng tôi đã tự làm được khoảng 3.000 chiếc. Chúng tôi tin mình có thể sản xuất được 200.000 chiếc. Sẽ mất vài tuần nhưng đó là điều chúng tôi phải làm vì chúng tôi không biết khi nào thì lô hàng tiếp theo sẽ tới”, ông Putney nói.

Các trường hợp tự sản xuất tương tự đang diễn ra ở khắp nước Mỹ.

“Chúng tôi còn chỉ đủ đồ bảo hộ cá nhân cho chưa đầy nửa ngày”, bà Amy Compton-Phillips, phó giám đốc điều hành của Hệ thống y tế Providence St. Joseph gồm hơn 50 bệnh viện cung cấp dịch vụ ở 7 bang, nói hôm thứ Tư.

Bình thường, những bệnh viện này mỗi năm cần 250.000 chiếc khẩu trang, nhưng trong 3 tháng đầu năm nay, chỉ 1 bệnh viện cũng dùng tới ngần ấy khẩu trang. Cầu cao hơn cung nhiều nên các bệnh viện đang phải tự sản xuất trang thiết bị, bà nói.

40 triệu dân California phải ở nhà, 56% dân số bang có thể mắc Covid-19 ảnh 2 Con phố ở thành phố San Francisco, bang California bình thường đầy xe điện nhưng ngày 18/3 vắng bóng xe cộ. Ảnh: Getty.

Biến sân bóng đá, du thuyền thành bệnh viện dã chiến

Chỉ 2-3 tuần tới là thành phố New York hết một số trang thiết bị y tế, thị trưởng Bill de Blasio nói ngày 19/3.

Ông Blasio nói rằng, thành phố cần 3 triệu khẩu trang N95, 50 triệu khẩu trang phẫu thuật, 15.000 máy thở, 25 triệu áo choàng phẫu thuật, áo liền quần, găng tay và khẩu trang thông thường.

Các quan chức ở hạt King, bang Washington ngày 18/3 nói rằng, họ đang thành lập một bệnh viện dã chiến 200 giường ở sân bóng đá. Giới chức y tế địa phương cho rằng, hạt King cần thêm khoảng 3.000 giường bệnh.

Trong khi đó, giới chức y tế bang Maryland đang nỗ lực tăng số giường bệnh thêm ít nhất 6.000. Thống đốc bang New York nói bang này cần tới 110.000 giường bệnh khi dịch được dự đoán đạt đỉnh trong 45 ngày.

Tổng thống Trump nói sẽ sử dụng các tàu du lịch Carnival Cruise làm bệnh viện dã chiến. Theo hãng tàu, mỗi con tàu có thể cung cấp 1.000 giường bệnh và 7 đơn vị chăm sóc tích cực.

Nhưng giường bệnh không phải là mối lo duy nhất. Bang New York có khả năng cung ứng 3.000 máy thở, nhưng thống đốc Cuomo nói rằng con số đó là không đủ.

“Họ đang nói về việc làm phẳng đường cong. Tôi chả thấy đường cong, tôi thấy con sóng nhấp nhô. Và con sóng sẽ phá vỡ hệ thống y tế và nó sẽ là cơn sóng thần”, ông nói.

Michael Dowling, giám đốc Hệ thống Y tế Northwell, nói rằng, ông muốn mua 500 máy thở. Mỗi máy có giá từ 20.000 đến 40.000 USD. Nhưng nhu cầu máy thở tăng cao nên các nhà sản xuất nói họ khó mà đáp ứng kịp.

40 triệu dân California phải ở nhà, 56% dân số bang có thể mắc Covid-19 ảnh 3 Các du thuyền của hãng Carnival Cruise Line như thế này có thể được tận dụng làm bệnh viện dã chiến. Ảnh: Shutterstock.
MỚI - NÓNG