> Cựu binh Điện Biên Phủ 'khóc Đại tướng'
> Những giờ phút cuối cùng của Đại tướng
Tiếp phóng viên báo Tiền Phong khi vừa trở về từ tư gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiếp ảnh gia Trần Tuấn tâm sự: “Hơn 1 tháng trước vào Bệnh viện Quân y 108 thăm Đại tướng, thấy sức khỏe của Đại tướng suy giảm nhiều, linh tính mách bảo điều chẳng lành. Ấy thế mà chiều tối qua, khi đang trên đường từ Vinh ra Hà Nội, hay tin Đại tướng qua đời, tim vẫn thắt quặn, đau đớn. Đến giờ tôi vẫn không tin đó là sự thật”.
Căn phòng khách rộng chừng 15m2, bàn uống trà thậm chí phải chia thành “hai cánh” mới đủ chỗ cho 4 người ngồi, nhưng ông vẫn dành những vị trí trang trọng nhất trong căn phòng để treo, hoặc đặt các khung lồng ảnh, sách ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những kỷ vật lưu niệm mà ông được tặng trong quãng ngày dài theo chân Đại tướng.
Trò chuyện, ông nhắc đi nhắc lại, chụp ảnh Đại tướng, ngoài sự ngưỡng mộ, kính yêu, đó còn là cái duyên, và rằng: “Cái duyên giúp tôi chụp Đại tướng như người con chụp ảnh cha mình”.
Vừa cẩn thận lật giở hàng trăm tấm ảnh quý giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp xếp trên bàn, nhà báo Trần Tuấn cho biết, đây là một trong số những tấm ảnh về Đại tướng mà ông chưa từng công bố. Hồi xuất bản cuốn sách “101 khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp” năm 2011, vào dịp sinh nhật thứ 100 của Đại tướng, vì một số lý do, nhiều tấm ảnh chưa sử dụng. Tay run rẩy, miệng lập bập, ông chia sẻ, mỗi tấm ảnh ông chụp Đại tướng là một kỷ niệm, cầm tấm ảnh mà ngỡ mới như ngày hôm qua.
Năm 1975, nhận nhiệm vụ xây dựng lại phân xã Thừa Thiên - Huế sau giải phóng, ông được phân công đi theo chụp ảnh, đưa tin về chuyến thăm lại chiến trường miền Nam của Đại tướng. Thời điểm này, những bức ảnh chân thực, bình dị đầu tiên về vị tướng vĩ đại của dân tộc xuất hiện trong cuộc đời làm báo của ông.
Năm 1978, sau khi có quyết định trở ra Bắc làm việc, ông lại được nhận nhiệm vụ đi theo Đại tướng thăm khu kinh tế Quảng Ninh. “Cái duyên tình cờ là vậy, như không hẹn mà gặp, như không hề sắp xếp mà tựa đã sắp xếp. Để rồi, cứ mỗi khi đi đâu công tác, “bác Giáp” lại yêu cầu văn phòng báo “anh Tuấn” cùng đi”, ông bồi hồi nhớ lại.
Suốt 35 năm, hàng chục chuyến đi ngắn, dài ngày khắp trong và ngoài nước, việc ghi lại từng hành động, từng cảm xúc của vị Đại tướng huyền thoại trong công việc và cuộc sống đời thường trở thành niềm đam mê lớn nhất trong suốt sự nghiệp cầm máy của ông.
Từ đây, hàng ngàn bức ảnh quý giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ khoảnh khắc Đại tướng tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rober Mc Namara tại Nhà khách Chính phủ (23/6/1997), đến phút giây xúc động không cầm được nước mắt khi Đại tướng dự mít-tinh kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (13/3/2004), rồi khoảnh khắc Đại tướng nghỉ trưa trên chiếc võng mắc tạm ở bụi tre khi đi qua huyện Củ Chi (TPHCM), hay tấm hình chụp vội Đại tướng thăm quán nước của chị Trần Thị Tỉnh, diễn viên ca múa nhạc kịch tỉnh Hà Tuyên, tranh thủ bán quán nước ngoài giờ làm việc để nuôi gia đình... tất cả đều hiển hiện chân thực, sống động qua từng góc ảnh của ông.
1996 là năm đáng nhớ nhất của nhà báo-nhiếp ảnh gia Trần Tuấn khi ông được “tháp tùng” Đại tướng liên tục trong khoảng thời gian dài. Lần đầu là vào khoảng giữa năm, khi đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Tổng thống Thụy Sĩ khi đó là Kastar Villiger mời sang thăm với tư cách cá nhân.
Theo luật pháp Thụy Sĩ, Tổng thống là Chủ tịch Hội đồng Liên bang luân phiên, được bầu chọn trong số 7 thành viên, nhiệm kỳ 1 năm. Trong thời gian 1 năm đảm nhiệm cương vị này, Tổng thống chỉ được mời một nguyên thủ quốc gia nước khác, và nhà nước chi trả chi phí đối ngoại duy nhất lần này.
Trước khi Đại tướng sang Thụy Sĩ, tháng 4 năm đó, Tổng thống Kastar Villiger đã đón tiếp Tổng thống Argentina bằng ngân sách nhà nước. Để bày tỏ sự ngưỡng mộ tài năng quân sự kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Kastar Villiger đã bỏ tiền cá nhân mời Đại tướng sang thăm Thụy Sĩ, mời Đại tướng dự bữa tiệc tại căn phòng mà Hoàng đế nước Pháp Napoleon Bonaparte lui tới mỗi khi sang Thụy Sĩ, đích thân dẫn Đại tướng tham quan kho tích trữ vàng lớn nhất thế giới...
Tiếp đó là khoảng thời gian công tác kết hợp nghỉ dưỡng kéo dài hàng tháng ở Vũng Tàu, Côn Đảo. Lúc ở Vũng Tàu, Trần Tuấn bị đau ruột thừa cấp, phải mổ mất 1 tuần để phục hồi, chuyến công tác của Đại tướng cũng vì thế mà bị chậm lại.
“Suốt thời gian đó, Đại tướng rất lo lắng, hỏi tôi có cần đưa vợ ở Hà Nội vào chăm sóc hay cho máy bay đưa về TPHCM để mổ không... Lúc tôi hồi phục, ông chụp chung với tôi tấm ảnh và ký tặng tôi bằng chữ ký hồi ông còn làm Tổng tư lệnh”, ông nhớ lại.
“Vẫn biết con người sẽ lại về với cát bụi, nhưng không biết khi nào Việt Nam mới lại sinh ra người con kiệt xuất cả về tài năng lẫn đức độ, được toàn dân yêu quý, kính trọng như Đại tướng...?”, phóng viên-nhiếp ảnh gia Trần Tuấn nghẹn ngào.