30 giây nhanh trí của bác sĩ trẻ cứu sống bé gái 2 tháng tuổi

Bé Hiền đã qua cơn nguy kịch do sặc sữa nhờ được bác sĩ Hiếu cấp cứu kịp thời. Ảnh: Lê Mai
Bé Hiền đã qua cơn nguy kịch do sặc sữa nhờ được bác sĩ Hiếu cấp cứu kịp thời. Ảnh: Lê Mai
Tan ca trực, chưa kịp ra đến cổng viện Nhi, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu nghe tiếng kêu cứu thất thanh của một bà mẹ đang run rẩy bồng trên tay bé gái nhỏ xíu.

Toàn thân bé tím tái mềm nhũn. Nhận định cháu đã ngừng thở, bác sĩ Hiếu nhanh chóng đặt bé lên tay và hồi sức tim phổi theo đúng nguyên tắc cấp cứu: chỉnh tư thế, ép tim và bế cháu bé vào khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh tìm sự trợ giúp. Thao tác 30 giây của người bác sĩ trẻ đã kịp thời đưa bé gái thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Bé gái may mắn thoát chết trong gang tấc là cháu Phan Thị Hiền, một tháng rưỡi tuổi, ở Hòa Bình. Khi được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, bé Hiền đã được các bác sĩ tại đây sơ cứu cơ bản bằng ép tim, bóp bóng qua mặt nạ và hút ra rất nhiều đờm dãi. Sau một phút can thiệp, trẻ bắt đầu khóc, da dẻ dần hồng hào trở lại.

Đứng chờ con bên ngoài phòng cấp cứu, mẹ bé Hiền như ngồi trên đống lửa. Đến khi nghe bác sĩ thông báo con gái bé bỏng đã qua cơn nguy kịch, những giọt nước mắt của người mẹ thi nhau rơi không ngừng. Chưa hết bàng hoàng sau cơn chấn động, chị run rẩy nói lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh.

Chị cho biết, cháu Hiền có một khối u bạch huyết ở cổ và thời gian này được theo dõi ngoại trú. Thời điểm xảy ra tai nạn, chị và con gái đang ở nhà trọ gần bệnh viện để tiện khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Chiều hôm đó, khi đang cho con bú, đột nhiên chị thấy con gái nấc lên từng tiếng rồi bỗng dưng tím tái toàn thân. “Nếu hôm đó không gặp bác sĩ Hiếu, nhà em chắc đã mất con rồi”, mẹ bé Hiền chia sẻ.

Ân nhân của mẹ con bé Hiền, người thầy thuốc đã kịp thời cứu sống bé trong tích tắc - bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu - là một trong những bác sĩ trẻ rất nhiệt huyết tại khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi trung ương.

Bác sĩ Hiếu từng tình nguyện tham gia dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại vùng cao” của Bộ Y tế. Sau khóa đào tạo nâng cao chuyên môn 18 tháng tại Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ Hiếu sẽ tới công tác trong vòng 3 năm tại Mường Nhé - một huyện vùng sâu còn gặp nhiều khó khăn về công tác y tế.

Nhớ lại khoảnh khắc “thót tim” khi cùng người bệnh trải qua giây phút cận kề cái chết, bác sĩ Hiếu chia sẻ: “Trong đầu mình khi ấy dồn dập các câu hỏi: "Bé bị làm sao, mình phải làm gì, bé có đáp ứng với can thiệp của mình không? Mình nhất định sẽ cứu cháu bé bằng mọi giá”.

30 giây nhanh trí của bác sĩ trẻ cứu sống bé gái 2 tháng tuổi ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu đang khám cho bệnh nhân trong chuyến tình nguyện về vùng cao công tác gần đây.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hà, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, đây là một trường hợp điển hình của ngạt thở do sặc sữa ở trẻ nhỏ. Xử lý đúng cách trong những phút đầu tiên khi bé bị sặc là điều vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nguy hiểm.

Cũng theo bác sĩ Hà, có nhiều dấu hiệu điển hình nhận biết trẻ bị sặc sữa như:

- Khi trẻ đang bú (hoặc sau bú) đột ngột ho mạnh, sặc sụa, tím tái, khóc thét.

- Nếu sữa trào ra mũi, miệng của trẻ, trẻ bị hốt hoảng, da xanh tái, có thể mềm nhũn hoặc co cứng thì phụ huynh nên nghĩ ngay đến tai nạn trẻ bị sặc sữa.

- Trường hợp nặng, trẻ có thể bị ngưng tim, ngưng thở và dẫn tới tử vong nếu không được xử trí sơ cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Hà cho biết, để đề phòng tai nạn sặc sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các bà mẹ nên cho con bú đúng tư thế. Khi chẳng may rơi vào tình huống trẻ bị sặc sữa, các bà mẹ cần hết sức bình tĩnh và sơ cứu trẻ theo các bước sau:

- Vỗ lưng, ấn ngực: Đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay và cánh tay phải, dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh và nhanh 5 cái vào lưng trẻ nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống xuất sữa ra khỏi đường hô hấp của trẻ. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh 5 cái ở nửa dưới của xương ức, dưới đường nối 2 vú khoảng 1-2 cm. Lặp lại 5 - 6 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.

- Thông đường thở: Dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp.

- Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở: Có thể kết hợp các biện pháp trên với hà hơi thổi ngạt, cụ thể ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Nếu có điều kiện, tốt nhất phụ huynh nên tìm hiểu thông tin và đăng ký tham gia các lớp tập huấn sơ cấp cứu do Hội Chữ thập đỏ tổ chức để được hướng dẫn chính xác cách xử lý các tình huống cấp cứu. Tại Hà Nội, để biết thêm thông tin về các chương trình tập huấn sơ cứu-cấp cứu, phụ huynh có thể liên hệ với Trung tâm đào tạo cán bộ chữ thập đỏ Việt Nam: 04.62885969

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG