Dự kiến 50 đại biểu trẻ tuổi
Ngày 25/2, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH, HĐND khóa mới. Theo ông Đặng Cao Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có nhiều điểm mới so với trước đây.
Liên quan đến tuổi ứng cử, đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các DNNN phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn một nhiệm kỳ. Trường hợp giới thiệu tái cử phải còn đủ tuổi trọn một nhiệm kỳ, ít nhất phải còn đủ tuổi công tác nửa nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Trường hợp đặc biệt phải do cấp có thẩm quyền xem xét, quy định. Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương cũng bổ sung cụ thể yêu cầu phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.
Ngoài tiêu chuẩn chung, điểm mới bổ sung lần này là, người giới thiệu để bầu ĐBQH chuyên trách phải có trong quy hoạch ĐBQH chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên. Còn ở địa phương, phải là các chức danh giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong tổng số 500 đại biểu toàn quốc, số lượng đại biểu các cơ quan Trung ương là 207 người, địa phương 293 người. Theo cơ cấu kết hợp, một người ứng cử đại biểu có thể có nhiều hơn một cơ cấu kết hợp, gồm: Đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoảng 95 người, trong đó có 12 - 14 người là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; đại biểu ngoài Đảng từ 25-50 đại biểu; đại biểu trẻ tuổi khoảng 50 người.
Sẵn kịch bản trong vùng dịch
Tại hội nghị, ông Phan Văn Vượng, Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết, có 8 tỉnh giới thiệu chưa đủ người ứng cử theo quy định là Tây Ninh, Trà Vinh, Điện Biên, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình và Hà Giang. Những địa phương này đều được phân bổ 6 đại biểu Quốc hội, trong đó trung ương cử về 2, địa phương 4. Tuy nhiên, các tỉnh lựa chọn số giới thiệu còn thấp hơn quy định.
Một vấn đề được các địa phương quan tâm là việc triển khai công tác bầu cử trong thời gian diễn ra đại dịch. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Hải Dương, hiện tỉnh có 2 huyện phong tỏa và toàn tỉnh thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, đặc biệt có một số thôn thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt.
Trên cơ sở đó, Hải Dương đề nghị trung ương có văn bản hướng dẫn sớm để các đơn vị vùng dịch có căn cứ để thực hiện. Lãnh đạo tỉnh này cũng cam kết nỗ lực khoanh vùng, truy vết diện rộng để kiểm soát dịch. Từ ngày 24/2, Hải Dương bắt đầu tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, ở những nơi có nguy cơ cao và những nơi thấy cần phải xét nghiệm, sàng lọc sớm để khoanh vùng.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thực tiễn đang đặt ra rất nhiều nội dung liên quan đến tổ chức cuộc bầu cử trong điều kiện diễn biến dịch COVID-19 phức tạp. Tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ tập hợp thêm một số tình huống đặc biệt hoàn toàn có thể phát sinh trong thực tiễn. Trên cơ sở đó thống nhất trong triển khai thực hiện đối với các địa phương có dịch. Địa phương này còn băn khoăn, một số địa phương, đặc biệt thôn, bản, thậm chí xã, phường trong trường hợp bị phong tỏa, cách ly thì thực hiện các hội nghị tiếp xúc cử tri như thế nào.
Giải đáp vấn đề này, ông Phan Văn Vượng cho biết, MTTQ đã có bản thảo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thống nhất việc này. Đối với trường hợp người được giới thiệu ứng cử đến giai đoạn niêm yết danh sách để bầu mà rơi vào trường hợp F0, F1 thì không vấn đề gì. Chỉ giai đoạn vận động bầu cử thì có nhiều hình thức vận động. Nếu không đến trực tiếp được, có thể gửi tài liệu vận động qua các kênh thông tin đại chúng. Ông Vượng cũng lưu ý, tổ bầu cử cần tổ chức cho cử tri đang nằm trong khu vực cách ly thực hiện quyền bầu cử, phải có hòm phiếu lưu động mang đến và phải áp dụng biện pháp phòng dịch, phun khử trùng hòm phiếu.
Đến 17/2, cả trung ương và 63 địa phương trên cả nước đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội (để bầu 500 người), đạt tỷ lệ 2,15 lần. Đến nay có khoảng 20 tỉnh đề nghị xem xét tăng số lượng đại biểu địa phương và giảm số lượng trung ương gửi về; năm tỉnh dự kiến có hồ sơ tự ứng cử.