1.600 thanh tra xây dựng, vi phạm vẫn tràn lan

Công trình tòa nhà 8B Lê Trực đang được phá dỡ phần sai phép. Ảnh: Ngọc Châu
Công trình tòa nhà 8B Lê Trực đang được phá dỡ phần sai phép. Ảnh: Ngọc Châu
TP - 1.600 thanh tra xây dựng (TTXD) của Hà Nội được rải đều từ cấp thành phố đến phường, xã nhưng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra gay gắt gây bức xúc trong dư luận, điều này khiến dư luận đặt câu hỏi vai trò của lực lượng này ở đâu?

“Lỗ hổng” thực thi

Thực hiện thí điểm thành lập lực lượng TTXD cấp quận, phường, xã, đến nay, Hà Nội có khoảng 1.600 người, có thời điểm lên đến hơn 1.720 người. Để được tuyển dụng, TTXD phải qua các kỳ thi do Sở Nội vụ tổ chức, thành phố ra quyết định công nhận. Nhưng thời gian thí điểm kéo dài, trong khi Luật Thanh tra quy định TTXD chuyên ngành chỉ có hai cấp là cấp bộ và cấp sở. Vì vậy, theo Nghị định 26 có hiệu lực từ ngày 15/5/2013, lực lượng TTXD cấp quận, huyện được gọi là các đội thanh tra trực thuộc thanh tra Sở Xây dựng. Điều này đồng nghĩa TTXD cấp xã phường, quận, huyện bị dồn về một cấp.

Theo đánh giá, mô hình này phù hợp với Luật Thanh tra nhưng chưa phù hợp thực tế quản lý TTXD của địa phương có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội. Thực tế, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng cần thiết phải có lực lượng thanh tra cấp cơ sở thường xuyên kiểm tra; khi xử lý vi phạm cần sự vào cuộc, chỉ đạo trực tiếp của hệ thống chính trị cơ sở. Không có thanh tra cấp quận, phường trực tiếp tham mưu giúp việc chính quyền địa phương dẫn đến công tác quản lý trật tư xây dựng gặp nhiều khó khăn, dễ bùng phát tình trạng buông lỏng, đùn đẩy trách nhiệm và các tiêu cực. Bên cạnh đó, do yêu cầu về nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nên có nơi sử dụng người không có trình độ chuyên môn, thiếu kiến thức pháp luật chuyên ngành, lao động hợp đồng, mức lương khoán thấp đã làm giảm chất lượng công tác thanh tra.

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động cũng nảy sinh bất cập là, lực lượng này có vai trò kiểm tra, phát hiện, lập biên bản sai phạm, còn cơ quan khác ra quyết định xử phạt hành chính, dẫn đến tính thiếu thống nhất và cũng chính là điểm yếu nhất trong toàn bộ quy trình xử lý vi phạm, thường xuyên bị đối tượng sai phạm lợi dụng. 

Non yếu hay cố tình “bật đèn xanh”?

2016 là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội thực hiện “Năm trật tự- văn minh đô thị” nhưng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra khắp nơi. Thậm chí, mới đây tại Hội nghị giao ban giữa năm về “Năm trật tự- văn minh đô thị 2016”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội rất gay vì không ngày nào, không nơi nào không có vấn đề. 

Đáng lưu ý, theo ông Hải, hiện tượng TTXD cố tình “bật đèn xanh” cho xây dựng sai là có. Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn và xử lý thật nghiêm những trường hợp TTXD cố tình “bật đèn xanh” cho các chủ đầu tư làm sai rồi sau đó lập biên bản. Ông Hải cũng đặt vấn đề, “liệu có phải do thay đổi mô hình quản lý TTXD dẫn đến tình hình trật tự xây dựng của Hà Nội có vấn đề hay không? 

Bây giờ không thể nói TTXD chỉ chịu trách nhiệm với “ông” Sở Xây dựng, không coi lãnh đạo địa phương ra gì là không thể được”. Theo ông Hải, lực lượng TTXD nếu rời sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng địa phương là không làm tốt nhiệm vụ được giao. Vì vậy, yêu cầu UBND thành phố Hà Nội sớm đề xuất Thành ủy về cơ chế này.

Thực hiện chỉ đạo này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội TTXD trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng từ ngày 1/9/2016. Giám đốc Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý biên chế, chế độ tiền lương của lực lượng này. Hiện Sở Xây dựng đang làm thủ tục bàn giao, để chính quyền địa phương hoàn thành việc sắp xếp lực lượng TTXD trước 30/8.

Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, quyết định vừa qua của UBND thành phố sẽ giúp bộ máy của lực lượng TTXD hoạt động hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Quyết định này đã cụ thể hóa nguyên tắc quản lý lực lượng TTXD trong giai đoạn hiện nay là “song trùng chỉ đạo”. 

Sở Xây dựng chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý biên chế, giải quyết các chế độ chính sách, tiền lương; UBND quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn diện để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng. Trong trường hợp nếu phát sinh công trình vi phạm thì UBND quận, huyện, thị xã mới có đủ thẩm quyền và nhiều nguồn huy động để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm, nhất là trong trường hợp cưỡng chế công trình.

Hoàn Kiếm xử lý hơn 10 công trình vi phạm xây dựng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, tính đến hết tháng 7/2016, quận Hoàn Kiếm đã tiến hành xử lý cắt ngọn hơn 10 công trình vi phạm Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc phố cổ từng được báo Tiền Phong phản ánh tại các phường: Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Gai, Hàng Bồ... Song song với việc xử lý công trình vi phạm, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao Thanh tra Nhà nước quận Hoàn Kiếm, thanh tra trách nhiệm đối với một chủ tịch UBND phường. Dự kiến, trong tháng 8/2016, Thanh tra quận Hoàn Kiếm sẽ công bố Kết luận thanh tra và đề xuất hình thức xử lý kỷ luật cán bộ để xảy ra vi phạm.

MỚI - NÓNG