Chiều 2/4, thông tin tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVN Hà Nội cho biết: Thực hiện chủ trương của thành phố, Tổng Cty đã và đang tiếp tục thi công hạ ngầm đồng bộ các đường dây trung, hạ thế và viễn thông là tài sản của Tổng Cty tại các tuyến phố, góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cung cấp điện cho thành phố.
Theo ông Tuấn, trong năm 2018, Tổng Cty đã thi công xong 74 tuyến phố, tổng khối lượng là 127,6km; 632 tủ pilar; 69km cáp ngầm. Hiện đang thi công 25 tuyến phố trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân và Hoàng Mai.
Tổng Cty cũng sẽ tiếp tục thực hiện hạ ngầm tại 56 tuyến phố, triển khai trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông.
Tại hội nghị, phóng viên Tiền Phong đặt câu hỏi, Hà Nội vừa có công văn, trong đó có chủ trương lát đá vỉa hè hơn trăm tuyến phố. Các tuyến phố này có nằm trong kế hoạch hạ ngầm của Tổng Cty và liệu có ảnh hưởng đến tiến độ các dự án lát đá vỉa hè? Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn cho rằng, công tác hạ ngầm rất được quan tâm và từ 3 năm trước, Tổng Cty đã có cam kết giữa các ngành viễn thông, truyền hình, chiếu sáng... “Tổng Cty bỏ ra 1.500 tỷ theo cam kết để hạ ngầm các tuyến phố”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, 1.500 tỷ nói thì nhiều, nhưng đối với hạ ngầm các tuyến phố thì như “muối bỏ bể”. “Trong báo cáo, Cty đã và đang thực hiện các dự án. Còn 25 tuyến đang tiếp tục thực hiện theo cam kết cũ. Năm 2019 sẽ tiếp tục triển khai thêm 59 tuyến phố, có lẽ số tiền sẽ vượt qua 1.500 tỷ”, ông Tuấn thông tin.
“Có ý kiến hỏi về thiết kế mẫu vỉa hè thì đây là thiết kế của Sở Xây dựng, Tổng Cty cũng sẽ tuân thủ theo thiết kế mẫu. Việc tổ chức lát đá hay gạch thì theo quyết định của thành phố. Thành phố yêu cầu khu nào hoàn trả như thế thì chúng tôi sẽ làm đúng như vậy”, ông Tuấn nói.
Về danh sách các tuyến phố hạ ngầm có trùng với danh sách các tuyến lát đá vỉa hè, ông Tuấn cho biết, tuyến nào hạ ngầm Sở Xây dựng sẽ quyết. “Tất cả tuyến phố Tổng Cty muốn hạ ngầm, đầu tư thì phải qua Sở Xây dựng. Sở xây dựng được thành phố giao quản lý tất cả các công trình hạ ngầm. Các đơn vị chiếu sáng, viễn thông, dịch vụ truyền hình đều phải đồng bộ trên tuyến đó. Các đơn vị không làm thì thành phố cũng có chế tài để làm để đồng bộ tuyến phố đó, tránh trường hợp là nay người này đào, mai người kia lại bới”, ông Tuấn nói thêm.