1,4 triệu mét khối bùn Hồ Tây xử lý thế nào?

Hà Nội đang khẩn trương lập phương án xử lý ô nhiễm Hồ Tây.
Hà Nội đang khẩn trương lập phương án xử lý ô nhiễm Hồ Tây.
TP - Sau sự cố môi trường khiến 200 tấn cá chết, thành phố Hà Nội đang khẩn trương lập phương án xử lý ô nhiễm, nạo vét bùn, xây đài phun nước cao 180m, cải tạo cảnh quan, biến Hồ Tây thành điểm nhấn du lịch thu hút du khách.

Cần 8 tháng để hút bùn

Để hiện thực hóa chủ trương cải tạo biến Hồ Tây thành điểm nhấn du lịch của Thủ đô, từ cuối năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường thành phố triển khai lập phương án cải tạo cảnh quan, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, nạo vét bùn, bổ sung nước. Đồng thời thành phố dự định xây dựng cột nước cao từ 160 - 180m tạo điểm nhấn, góp phần phục vụ các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí cho người dân và du khách khi đến Hà Nội.

Với diện tích 526 ha, theo kết quả khảo sát, hiện dưới đáy hồ có khối lượng lớn bùn, trầm tích lắng đọng, có nơi bùn dày gần 2m tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, không đảm bảo cho các phương tiện đường thủy di chuyển phục vụ nhu cầu của khách du lịch sau cải tạo (du thuyền, thuyền thể thao…).

Đối với lớp bùn đáy hồ, cần nạo vét toàn bộ lớp bùn đến sát đáy có chiều sâu trung bình 0,8m. Với khu vực ven bờ bị bồi lắng do phế thải vật liệu, bùn cát cần đào xuống lớp đất nền. Như vậy, để cải thiện môi trường Hồ Tây và đảm bảo độ sâu 2m nước dự kiến khối lượng bùn phải nạo vét ở Hồ Tây khoảng 1,42 triệu m3

Để nạo vét bùn, các cơ quan chức năng đang lập nhiều phương pháp: bằng máy xúc, bơm thủy lực, gàu xúc... nhằm tìm ra phương án hiệu quả, không gây ra tiếng ồn, không ảnh hưởng đến các công trình, di tích phân bổ xung quanh hồ. Thời gian để hoàn thành nạo vét dự kiến ít nhất 8 tháng.

Do khối lượng bùn nạo vét lớn, BQLDA đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường đang lên nhiều phương án tập kết bùn xung quanh hồ, trước khi vận chuyển ra khu vực ngoại thành xử lý.

Theo tính toán, mỗi ngày Hồ Tây phải tiếp nhận 4.000 - 10.000m3 nước thải sinh hoạt. Hiện phương án bổ sung nước cho Hồ Tây bằng chính nguồn nước thải sau khi được xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, công suất 13.000m3/ngày đã được tính đến.

Hồ Tây sẽ thành trung tâm du lịch

Để có thêm chỉ số đánh giá trước khi xem xét, phê duyệt phương án cải tạo Hồ Tây, ngày 13/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, yêu cầu  BQLDA đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường chủ trì, cùng tư vấn phối hợp các đơn vị liên quan xem xét, khảo sát đánh giá hiện trạng, chia các khu vực cụ thể, xác định tổng khối lượng cần nạo vét. Nghiên cứu đánh giá tác động của việc nạo vét đến môi trường sinh thái, phân tích kỹ 2 phương án bổ sung nước từ sông Hồng và bằng nước sau khi xử lý của Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây…

Việc cải tạo Hồ Tây dự kiến bao gồm các hạng mục cải tạo hạ tầng giao thông (đường dành cho phương tiện giao thông, đường cho người đi bộ), lát vỉa, hàng rào, lan can, cải tạo cây xanh, hệ thống chiếu sáng. Trong đó, khu vực đặc trưng bao gồm tuyến đường Thanh Niên, Đặng Thai Mai, khu vực có các công trình tâm linh (chùa Trấn Quốc, chùa Võng Thị, phủ Tây Hồ, khu vực công trình văn hóa & thương mại, các bến du thuyền theo quy hoạch phân khu A6 (bến neo đậu du thuyền cao cấp, nhà hàng nổi phục vụ nhu cầu tham quan, dịch vụ của du khách).

Nhằm biến Hồ Tây thành địa điểm du lịch thì phương án cải tạo không gian Hồ Tây là quan trọng nhất. Khu vực điểm nhấn sẽ có các hạng mục: Quảng trường, sân khấu nổi, hệ thống phun nước, nhạc nước, hệ thống bãi đỗ xe, hệ thống nhà vệ sinh công cộng, các công trình dịch vụ nhỏ phục vụ thương mại, du lịch. 

Đối với ý tưởng xây dựng cột nước cao 160- 180m do đối tác OASE GmbH (Đức) tư vấn sẽ được lập phương án sau khi đơn vị tư vấn đưa ra thông số về phương án kỹ thuật, chi phí thực hiện trình thành phố xem xét, quyết định.

Lập phương án xử lý ô nhiễm khu vực bến thủy

Liên quan đến việc xử lý các phương tiện vi phạm, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực bến thủy sau khi di dời, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, quận đã có kế hoạch xử lý triệt để các phương tiện vi phạm trong tháng 3/2017. Quận cũng đã lập phương án xử lý ô nhiễm khu vực bến thủy trình thành phố phê duyệt.

MỚI - NÓNG