14 triệu đô 'dễ' thành phế liệu: Vi phạm quyết định của Thủ tướng?

90 ha rừng đặc dụng Phong Nha - Kẻ Bàng được cho là bị xâm hại khi kéo điện lưới
90 ha rừng đặc dụng Phong Nha - Kẻ Bàng được cho là bị xâm hại khi kéo điện lưới
TP - Đó là khẳng định của một chuyên gia, khi nói về vụ Dự án điện lưới trùm lên Dự án pin mặt trời mà Quảng Bình đang thực hiện, khiến 14 triệu USD vay của Chính phủ Hàn Quốc có nguy cơ thành phế liệu.

Ngày 8/1/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 2081, phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020, nhằm tạo động lực cho các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, 48 tỉnh thành trong cả nước được hưởng lợi chương trình này, trong đó có Quảng Bình. Các địa phương thực hiện chương trình theo cơ chế vốn ngân sách Trung ương và vốn vay ODA chiếm 85%, vốn chủ đầu tư chiếm 15%.

Nhằm tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, cũng như phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng địa phương, Quyết định 2081 của Thủ tướng quy định rất rõ về các loại hình, cũng như các giải pháp chủ yếu để thực hiện chương trình:

Tại Điểm a, Mục 4, Điều 1 quy định: Các khu vực có suất đầu tư cho một hộ dân từ điện lưới quốc gia quá cao, được nghiên cứu cấp điện bằng các nguồn điện ngoài lưới điện quốc gia như: Điện gió, thủy điện nhỏ, thủy điện cực nhỏ, điện mặt trời, trạm nạp ắc quy...

Tại Điểm b, Mục 6, Điều 1 quy định: Các Dự án đang thực hiện từ nguồn vốn ODA đã được bố trí vốn theo Hiệp định vay, tài trợ vốn: Tiếp tục triển khai theo các quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân đều được sử dụng điện từ các loại hình cấp điện, không nhất thiết phải là điện lưới quốc gia. Bên cạnh đó, các Dự án cấp điện đã được bố trí vốn trước đó thì tiếp tục thực hiện theo phê duyệt mà không nằm trong chương trình này nhằm tránh sự trùng lặp gây lãng phí. Tuy nhiên, Quảng Bình đã làm ngược lại Quyết định của Thủ tướng khi để Dự án điện lưới chồng lên hầu hết Dự án điện pin mặt trời.

“Mặc dù biết rất rõ là trái với Quyết định của Thủ tướng nhưng Quảng Bình vẫn quyết tâm làm thì rõ ràng họ đang cố ý làm trái. Nếu soi chiếu Quyết định số 2081, phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 của Thủ tướng và Quyết định số 2908, phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, thì thấy rất rõ điều này” - chuyên gia này phân tích.           

Ngay sau khi vụ “dự án chồng dự án” bị báo chí phanh phui, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đăng đàn trả lời trên một số tờ báo, cho rằng: “Không có chuyện dự án chồng dự án, dùng từ như thế là không đúng”. Tuy nhiên, ngược lại với phát biểu của ông Hoài, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình và ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận với Tiền Phong, Dự án điện lưới chồng lên hầu hết Dự án điện pin mặt trời.

MỚI - NÓNG