Theo Bộ GD&ĐT, đến năm 2018, 100% giảng viên ngoại ngữ ở các trường CĐ, ĐH đều đạt chuẩn quy định, đến năm 2020, 100% giáo viên ngoại ngữ các cấp học phổ thông đạt chuẩn quy định theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi ở từng cấp học hoặc liên cấp làm tiền đề cho việc chủ động triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao chất lượng giáo viên ngoại ngữ ở địa phương, tiến tới triển khai các chương trình song ngữ, chương trình tiên tiến vào năm học 2025 - 2026 ở các trường trọng điểm.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, trong những năm tới cần nghiên cứu xây dựng khung năng lực giáo viên ngoại ngữ cho Việt Nam; rà soát, hoàn thiện và thể chế hóa khung năng lực giáo viên tiếng Anh Việt Nam (ETCF) theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực giáo viên ngoại ngữ quốc tế và vận dụng phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của giáo viên Việt Nam.
Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng mới các chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung cho phù hợp và có tính khả thi cao. Ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Ngoài ra, xây dựng và triển khai áp dụng mô hình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ thường xuyên trong đó giáo viên, giảng viên ngoại ngữ được tạo điều kiện thuận lợi về thời gian và kinh phí để tham dự các khóa bồi dưỡng.
Đồng thời, khi tổ chức triển khai áp dụng mô hình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, cần đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, giảng viên, tình nguyện viên nước ngoài đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ.
Tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên thông qua mạng trực tuyến đối với giáo viên, giảng viên ngoại ngữ. Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, giảng viên ngoại ngữ.