10 sự kiện tiêu biểu 2016

Năm 2016 được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp với sự hưởng ứng của đông đảo người trẻ và các doanh nghiệp trẻ trên cả nước. Ảnh: Như Ý
Năm 2016 được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp với sự hưởng ứng của đông đảo người trẻ và các doanh nghiệp trẻ trên cả nước. Ảnh: Như Ý
TP - Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 thành công tốt đẹp. Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; Sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung;  Vụ án Trịnh Xuân Thanh và những lùm xùm trong công tác cán bộ; Yêu cầu sớm xét xử 6 “đại án” tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp...là những sự kiện tiêu biểu năm 2016 do báo Tiền Phong bình chọn.

1. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 thành công tốt đẹp. Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chính thức khai mạc vào ngày 21/1 và bế mạc vào ngày 28/1. 

Nghị quyết của Đại hội nêu rõ mục tiêu tổng quát của đất nước giai đoạn 5 năm tới, trong đó khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… Đại hội cũng đã bầu ra 200 Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư.

10 sự kiện tiêu biểu 2016 ảnh 1

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 thành công tốt đẹp. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ngày 22/5/2016, hơn 67 triệu cử tri cả nước đã đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Qua đó cử tri đã bầu ra 494 đại biểu Quốc hội và hơn 300 nghìn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV (tháng 7/2016), các đại biểu Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội; bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước; bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ; bầu ông Nguyễn Hòa Bình làm Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; bầu ông Lê Minh Trí làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Chính phủ mới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đã tuyên bố và quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

2. GDP 2016 không đạt mục tiêu, nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, cùng với nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ đã tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp

Năm 2016 kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều điểm sáng khi lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt qua mặt hàng gạo, đạt 2,4 tỷ USD góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm vượt 32,1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng 8,6% so với năm 2015, ước đạt 175,9 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, tăng 9% so với năm 2015. Đây cũng là năm lần đầu tiên nước ta có tới 110.100 doanh nghiệp thành lập mới.

Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến thiên tai và các yếu tố khác đã cộng lại khiến mức tăng GDP năm 2016 chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mục tiêu 6,7% mà Quốc hội đặt ra. Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2016 đạt 4,5 triệu tỷ đồng.?GDP bình quân đầu người ước tính đạt 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015.  Ngoài ra, năm 2016 cũng ghi nhận kỷ lục về số khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu cán mốc 10 triệu.

3. Năm quốc gia khởi nghiệp

Năm 2016 được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp với sự hưởng ứng của đông đảo người trẻ và các doanh nghiệp trẻ trên cả nước. T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021. Theo đó, T.Ư Đoàn tiếp cận hỗ trợ trọng tâm 3 đối tượng thanh niên khởi nghiệp, đó là sinh viên các trường ĐH, CĐ; thứ 2 là thanh niên nông thôn; thứ 3 là doanh nhân trẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

4.  Sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung

Đây là sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở nước ta. Cá chết bắt đầu từ một số hộ dân của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh sau đó lan rộng ra Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Thủ phạm sau đó được xác định là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa, có trụ sở tại khu Kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Formosa đã nhận lỗi, cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam và bồi thường số tiền 500 triệu USD.

Mặc dù thủ phạm nhận lỗi và bồi thường song sự cố môi trường biển miền trung gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn với kinh tế, xã hội tại bốn tỉnh miền trung. Sự cố cũng chỉ ra hàng loạt các bất cập trong chính sách, cơ chế, năng lực quản lý về môi trường của Việt Nam.

5. Một năm thời tiết bất thường

Ngay từ đầu năm (22-27/1), miền Bắc đã hứng chịu đợt không khí lạnh mạnh nhất trong vòng 40 năm qua với hàng loạt kỷ lục được ghi nhận.?Tại Hà Nội, lần đầu tiên có tuyết rơi trên đỉnh Ba Vì. Tiếp đó là hiện tượng xâm nhập mặn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, mưa lũ bất thường, liên tiếp và kéo dài khắp dải miền Trung đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Từ giữa tháng 10 đến trung tuần tháng 12, miền Trung phải hứng chịu tới 5 đợt lũ dữ trên diện rộng, trong đó có đợt đặc biệt lớn. Theo BCĐ T.Ư về phòng chống thiên tai, trong năm 2016 thiên tai đã làm 235 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 37.600 tỷ đồng.

2016 cũng được ghi nhận là một năm có mùa đông nóng kỷ lục với  nhiệt độ trong nửa đầu tháng 12?cao nhất?trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngoài ra bão cũng đến muộn và kết thúc muộn hơn so với với mọi năm.

6. Vụ án Trịnh Xuân Thanh và những lùm xùm trong công tác cán bộ

Bắt nguồn từ phản ánh của báo chí về việc: “Xe tư nhân gắn biển số xanh và “di sản” của Phó chủ tịch Hậu Giang”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét, làm rõ. Sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố ông Trịnh Xuân Thanh (nhưng ông Thanh đã bỏ trốn). Qua xem xét, Ban Bí thư và Ủy ban kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hàng loạt lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của Bộ Công Thương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, tỉnh Hậu Giang vì có những sai phạm trong việc xem xét, luân chuyển, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh.

Năm 2016 cũng là năm nổi lên nhiều bức xúc của xã hội và dư luận về tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, bổ nhiệm cán bộ doanh nghiệp làm ăn thua lỗ… Tại Yên Bái do bức xúc cá nhân trong bố trí sắp xếp nhân sự mà ông Đỗ Cường Minh (Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái) đã dùng súng bắn chết ông Phạm Duy Cường (Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) và ông Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch HĐND, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy). Một số lãnh đạo công ty nhà nước ở Bộ Công thương khi làm ăn thua lỗ, khi cơ quan chức năng vào cuộc đã trốn đi nước ngoài và chưa thấy quay trở về.

7. Thay đổi bất ngờ của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học

Mùa tuyển sinh 2016, lần đầu tiên các trường ĐH kể cả các trường top trên “thất điên bát đảo” vì hồ sơ ảo, nhiều trường đã phải tuyển bổ sung nguyện vọng hai. Nay trước dự tính bỏ điểm sàn vào đại học của Bộ GD&ĐT, các trường cao đẳng đang “mất ăn mất ngủ” vì lo trường ĐH vét cạn nguồn tuyển. Trong khi cả thầy lẫn trò đều lo lắng khi phải đối mặt với cuộc thi THPT quốc gia 2017 với những thay đổi bất ngờ. Tháng 9/2016, chỉ cách 10 tháng trước kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi, theo đó năm nay đa số các môn thi đều chuyển sang phương thức trắc nghiệm, trừ Ngữ văn. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu bài thi tổ hợp với 120 câu trong 150 phút cho 3 môn có đánh đố thí sinh ? Ngoài ra việc lần đầu tiên thi trắc nghiệm môn Toán cũng gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

8. Yêu cầu sớm xét xử 6 “đại án” tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp

 Năm 2016, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp, thống nhất đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử trong năm và đầu quý I/2017. Đến nay, đã có 2 vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm, gồm các vụ: “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam (Vinawaco); vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank. Bốn vụ còn lại đang ở giai đoạn kết luận điều tra hoặc truy tố.

9. Ba di sản được UNESCO vinh danh

Ngày 1/12, tại kỳ họp thứ 11 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO năm 2003, “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Di sản thứ chín của Việt Nam được ghi danh vào danh mục này được đánh giá đề cao tôn vinh vai trò người Mẹ, góp phần gia tăng lòng khoan dung giữa cá tộc người, tôn giáo, thể hiện sự sáng tạo trong thực hành nghi lễ, lễ hội, sinh hoạt văn hóa liên quan, ở đó các yếu tố văn hóa, nghệ thuật như hát chầu văn, nhạc lễ, trang phục, trình diễn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Tại Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương, Di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh)  được ghi danh là Di sản tư liệu thế giới. Thơ văn trang trí trong các công trình triều Nguyễn được xem là bảo tàng sống động về văn chương của triều Nguyễn. Mộc bản Trường học Phúc Giang (mộc bản Trường lưu) là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ ở Việt Nam chứa nhiều thông tin lịch sử, chính trị xã hội, tư tưởng văn hóa, ngoại giao.

10. Lần đầu tiên thể thao Việt Nam có HCV thế vận hội

Rạng sáng 7/8/2016, xạ thủ Quân đội Hoàng Xuân Vinh đã đoạt HCV cự li 10m súng ngắn hơi nam với tổng số điểm 202,5 tại Olympic Rio de Janeiro 2016. Thành tích của Hoàng Xuân Vinh là kỷ lục mới của Thế vận hội. Chiếc HCV cự li 10m súng ngắn hơi nam của anh cũng là HCV đầu tiên thể thao Việt Nam đoạt được ở đấu trường Thế vận hội. Tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016, ngoài chiếc HCV cự li 10m súng ngắn hơi nam, anh còn đoạt thêm 1 HCB cự li 50m súng ngắn.

Năm 2016 cũng đánh dấu thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam khi đô cử Lê Văn Công giành HCV cử tạ Paralympics, hạng cân 49kg tại Thế vận hội Người khuyết tật Rio de Janeiro. Thành tích của Lê Văn Công là 181kg, 2 lần phá kỷ lục Olympic ở hạng cân này. Đây cũng là tấm HCV đầu tiên của Việt Nam ở một kỳ Paralympics.

Một chiến tích khác của thể thao Việt Nam trong năm 2016 là ở môn bóng đá. Đội tuyển U19 Việt Nam đã lập nên cột mốc lịch sử mới khi vào tới Bán kết VCK U19 châu Á 2016, qua đó đoạt vé tham dự FIFA World cup U20 tại Hàn Quốc trong năm 2017. Cùng với bóng đá nam 11 người, bóng đá futsal cũng đạt thành công lớn khi đội tuyển futsal quốc gia vào tới vòng 1/8 FIFA Futsal World cup 2016 tại Colombia.

MỚI - NÓNG