Trước đó, Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (năm 2009) đặt mục tiêu khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, vận hành tổ máy phát điện đầu tiên năm 2020.
Băn khoăn địa điểm
Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy: Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Mới đây, hai đơn vị là liên danh JSC “E4 Group” của Cộng hòa Liên bang Nga và Công ty JAPC của Nhật đã nộp hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo dự án đầu tư của hai nhà máy điện hạt nhân.
Theo đó, hai địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được đánh giá là “tạm được” chứ chưa phải tối ưu nhất. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, lựa chọn địa điểm tối ưu thì rất khó, vì tối ưu về mặt kỹ thuật chưa chắc tối ưu về mặt xã hội. Ở đâu dân đông, giải phóng mặt bằng nhiều, lãnh đạo chưa đồng thuận thì rất khó làm.
Trước đó, nhiều nhà địa chất đã lên tiếng, khu vực dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có nguy cơ tồn tại những đứt gãy địa chất chưa được khảo sát và tìm hiểu kỹ.
Hai địa điểm trên, theo Bộ trưởng Quân là chấp thuận được, đáp ứng cơ bản các tiêu chí mà Việt Nam đặt ra và được cộng đồng quốc tế đánh giá hợp lý. Tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn về địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Khảo sát địa chất cho thấy tại địa điểm này có khả năng tồn tại đứt gãy, cần tiếp tục khảo sát, thăm dò.
Trước đó, nhiều nhà địa chất đã lên tiếng, khu vực dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có nguy cơ tồn tại những đứt gãy địa chất chưa được khảo sát và tìm hiểu kỹ.
GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, ngay tại địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có khả năng tồn tại một đứt gãy nghiêm trọng theo hướng á kinh tuyến, đâm vào địa điểm xây dựng. Vì thế, việc lựa chọn địa điểm cần hết sức thận trọng.
Theo Bộ trưởng Quân, việc chọn địa điểm xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được quyết định sau khi Việt Nam thẩm định xong hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo đầu tư dự án. Có thể vào cuối năm nay. Trường hợp phát hiện đứt gãy địa chất sẽ phải nâng mức an toàn cao hơn, đồng nghĩa vốn đầu tư lớn hơn.
Nhiều việc phải làm
Chia sẻ về lộ trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Quân cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn thẩm định hồ sơ phê duyệt địa điểm và báo cáo dự án đầu tư. Hết năm 2014 mới hoàn thành thẩm định. Sau đó chính thức đề xuất công nghệ, chọn địa điểm xây dựng và đàm phán tài chính. Dự kiến năm 2015 làm hồ sơ mời thầu thiết kế. Sau đó thẩm định thiết kế, đấu thầu đầu tư và chọn nhà thầu thi công. Sau hai đến ba năm nữa, Việt Nam mới có thể khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Sớm nhất năm 2025 mới vận hành tổ máy phát điện đầu tiên. Như thế, so với Nghị quyết của Quốc hội, việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân chậm ít nhất hai đến ba năm. Việc vận hành tổ máy phát điện đầu tiên chậm hơn ít nhất năm năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc lùi thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là cần thiết.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khuyến cáo đến cuối giai đoạn chuẩn bị, Việt Nam đồng thời phải có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, cơ quan pháp quy, cơ quan vận hành đảm bảo năng lực trong xin cấp phép, đàm phán hợp đồng, quản lý dự án. Ngoài ra, các bên liên quan phải được điều phối tốt và hoạt động thống nhất nếu không sẽ có sự hiểu lầm, chậm trễ, bội chi và các vấn đề tiềm tàng về an toàn.
Ông Yukiya Amano, Tổng giám đốc IAEA cho biết, thông thường một quốc gia mới bắt đầu phát triển điện hạt nhân như Việt Nam trung bình mất 10-15 năm từ giai đoạn lên kế hoạch đến khởi công xây dựng. Việt Nam đã tích cực trong việc chuẩn bị như tham gia các công ước quốc tế về năng lượng hạt nhân, đào tạo con người, xây dựng báo cáo khả thi. Tuy nhiên, dự án điện hạt nhân là một dự án lâu dài, phức tạp, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.